Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for the ‘Chuyên đề 11’ Category

VOV – Thơ và cuộc sống 9-9-2012 – phỏng vấn PCN Trần Hà Nam về thơ Xuân Diệu

Thầy Trần Hà Nam trả lời phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam – phát trong chương trình Thơ và cuộc sống trên VOV1 ngày 9 – 9 – 2012.
Có chút đính chính: Bài “Cha đàng Ngoài mẹ ở đàng Trong” không phải bài “Về thăm huyện quê hương đổi mới”

Read Full Post »

Gánh thơ lên bán chợ Trời

  • Thanh Thư

Trong dòng chảy văn học Việt Nam, Tản Đà là thi sĩ đầu tiên mở đầu cho thơ ca Việt Nam hiện đại, “người vắt mình qua hai thế kỉ”. Ông cũng là người đầu tiên đã có can đảm làm thi sĩ một cách đường hoàng. Đặc biệt là ông dám giữ một bản ngã, dám có một cái tôi, mà như đánh giá của Xuân Diệu công lao lớn nhất của Tản Đà là đã cống hiến cho văn học một cái tôi cá nhân, cá thể. Cái Tôi cá nhân trong thơ Tản Đà được thể hiện qua nhiều cung bậc khác nhau, đó là cái tôi đa sầu, đa cảm, cái tôi đa tình và cái tôi ngông. Tản Đà không phải là một trường hợp “ngông” cá biệt trong văn học Việt Nam. Trước ông, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát…đều ngông. Nhưng có lẽ chỉ Tản Đà mới có cái kiểu ngông gánh thơ lên bán chợ trời.
 “Ngông” là tỏ ra bất cần đến sự khen chê của người đời, có người nói, đó là thái độ khinh đời, ngạo đời dựa trên sự tài hoa uyên bác. Người Trung Hoa hiểu ngông là cuồng, là loạn. Xét đến cùng, ngông thể hiện một cá tính đặc biệt. Khái niệm “ngông” trong văn học thường được dùng để chỉ định một kiểu ứng xử xã hội và nghệ thuật khác thói thường của những nhà văn, nhà thơ có ý thức cá nhân cao độ. Tất nhiên, ý thức cá nhân ấy cũng chỉ được phát triển mạnh mẽ trong những điều kiện xã hội nhất định, gắn liền với tổng thể những quan niệm khá mới mẻ (trong khuôn khổ trung đại) về vũ trụ, nhân sinh và nghệ thuật. Đối với Tản Đà, cái ngông ấy không nên hiểu đơn thuần chỉ là cái ngông của những nhà nho tài tử, của đám văn nhân, mà phải hiểu theo góc độ khác, từ nhân sinh quan. Trước hết, khi thể hiện mình ngông, nghĩa là khi con người sống thật với mình nhất, thể hiện cá tính không trộn lẫn với người khác, dù người khác ấy có sự chi phối mạnh mẽ đến bản thân mình. Xã hội phong kiến là xã hội không cho cá tính phát triển, người có tài trong xã hội phong kiến là người chỉ được múa một tay (Phan Ngọc), con người trong xã hội phong kiến phải tuân theo các phép tắc của cộng đồng, phải hòa mình vào số đông của tập thể. Sự phát triển cá tính trong xã hội phong kiến là một mầm họa. Vì thế, mọi phép tắc ứng xử trong xã hội phong kiến, suy cho cùng là để bóp chết cá tính của con người. Trong xã hội ngột ngạt như thế mà có những tính cách trỗi dậy thì rõ ràng không thể xem đó là sự ương ngạnh. Mặt khác trong những năm 20 của thế kỉ XX, trước luồng gió của chủ nghĩa cá nhân tư sản và trào lưu văn học lãng mạn trên thế giới, xã hội nảy sinh nhu cầu đòi giải phóng bản ngã, đòi tự do và đời sống tình cảm riêng tư chống lại sự kiềm hãm, đè nén của xã hội phong kiến. Cái “ngông” của Tản Đà thực chất là sự phản ứng của xã hội đương thời ở góc độ nhân sinh quan. Sự phản ứng đó là hết sức táo bạo, thể hiện bản lĩnh của một nhân cách sống.
Tản Đà được ví là nhà thơ của say, ngông mộng. Tản Đà đã thể hiện cái ngông trong cuộc sống và trong cả thơ văn. Ngay trong lời tự bạch, Tản Đà đã hiện lên với hình ảnh của một khách chơi ngông nghênh nhất: Trời sinh ra bác Tản Đà/ Quê hương thời có, cửa nhà thời không. Tản Đà coi bốn phương là nhà, mang túi thơ đi khắp trong thiên hạ, mang cái ngông nghênh của mình thách thức với cả sông núi. Và ông cho rằng đó là định mệnh sắp đặt ông như vậy, dù ông dù mọi người có chấp nhận hay không. Có thể nói trong sáng tác của mình, Tản Đà đã thực sự là người kế tục của khuynh hướng văn học đã kịp thời trở thành truyền thống lịch sử. Không có cái ngông thị tài của Cao Bá Quát, không có cái ngỗ ngược của Nguyễn Công Trứ, không có một chàng Kim Trọng Rắp mong theo ấn từ quan để tìm kiếm lại người đẹp thì khó mà có cái tuyên ngôn ngạo nghễ của Tản Đà:Thơ lưng chất nặng tay buồn rỗi/ Bán áo mà mua giấy viết ngông. Hỏng thi, nếm trải cảnh bi kịch xưa nay không ít. Tú Xương đã viết về điều đó thật thấm thía. Nhưng Tản Đà thì lại khác, hỏng khoa thi Đinh Dậu, khoa Nhâm Tí, ông đã đe dọa và hùng hổ đến tức cười: Bởi ông hay quá ông không đỗ/ Không đỗ ông càng tốt bộ ngông. Ai đó đã từng nói: thi sĩ cũng là tửu đồ, tìm đến rượu, cái ngông ấy như được kích thích, ngông lại càng ngông. Bao nhà thơ nói rất hay về rượu, lập luận, lí sự cho việc say sưa. Tản Đà cũng thích rượu, vì cũng như các nhà thi bá thời xưa (Lí Bạch, Lưu Linh), rượu là nguồn cảm hứng của ông. Rượu là phương tiện thần diệu mê ly để ông ngông với đời. Say sưa nghĩ cũng hư đời/  Hư thời hư vậy, say thời cứ say/ Đất say đất cũng lăn quay/ Trời say mặt đất đỏ gay ai cười? Tản Đà đã say, đã sống trọn vẹn trong cái say của mình, cái say ngạo mạn và thách thức. Tản Đà không say rượu. Rượu chẳng qua chỉ là cái cớ. Một cái cớ để giúp cho Tản Đà được ngất ngưởng vùng vẫy trong cuộc chơi: Cảnh đời gió gió mưa mưa/ Buồn trông ta phải say sưa đỡ buồn/ Rượu say, thơ lại khơi nguồn/ Nên thơ, rượu cũng thêm ngon giọng tình/ Rượu thơ mình lại với mình/ Khi say quên cả cái hình phù du/ Trăm năm thơ túi rượu vò. Tóm lại, trong thơ Tản Đà, ngông là một đặc điểm nổi bật thể hiện cách sống khinh bạc, làm trái ngược đời để tỏ rằng mình tỉnh trong khi kẻ khác say, để chứng minh rằng mình thanh bạch trong khi người khác ô trọc, dơ bẩn. Sau Tú Xương, có lẽ Tản Đà là một nhà thơ ngông hơn cả trên thi đàn văn giao thời hai thế kỉ XIX -XX.
            Có thể nói cái ngông cũng như phong cách thơ Tản Đà được thể hiện tiêu biểu nhất qua bài thơ Hầu trời được xếp trong tập Còn chơi (1921). Xuân Diệu đánh giá Hầu Trời là một trong số những bài đứng lại được với thời gian, ngạo cùng năm tháng. Bài thơ là một đóng góp lớn lao của Tản Đà trong việc cách tân về cả nội dung và hình thức thơ, tiêu biểu nhất là sự thể hiện cái tôi ngông. Có thể nói Hầu trời không phải là một đề tài mới của riêng Tản Đà, đề tài “lên tiên” đã từng được thể hiện trong nhiều sáng tác dân gian và văn học viết thời trung đại. Nhưng Tản Đà lên tiên trong một bối cảnh, mục đích, diễn biến hoàn toàn khác so với trước đó. Tiếng ngâm thơ “vang cả sông Ngân Hà” khiến Trời “mất ngủ”. Rõ ràng, cái duyên được lên hầu Trời gắn liền với những phút cao hứng của nhà thơ. Chuyện bịa mười mươi mà xem chừng rất tự nhiên. Bài thơ có rất nhiều chi tiết cụ thể được xếp đặt lô-gich: nằm một mình – buồn- đun nước uống -ngâm văn, tiên xuống – nêu lí do -đưa lên trời, được đón tiếp trọng vọng, được mời mọc đọc thơ -chư tiên xúm vào khen ngợi, tán thưởng -Trời truyền hỏi danh tính -kể lể tình cảnh, bày tỏ nỗi lòng -Trời đả thông tư tưởng, lạy tạ ra về… Nhà thơ đã mở đầu câu chuyện của mình bằng một giọng điệu rất hấp dẫn, bịa mà vẫn tự nhiên, hóm hỉnh. Ở đây, tác giả muốn người đọc cảm nhận được cái hồn cốt trong cõi mộng, mộng mà như tỉnh, dường như tác giả muốn người đọc xác nhận đây là một câu chuyện thật. Nó đưa người đọc đến với những cảnh trí thần tiên, lộng lẫy, không còn sự ràng buộc, không còn sự giới hạn. Nhà thơ bịa ra chuyện “hầu trời”, hình dung và đặt các đấng siêu nhiên ngang hàng với mình đã hàm chứa một sự khiêu khích đối với cái tôn ti, đẳng cấp đang thống trị xã hội lúc bấy giờ. Chính vì vậy, câu chuyện được lên tiên giới vừa lãng mạn nhưng pha lẫn nét “ngông” trong thơ thi nhân. Việc hư cấu nên cả một câu chuyện như muốn đưa thơ trữ tình thoát dần nhiệm vụ tỏ chí nghiêm trang, khắc khổ để tiện giải bày cảm xúc phóng khoáng của con người cá nhân, đồng thời là một cách để nhà thơ thể hiện độc đáo nhất cái ngông của mình.
Sau khi được hai nàng tiên dẫn lên trời, Tản Đà đã đọc thơ cho chư tiên nghe: Chư tiên ngồi quanh đã tĩnh túc/ Trời sai pha nước để nhấp giọng/ Truyền cho văn sĩ đọc văn nghe/ Dạ bẩm lạy trời con xin đọc. Thi nhân đọc rất cao hứng, sảng khoái và có phần ngông nghênh tự đắc: Đọc hết văn vần sang văn xuôi/ Hết văn lý thuyết lại văn chơi/ Đương cơn đắc ý đọc đã thích/ Chè trời nhấp giọng càng tốt hơi. Tự khen tài mình nhưng lại chọn hình thức để Trời cùng chư tiên khen ngợi. Đây là một kiểu ngông rất đáng yêu trong thơ Tản Đà. Rõ ràng, thi nhân rất ý thức về tài năng văn thơ của mình và cũng là người táo bạo, dám đường hoàng bộc lộ “cái tôi” cá thể. Nhà thơ đã thấy được dài, giàu, lắm lốiphẩm hạnh đặc thù của văn thời mình, bên cạnh những phẩm hạnh truyền thống như nhời văn chuốt đẹp, khí văn hùng mạnh, êm, tinh…Tình huống hầu Trời quả đã cho nhà thơ một cơ hội tuyệt vời để phô bày một cách sảng khoái tài năng của bản thân. Ông cũng rất ngông khi tìm đến trời để khẳng định tài năng, ngông khi đem văn chương lên “tiếp thị” chợ trời. Cái ngông ấy gián tiếp nói lên rằng ở hạ giới không có ai là tri âm, tri kỉ với thơ văn ông. Lời trời khen hẳn là sự thẩm định có sức nặng nhất, không thể bác bỏ, nghi ngờ. Đúng là một lối tự khẳng định rất ngông đồng thời bộc lộ quan niệm về văn chương của Tản Đà. Có thể nói Tản Đà là nhà thơ đầu tiên đi rao bán văn chương.
Khi đọc văn chương cho trời nghe, Trời hỏi danh tính, Tản Đà đã hiên ngang thể hiện cái tôi của mình qua việc tự xưng: Dạ, bẩm lạy Trời, con xin thưa:/ Con tên Khắc Hiếu họ là Nguyễn/ Quê ở Á châu về Địa cầu/ Sông Đà, núi Tản, nước Nam Việt. Tác giả đã tâu trình rõ ràng về họ tên, xuất xứ của mình cho Trời nghe. Việc xưng danh của Tản Đà diễn ra khá tự nhiên, phù hợp hoàn toàn với mạch truyện. Việc thể hiện họ tên trong tác phẩm chính là một cách để thể hiện cái tôi cá nhân của mình, và đó cũng chính là cái ngông của Tản Đà. Thơ văn trước kia không ít người xưng tên, Nguyễn Du đã từng ngậm ngùi: Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như (Độc Tiểu Thanh kí), Hồ Xuân Hương trong Mời trầu cũng tự khẳng định: Này của Xuân Hương mới quệt rồi, Nguyễn Công Trứ Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng (Bài ca ngất ngưởng)…Nhưng cách xưng danh tính của Tản Đà cũng khác thể hiện rõ dấu ấn trong cung cách của ông, đó là cách xưng hô tên trước, họ sau giống phương Tây, tách tên, họ theo một kiểu cung khai lí lịch rất hiện đại, lại còn nói rõ bản quán, quốc tịch, châu lục, tên của hành tin… Vì vậy đã ngông lại càng ngông. Nhưng đó là cái ngông của người có tài và biết trân trọng, khẳng định tài năng của mình. Có một nụ cười hóm hỉnh ẩn sau vẻ thành khẩn trước “đấng chí tôn”, nhưng điều đáng nói hơn hết vẫn là ý thức cá nhân, ý thức dân tộc của nhà thơ. Một cái tên – tên thật chứ không phải tự hay hiệu -mà được nói ra trịnh trọng đến vậy hẳn nhà thơ phải thấy có một giá trị không thể phủ nhận gắn liền với nó. Hơn nữa, ông còn muốn Trời thấy được Nguyễn Khắc Hiếu chính là của Á Châu -của xứ sở có một nền văn minh tinh thần cao quý, đáng tự hào. Cụ thể thêm một mức nữa, ông kiêu hãnh khai mình là đứa con đích thực của sông Đà núi Tản nước Nam Việt. Khi trong thời hiện đại, hai chữ “thiên hạ” đã trở thành một khái niệm mở (điều này Tản Đà ý thức được rất rõ), đặc biệt khi đất nước đã mất chủ quyền, kiểu nói như vậy của nhà thơ rõ ràng chứa đựng cả một cái thái độ tự tôn dân tộc, một tình cảm “non nước” đáng quý. Cũng qua câu thơ, tác giả đã ngầm cho biết lai lịch của bút hiệu Tản Đà – một điều đã từng được ông thể hiện trong nhiều bài thơ khác.
            Tản Đà xưng rõ danh tính, hóm hỉnh hơn, nhà thơ còn khẳng định cả phong cách ngông của mình qua việc mượn lời của “Thiên tào” tra sổ: Bẩm quả có tên Nguyễn Khắc Hiếu/ Đày xuống hạ giới vì tội ngông. Rõ ràng việc tự nhận mình là trích tiên (ngầm so sánh mình với Lý Bạch) là một cái tôi rất mực ngông nghênh của Tản Đà. Tự nhận mình là tiên nghĩa là gián tiếp khẳng định mình cao hơn mọi người.Và ông tiên ấy vì ngông mới bị đày xuống hạ giới. Văn thơ trước đó không phải không có người ngông, nhưng tự nhận mình là ngông như Tản Đà thì thật là hiếm. Sau khi đối thoại với Trời, ngông hơn, nhà thơ còn tự nhận trách nhiệm và sứ mệnh cao cả của người nghệ sĩ nói chung và của bản thân mình nói riêng là lo việc thiên lương cho nhân loại dưới cõi trần tục: Trời rằng không phải là Trời đày/ Trời định sai con một việc này/ Là việc thiên lương của nhân loại/ Cho con xuống thuật cùng đời hay. Việc thiên lương là một luận thuyết về cải cách xã hội của Tản Đà. Ông quan niệm thiên lương là nhân tố cơ bản thúc đẩy sự tiến bộ xã hội, là sự thống nhất toàn vẹn của ba “chất” trong con người: lương tri (tri giác trời cho), lương tâm (tâm tính trời cho) và lương năng (tài năng trời cho). Theo ông, nếu chú ý bồi đắp, thực hành thiên lương thì có thể cải tạo được tình trạng luân thường đảo ngược, phong hóa suy đồi và sự trì trệ, lạc hậu của xã hội Việt Nam thời đó. Như vậy, Tản Đà muốn bất mãn trước cuộc đời nhưng ông vẫn luôn tha thiết vì đời, quan điểm viết văn là để phục vụ việc thiên lương cho nhân loại. Viết văn hay làm cho đời đẹp là nhiệm vụ mà trời đã trao cho nghệ sĩ.
Bài thơ Hầu trời được Tản Đà viết vào đầu những năm 20 của thế kỉ XX. Đây là thời kì mà thơ Việt Nam đang tiến vào quỹ đạo hiện đại, hình thức thơ cũng có nhiều biến đổi: bài thơ dài, mỗi bài nhiều khổ, ngôn ngữ từ “điệu ngâm” chuyển sang “điệu nói”. Bài thơ Hầu trời của Tản Đà là một cách tân đáng kể về thể thơ. Tản Đà không dùng các thể thơ cũ như thất ngôn bát cú, tứ tuyệt, lục bát, song thất lục bát …như các bài thơ trước đó mà dùng thể thơ thất ngôn trường thiên.Với ưu thế không hạn định về số câu, niêm, luật, vần, đối, ngắt nhịp  hết sức tự do, thể thơ này đã giúp Tản Đà đi đến tận cùng trong việc thể hiện những cung bậc cảm xúc trong tâm hồn, chuyển tải thành công câu chuyện hư cấu tưởng tưởng và kể chuyện một cách linh hoạt. Điều ấy góp phần không nhỏ trong việc thể hiện cái ngông của nhà thơ, tạo nên một sự hài hòa giữa nội dung và hình thức. Chỉ có trong một thể loại thơ tự do phóng khoáng thì cái tôi ngông ấy mới có đất thỏa sức thể hiện mình. Như vậy, ngay trong việc lựa chọn thể thơ phần nào đã thể hiện cá tính tác giả. Tản Đà được mệnh danh là “ảo thuật gia” về ngôn ngữ…thì với Hầu trời  hoàn toàn ngược lại. Ngôn ngữ trong bài thơ Hầu trời  là thứ ngôn ngữ gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày, ít có những ước lệ, cách điệu như trong thơ trung đại, đôi khi có phần suồng sã. Những câu thơ dường như cứ tự nhiên tuôn ra một cách hết sức thoải mái: Trời lại sai con việc nặng quá/ Biết làm có được mà dám theo. Có thể nói việc đưa ngôn ngữ đời thường dung dị mà vẫn rất gợi cảm vào thơ ca là sáng tạo độc đáo về mặt nghệ thuật của Tản Đà. Ngôn ngữ thơ ở Hầu Trời đã có sự xâm nhập của giọng điệu văn xuôi và ngôn ngữ bình dân. Không quá câu nệ vào vần luật nên mạch cảm xúc được phát triển rất tự nhiên và cái Tôi cá nhân đã thoả sức bộc lộ và thể hiện mình. Đó là một kiểu ngông rất nghệ sĩ, vui vẻ và đáng yêu. Bài thơ đã phác hoạ một chân dung thi sĩ Tản Đà với phong cách ngông độc đáo, đó là cái ngông của một nhà nho tài tử ở thời kì mà ý thức cá nhân bắt đầu được trân trọng và khẳng định. Giọng điệu trong bài thơ Hầu trời khá linh hoạt: đó là giọng kể mang tính tự sự phối hợp với giọng trữ tình nhiều sắc điệu, khi hóm hỉnh hài hước, lúc thì sôi nổi phóng khoáng, khi lại ngậm ngùi, chua chát. Với giọng điệu tương đối tự do, linh hoạt, cách biểu hiện cảm xúc của tác giả trở nên phóng túng, tự do, không bị gò ép. Đây cũng chính là một cách tốt nhất để tác giả có thể thể hiện cái ngông và cá tính của mình.
Tản Đà đã một mình làm được “cơn gió lạ”. Nối dài một truyền thống sáng tạo, ông đã đưa lại cho Văn học Việt Nam thời cận đại hàng loạt những sáng tác mẫu mực. Đóng góp lớn nhất của ông là việc thể hiện con người cá nhân, khẳng định ý thức cá nhân một cách mạnh mẽ, táo bạo. Trong đó Hầu Trời là bài thơ đẹp đẽ nhất. Tuy lịch sử văn học đã vượt qua ông để tiếp tục cuộc vận hành bất tận với những tên tuổi mới, nhưng gạt Tản Đà ra khỏi sẽ thấy một khoảng trống vô cùng to lớn. Hầu trời là bài thơ không chỉ mới ở tình điệu cảm xúc, không chỉ thể hiện một ý thức cá nhân mới, một cái tôi rất gần với cái tôi thơ Mới sau này mà còn có những đổi mới đáng kể về mặt hình thức nghệ thuật. Và như ai đó đã từng nói Hầu Trời chưa phải là bài thơ hay nhất của Tản Đà nhưng là minh chứng rõ nhất cho “người của hai thế kỉ”.
V.T.T.T
(GV Văn – THPT Chuyên Lê Quý Đôn Bình Định)

Read Full Post »

Về Chữ người tử tù

Đề luyện tập: Quan niệm về cái Đẹp của Nguyễn Tuân trong truyện ngắn Chữ người tử tù.
BÀI VIẾT THAM KHẢO:
Nguyễn Tuân (1910 – 1987) cả một đời văn đi tìm cái Đẹp. Nhưng khác với Thạch Lam, tâm hồn ông hướng về vớ i những nét toàn thiện toàn mĩ , vượt lên khỏi giới hạn của cái bình thường, luôn nhìn nhận thế giới và con người ở phương diện thẩm mĩ – văn hoá.
Vang bóng một thời như là một điểm xuất phát của quan điểm nghệ thuật mang dấu ấn cá tính con người tài hoa tài tử Nguyễn Tuân. Mười một truyện ngắn dựng lên những chân dung đặc sắc khó quên của một thời quá vãng, tiêu biểu cho khuynh hướng thoát li của Nguyễn Tuân trước cách mạng : những thú chơi tao nhã, những con người của quá khứ xa xăm, thực ra là một cách cắt nghĩa cho tấm lòng của nhà văn vốn nặng tình cùng thời vàng son dĩ vãng. Nhưng ẩn chứa trong tập truyện là một tâm hồn dân tộc yêu tha thiết những giá trị đã trở thành truyền thống. Bên cạnh đó, tác phẩm còn là nơi gửi gắm tâm sự yêu nước, tâm trạng bất hoà của một người trí thức luôn cảm thấy bức bối trong khuôn đời chật hẹp. Cảm hứng đặc biệt mãnh liệt của Nguyễn Tuân gắn với những nhân vật đối lập với trật tự khuôn phép phong kiến, thể hiện tập trung trong truyện ngắn Chữ người tử tù, giúp ta hiểu sự chân thành sâu lắng của Nguyễn Tuân trong cái vỏ khác người kiêu bạc.
Tác phẩm là câu chuyện xoay quanh nét chữ của Huấn Cao – người tử tù bất khuất. Xung quanh trục chính của câu chuyện là những nhân vật thầy thơ lại, viên quản ngục và Huấn Cao. Họ vốn là kẻ thù với nhau trong cuộc sống, nhưng lòng yêu cái Đẹp giúp họ tìm đến với nhau như những người bạn tâm giao.
Cho đến tận thế kỉ XXI, trên văn đàn vẫn còn những cuộc tranh luận sôi nổi xung quanh Chữ người tử tù về nhân vật chính của tác phẩm: Chữ hay là người tử tù Huấn Cao mới là cảm hứng chủ đạo trong tác phẩm này của Nguyễn Tuân? Điều đó cho thấy tính phức tạp, đa nghĩa của tác phẩm. Chính vì vậy, sức hấp dẫn của tác phẩm vẫn còn nguyên vẹn. Tuy nhiên cần phải nhìn nhận tác phẩm này từ quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước cách mạng, đồng thời gắn với đặc trưng “văn học là nhân học”  để xácđịnh rõ tư tưởng của Chữ người tử tù.  Trước cách mạng, Nguyễn Tuân là đại diện cho khuynh hướng thoát li trong văn học lãng mạn bằng việc đề cao những vẻ đẹp “vang bóng một thời”. Lấy cái tôi làm trung tâm để nhìn nhận cuộc sống, ít nhiều trong tác phẩm, người nghệ sĩ lãng mạn bao giờ cũng muốn bộc lộ chính những suy ngẫm, tâm trạng của riêng mình. Không phải ngẫu nhiên tác phẩm lại chọn nguyên mẫu Cao Bá Quát để tạo dựng hình tượng Huấn Cao, vì ít ra nhà văn cũng cảm nhận được mối quan hệ tương đồng giữa bản thân mình với nhân vật. Mặt khác, trước cách mạng, Nguyễn Tuân luôn lấy tiêu chuẩn đánh giá con người ở ba khía cạnh: cái Tài – cái Đẹp – cái Thiên Lương nên Huấn Cao là hình tượng độc đáo giúp nhà văn phát biểu quan niệm về con người của chính ông một cách toàn diện. Chữ – thư  pháp vốn là sở hữu của bậc văn nhân tài tử thời xưa, là phương tiện diễn tả thần thái, tinh hoa của con người, là hiện hình cụ thể của chủ thể thẩm mĩ. Vì vậy, không thể xem chữ là nhân vật trung tâm của tác phẩm. Con người và những vẻ đẹp Người bao giờ cũng là trung tâm cảm hứng của văn học lãng mạn, chữ của Huấn Cao thực chất là sự lí giải một góc tâm hồn Huấn Cao, là lời ca tụng cái đẹp Con Người trong hoàn cảnh tưởng chừng chỉ tồn tại những điều xấu xa.
Xem Huấn Cao là nhân vật đại diện cho cái Tài – cái Đẹp – cái Thiên Lương theo quan niệm Nguyễn Tuân cũng cần phải xét đến vai trò của viên quản ngục và thầy thơ lại. Bởi, cái đẹp chỉ thật sự có ý nghĩa khi có người biết thưởng thức. Đó cũng là một khía cạnh chủ đề của tác phẩm mà nhà văn muốn thông qua những nhân vật của mình phát biểu. Sẽ không ai biết đến Huấn Cao vào những thời khắc khốc liệt nhất của đời ông nếu như không có những người như quản ngục, thơ lại. Hai nhân vật này cùng Huấn Cao làm nên “ba đốm sáng đặc biệt” trên nền hiện thực tăm tối.
Tác phẩm hấp dẫn người đọc trước hết ở lối dựng chuyện rất ấn tượng của Nguyễn Tuân. Bản thân ông ý thức rất rõ về việc tạo không khí cho tác phẩm để từ đó diễn giải về số phận, tính cách nhân vật. Vốn là một người rất am hiểu văn hoá phương Đông, tiếp thu ảnh hưởng của cha, Nguyễn Tuân có biệt tài tái hiện những hình ảnh xa xăm của một thời “một đi không trở lại”. Không khí cổ điển bao trùm toàn bộ tác phẩm ngay từ câu đầu tiên: “Nhận được phiến trát của quan Sơn-Hưng-Tuyên đốc bộ đường…”, để từ đó những con người của một thế giới xa xưa hiện ra trước mắt ta nguyên hình rõ nét. Nhân vật chính chưa xuất hiện mà tác phẩm lại bắt đầu từ tâm trạng nửa lo – nửa mừng của viên quan đứng đầu nhà ngục khi nghe tin Huấn Cao sẽ bị áp giải đến nơi mình cai quản. Bổn phận của một bề tôi trung thành là phải làm tròn chức trách nên trong cuộc trao đổi giữa ngục quan với thuộc cấp đã hiện lên một kẻ mẫn cán trong phận sự. Hoàn cảnh đề lao đã tạo nên con người theo khuôn phép, cẩn trọng đúng mực như ngục quan. Nhưng để thấy con người thực của ngục quan và nỗi băn khoăn của ông ta cần phải gắn cùng một hoàn cảnh khác, tâm trạng khác. Bởi qua những dòng đầu tiên, người đọc biết đến niềm khao khát được thưởng thức tài hoa tuyệt đỉnh của thư pháp trong nét chữ tên tử tù Huấn Cao của một người nắm quyền sinh quyền sát trong tay. Nhưng là người biết định giá cái Đẹp và đến với cái Đẹp bằng tất cả tấm lòng, ngục quan cũng hiểu rõ tình thế khó xử của chính mình. Để nhân vật một mình lọt thỏm trong mênh mông bóng tối của nhà ngục. Nguyễn Tuân đã thuật lại khá đầy đủ những xung đột bên trong của nhân vật. Ngôn ngữ miêu tả tâm lý của Nguyễn Tuân đã đạt đến trình độ bậc thầy khi ông đi sâu mổ xẻ những uẩn khúc trong lòng nhân vật một cách rất tự nhiên gắn kết với khung cảnh.
Để cắt nghĩa tâm trạng ngục quan, Nguyễn Tuân đã khắc họa khỏanh khắc ngục quan khơi lại ngọn đèn dầu sở soi sáng khuôn mặt, đối diện chính bản thân. Đây cũng là thủ pháp thường gặp trong văn xuôi hiện đại. Nhà văn cũng đã không ngần ngại bộc lộ cảm tình của mình với ngục quan, khi ông dùng những nét vẽ bằng ngôn ngữ phác họa chân dung nhân vật một cách trân trọng. Phẩm chất nhân vật được khái quát đầy đủ ngay từ đầu với những nét tương hợp giữa ngôn ngữ, ngọai hình và nội tâm của nhân vật. Đàng sau khuôn mặt bình thản như mặt nước hồ thu là cả một thế giới tâm hồn đáng trọng: “trọng người ngay, biết giá người…” là cơ sở nhà văn khẳng định tâm hồn ngục quan như “bản đàn trong trẻo” trong thế giới tạp âm, đối lập với “bọn cặn bã, lũ quay quắt”. Nhân vật đối lập với hoàn  cảnh luôn là đặc điểm hàng đầu trong sáng tác của Nguyễn Tuân, là chiếc chìa khóa mở tung những cửa ngách phức tạp của hồn Nguyễn Tuân, văn Nguyễn Tuân. Đoạn đặc tả chân dung nhằm diễn giải cho tình huống thử thách xảy đến cùng ngục quan: liệu giữa con người bản – chất và con người mặt – nạ, phía nào sẽ thắng thế? Tâm nguyện của ngục quan có cơ hội thực hiện, nhưng bằng con đường nào phải lẽ, bản thân nhân vật phải trải qua quá trình đấu tranh căng thẳng với chính mình. Xin được chữ Huấn Cao – con người “văn hay chữ tốt nổi tiếng một vùng” là vinh hạnh của một kẻ như quản ngục, bị giam cầm trong bổn phận, trách nhiệm. Liệu nhân vật có vượt qua được thử thách hay không? Câu hỏi định hình từ phía nhà văn đã gợi được trí tò mò cho bạn đọc để làm nên một không khí khác hẳn với lối diễn giải một chiều của tiểu thuyết chương hồi, phơi bày những phức tạp mâu thuẫn nội tâm để làm rõ nét chân dung đặc sắc của ngục quan.
Nếu Huấn Cao là nhân vật trung tâm của tác phẩm thì ngục quan chính là nhân vật đối chiếu để làm rõ cho ý đồ của nhà văn. Thế nhưng góc nhìn đối sánh ấy lại bắt đầu từ vị thế đối lập giữa hai nhân vật. Ngay từ khoảnh khắc đầu tiên xuất hiện giữa nhà ngục, Huấn Cao đã hiện ra sừng sững những cốt cách, khí phách của một anh hùng. Chiếc gông đeo cổ sáu tử tù – biểu tượng dữ tợn của quyền uy và tội ác với kích cỡ “xứng đáng”, với màu “đen bóng” vì mồ hôi bao kẻ tử tội trở nên tầm thường thảm hại trước thái độ lạnh lùng “dỗ gông” của Huấn Cao. Giữa ranh giới sống – chết mong manh, khí phách “uy vũ bất năng khuất” (uy vũ không thể khuất phục) của Huấn Cao không thể được hiểu bằng đầu óc u tối của đám lính lệ dựa hơi quan quyền ra oai phách lối. Chỉ có thái độ “hiền lành khác hẳn ngày thường” của ngục quan mới là sự trọng thị thật sự của những người ý thức bản thân rõ nét. Nguyễn Tuân đã thuật lại quá trình tìm cách tiếp cận Huấn Cao của ngục quan hoàn toàn khách quan và hợp logic phát triển trên tâm lý nhân vật. Nhưng ông cũng giúp thấy rõ nghịch cảnh trớ trêu: một đàng tìm cách gần gũi, một đàng cảnh giác tuyệt giao. Nỗi khổ tâm của ngục quan càng tăng thì sự lạnh lùng “khinh bạc đến điều” của Huấn Cao càng tỏ rõ sự cứng rắn, đầy bản lĩnh của người anh hùng mạt lộ. Đơn giản một điều là họ chưa tìm thấy tiếng nói chung khi vị thế hai người được đặt trong sự đối đầu về mặt xã hội.
Đỉnh cao của xung đột đầu tiên giữa hai kẻ không cùng chiến tuyến là lúc ngục quan mạo hiểm xuất hiện trước mặt Huấn Cao và nhận được câu trả lời đuổi thẳng. Đáp lại thái độ khinh bạc của Huấn Cao là một lời bẽ bàng của quản ngục “Xin lĩnh ý” . Tưởng chừng sau phút đó, chuyện sẽ rẽ ngoặt sang hướng khác: kính trọng sẽ thành thù hận. Nhưng điều bất thường là rượu thịt cung phụng cho “thú sinh bình” của Huấn Cao lại còn hậu hơn trước khiến cho nảy sinh tình huống mới: thái độ ngạc nhiên băn khoăn về quản ngục của Huấn Cao. Ngạc nhiên là phải, vì đàng sau rượu thịt không phải là những trò mua chuộc hạ sách mà ông Huấn Cao từng biết. Băn khoăn của Huấn Cao xoay quanh bí ẩn về nhân thân của quản ngục. Nét đặc sắc trong nghệ thuật dựng chân dung nhân vật của Nguyễn Tuân là ở đó, ông đặt nhân vật vào những ranh giới đòi hỏi sự lựa chọn đúng – sai, thật – giả, tốt – xấu … để khám phá thêm những mặt tiềm ẩn của tâm hồn con người, hé lộ những mặt đa dạng của tính cách nhân vật.
Lời giải đáp cho băn khoăn của Huấn Cao đến trong một hoàn cảnh thật nghiệt ngã, ông phải đứng trước thử thách của chính mình. Ranh giới phân định không còn nằm trong thế cho con người lựa chọn như trước, bởi đó là sự sống còn và cái chết của chính ông. Kết cục số phận của một người tử tù là cái chết, nhưng trước cái chết con người cũng có những phản ứng khác nhau. Một người bình thường sẽ mặt tái nhợt hốt hoảng như thầy thơ lại khi báo tin  cho Huấn Cao, còn bản thân một kẻ “chọc trời khuấy nước” như Huấn Cao lại dường như bình thản đón nhận. Người anh hùng luôn đón đợi hiểm nguy, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, phải chăng vì vậy Nguyễn Tuân đã không dùng một từ nào mô tả phản ứng của Huấn Cao khi nghe tin dữ đến với mình. Giây phút “lặng người đi một lát rồi mỉm cười” của Huấn Cao chính là thời điểm mở ra thế giới thực của một con người tài hoa. Cuối cùng những “kẻ thù “ trong đời đã gặp nhau ở một tấm lòng. Thời điểm này ta cũng nhận rõ hơn vai trò của thầy thơ lại. Ông ta hoàn toàn không phải là người trung gian, kẻ đầu sai cho chủ. Cũng giống viên quản ngục, ông ta còn giữ được “thiên lương” nhưng hoàn cảnh không cho phép ông bộc lộ con người thực của mình. Thậm chí, so với ngục quan, thầy thơ lại còn hiêïn lên vẻ an phận thủ thường bằng dáng vẻ khúm núm, rụt rè, hớt hải của một kẻ ý thức được thân phận của mình. Nhưng đôi mắt “biết giá người” của ngục quan đã phát hiện được con người thực của ông ta. Thầy thơ lại chính là điểm tựa, là niềm tin giúp ngục quan đủ dũng khí vượt qua nỗi sợ hãi thường trực trong cảnh sống nơm nớp lo âu. Có thể xem thầy thơ lại là nhân vật bổ sung cho tính cách của ngục quan. Dẫu cho ông ta không phải là người đam mê cái đẹp thư pháp giống như ngục quan, nhưng ông ta là người đóng vai trò xúc tác để cái đẹp tìm đến nhau. Cuộc sống rất cần loại người như thế. Trong thế giới nhân vật lý tưởng hoá của Nguyễn Tuân, viên thơ lại này là con người của đời thường, tận tâm trong công việc và tận tâm với cả bạn bè, dám làm những việc nguy hiểm cho tính mạng bản thân vì người khác. Không có thầy thơ lại, sẽ không có cuộc gặp gỡ giữa Huấn Cao với quản ngục, không có cảnh tượng cho chữ “xưa nay chưa từng có”.
Khi những hận thù, ngộ nhận được xoá nhoà, nhà văn mới để Huấn Cao bộc lộ rõ con người thật bằng những lời nói cảm động. Điều bất ngờ của Huấn Cao về quản ngục còn làm người đọc bất ngờ hơn về thái độ của Huấn Cao khi ân hận “Thiếu chút nữa thì ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Huấn Cao bỗng trở nên gần gũi, rất con người sau câu nói này. Hoá ra nhân cách cao quí của Huấn Cao ngoài thái độ bất khuất kiên cường còn có cả một tấm lòng biết trân trọng con người. Hoá ra nụ cười Huấn Cao không chỉ là “trông chết cười ngạo nghễ” mà còn là nụ cười sung sướng tìm được một con người có “sở thích cao quí” chính vào thời khắc số mệnh đã an bài. Cuộc gặp gỡ của những tấm lòng đã làm nên lời giải đáp, hoá giải mọi khổ tâm, băn khoăn, sợ hãi.
Nguyễn Tuân đã dựng lên một không gian đặc biệt để ba nhân vật gặp gỡ. Đúng như ông mô tả, đây là cảnh tượng xưa nay chưa từng có. Nhưng trang viết này đã thể hiện bút lực Nguyễn Tuân dồi dào sung mãn nhất. Cảm hứng mạnh mẽ, tô đậm những nét độc đáo phi thường đã làm nên nhừng hình ảnh, câu văn thật phóng khoáng. Bắt đầu của sự chuyển đổi không gian nhà ngục – vốn tối tăm ghê rợn đã bừng sáng lên trong ánh lửa cháy “rừng rực” của những bó đuốc tẩm dầu. Xung đột Bóng tối – Ánh sáng mang ý nghĩa tượng trưng, điển hình cho một cảm hứng quen thuộc của chủ nghĩa lãng mạn. Đây là ánh sáng khác hẳn với sắc nhợt nhạt của “những vì sao” nhấp nháy sắp rụng, với ánh leo lét của ngọn đèn dầu sở soi sáng gương mặt ngục quan, tâm hồn ngục quan. Aùnh đuốc làm bật lên ba con người đẹp đẽ trên nền hiện thực nhà tù tàn ác xấu xa. Đối cực giữa hoàn cảnh với con người nhờ vậy tạo được ấn tượng mạnh mẽ cho độc giả, tạo một tâm thế hào hứng đón nhận cái đẹp vượt lên thực tại tầm thường tù túng, để thât sự thăng hoa.
Cảnh tượng đẹp nhất đánh dấu thời khắc cái Đẹp lên ngôi chính là lúc Huấn Cao viết chữ, thầy thơ lại khúm núm bưng chậu mực, viên quan coi ngục đánh dấu lên từng con chữ. Vẫn là những con người ấy nhưng thật sự họ đã toàn tâm toàn trí hướng về cái đẹp. Người sáng tạo, người thưởng thức, tôn vinh cái đẹp đã gặp gỡ nhau. Lời nói của Huấn Cao dành cho quan coi ngục là lời chỉ dành cho người tri âm tri kỷ. Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh từng bình khoảnh khắc này là khoảnh khắc “ba đốm sáng gặp nhau”, khoảnh khắc để con người cúi đầu trước cái đẹp để thật sự cảm nhận vẻ đẹp toát lên từ con chữ, từ tấm lụa bạch, thỏi mực thơm.
Nhà văn khép lại câu chuyện bằng lời nói của ngục quan, như hứng lấy tâm huyết hoài bão một đời của Huấn Cao: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh!”. Đó là lúc cái đẹp chiến thắng tuyệt đối, là lúc “Ba người nhìn bức châm rồi lại nhìn nhau”. Họ đã thật sự chiến thắng nỗi sợ hãi, cái chết. Đó là thời khắc hội tụ cái Tài – cái Đẹp – cái Thiên Lương.
Chữ người tử tù đã thể hiện trọn vẹn quan niệm cái đẹp của Nguyễn Tuân trước các h mạng tháng Tám. Cái đẹp đối lập vối thực tại tầm thường giả trá, cái đẹp của những con người phản ứng thực tại xã hội đương thời. Và Nguyễn Tuân cũng đã đem lại cho người đọc thú thưởng thức văn hoá rất đặc sắc trong nét chữ tài hoa. Tài hoa ấy, tấm lòng ấy cũng là của chính Nguyễn Tuân muốn gửi gắm lại cho cuộc đời này.
TRẦN HÀ NAM

Read Full Post »

Với nhà văn Thạch Lam (1910-1942), vẻ đẹp là một cái gì chỉ hiện ra mong manh thấp thoáng nên dễ bị bỏ qua. Ông viết: “Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường…”. Cái đẹp trong văn Thạch Lam là cái đẹp cổ điển: đẹp và buồn.
Không phải nhà văn tiền chiến nào cũng thích nói đến cái đẹp. Đọc các truyện ngắn truyện dài của Nguyễn Công Hoan hay cả loạt phóng sự và tiểu thuyết phóng sự của Vũ Trọng Phụng, người ta thấy cái đẹp hầu như vắng mặt. Có vẻ nó giống như một thứ hàng xa xỉ, không dây dưa gì đến cuộc đời nhếch nhác này, và để được chân thành trong câu chuyện, tác giả ngầm bảo ta rằng, tốt hơn hết là không nên nhắc tới nó làm gì (!?)
ở một ngòi bút như Thạch Lam (cũng như ở Khái Hưng, Nguyễn Tuân, Hồ Dzếnh, Thanh Tịnh…) thì tình hình hoàn toàn ngược lại. Từ những bài báo nhỏ đến những truyện ngắn cô đọng, viết văn với Thạch Lam đồng nghĩa với việc săn sóc tới cái đẹp, và nhắc nhở về sự có mặt của nó với mọi người. Ông nói tới vẻ đẹp trong thiên nhiên: buổi trưa vắng vẻ ở một làng quê hay ban mai yên ả ở một xóm nhỏ trung du (Dưới bóng hoàng lan, Nắng trong vườn). Ông nói tới vẻ đẹp hồn hậu trong xúc động đơn sơ của một thanh niên lần đầu làm cha, hoặc cái cảm giác lạ lùng của mấy em nhỏ trong một ngày chớm rét (Đứa con đầu lòng, Gió đầu mùa). Đối với những con người khiêm nhường mà cuộc sống bị đè nặng bởi những lo toan hàng ngày, Thạch Lam biết tìm ra những nét tính cách cao quý, nó là nhân tố làm cho người ta tồn tại và nhờ vậy, lại toát lên một vẻ đẹp riêng (Nhà mẹ Lê, Tối ba mươi). Một nét quán xuyến trong cách nhìn đời của Thạch Lam: tác giả luôn luôn mách thầm với chúng ta rằng vẻ đẹp là một cái gì chỉ hiện ra mong manh thấp thoáng nên dễ bị bỏ qua. Ông viết trong Theo dòng: “Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường. Công việc của nhà văn là phải hiểu cái đẹp chính ở chỗ mà không ai ngờ, tìm cái đẹp kín đáo bị che lấp trong sự vật, cho người khác một bài học trông nhìn và thưởng thức”.
Quan niệm cổ điển và một thoáng gặp gỡ Đông – Tây
Năm 1940, khi Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân được in ra lần đầu, Thạch Lam sớm có bài giới thiệu quyển sách trên báo Ngày nay (số ra 15-6-1940). Bài báo đáng được lưu ý, không phải chỉ vì nó đã nói đúng về Nguyễn Tuân mà còn là một dịp để Thạch Lam tự bộc lộ. Chỉ trong khuôn khổ chưa đầy 1.000 chữ, ông đã năm lần nhắc tới cái đẹp và những từ ngữ ông dùng để đi kèm chính là những thuộc tính mà theo ông có liên quan tới cái đẹp chân chính. Đó là vẻ nên thơ, sự cao quý, cái có ý nghĩa, rồi cả sự khoáng đạt và một chút nồng nàn. Cũng có đến mấy lần ông nhắc lại hương vị cũ kỹ và nhẫn nại của một sự hy sinh, hoặc tâm tình yêu mến dĩ vãng, tiếc thương và muốn trở lại những vẻ đẹp đã qua.
Cũng từ đây, người ta đọc ra một quan niệm về cái đẹp mà tác giả Gió đầu mùa theo đuổi. Trưởng thành từ một cốt cách học trò, người viết văn này dễ rung động với những gì thấp thoáng, dịu nhẹ. Ông tỏ ra xa lạ với những vẻ đẹp chói chang, quyến rũ, hoặc là cái lối có gì mang bày hết cả ra ngoài, phô phang lộ liễu. Hình ảnh mà ông thích nhất là bông mai trong trắng. Trong sự kín đáo và ẩn nhẫn biết điều, vẻ đẹp ông hay nói tới thường hàm chứa một sức sống tiềm tàng. Một quan niệm như thế phải nói là có nhiều chất cổ điển. Giữa thế kỷ của văn minh công nghiệp trong cái thời mà máy móc và các mốt thời trang bắt đầu du nhập và ngày càng bành trướng trong xã hội, văn chương Thạch Lam có vẻ là một thứ dòng nước ngược đưa người ta trở lại với quan niệm về cái đẹp của phương Đông hoặc gần gũi hơn, trong cách hiểu về cái đẹp thường thấy ở ông cha ta. Vậy đâu là tác động của yếu tố thời đại đến ngòi bút này? Thực ra ở đây yếu tố thời đại vẫn có, nhưng cách ảnh hưởng của nó tới Thạch Lam lại có những nét đặc trưng riêng. Nên nhớ là giữa nền văn hóa Pháp được du nhập vào Việt Nam lúc ấy và văn hóa phương Đông cổ truyền không phải chỉ có khác biệt mà còn có nhiều nét chung. Văn hóa cổ điển Pháp cũng nổi tiếng vì sự trong sáng, sự tinh tế và tinh thần nhân bản. Thứ nữa khi tiếp nhận nền văn hóa này, lớp người như Khái Hưng, Thế Lữ, Huy Cận, Xuân Diệu hoặc Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân… đã đứng vững trên mảnh đất quê hương ruột thịt. Trong sách vở mà nhà trường dạy họ cũng như trong những quyển sách họ đọc ở ngoài đời có những lời lẽ khuyên họ phải biết trở về với cội nguồn dân tộc. Về phần mình, trong sáng tác văn chương, Thạch Lam sớm tự xác định cho mình một con đường riêng. Ông cho rằng, có một công việc mà một ngòi bút tự trọng nên đảm nhận, đó là làm sống lại cái đẹp, cái thực vốn là những tính cách cố hữu trong nền văn hóa cổ truyền. Người và cảnh ông miêu tả vì vậy thường có thêm chiều sâu trong thời gian. Cái đẹp được ông chắt chiu gạn lọc. Tuy không nói ra trực tiếp, nhưng từ những gì ông tha thiết, thấy toát lên một lời giáo huấn kín đáo: nếu không được trân trọng giữ gìn, cái đẹp vốn đã mong manh sẽ tan mất đi và chúng ta sẽ mãi mãi sống trong bơ vơ tiếc xót.
Nỗi buồn giấu kín
Nhưng có lẽ đặc tính đáng nhớ nhất của cái đẹp trong văn Thạch Lam ấy là nó thường được miêu tả với một nỗi buồn sâu xa. Cảm giác chính còn lại trong người đọc sau khi đọc nhiều trang sách, từ Gió đầu mùa đến Sợi tóc, là một cuộc đời mờ mờ xám xám. Hãy nhớ lại Cô hàng xén, thiên truyện bao quát gần hết cuộc đời của một con người. Những phiên chợ quê nhiều mầu sắc, thoáng qua rất nhanh, cùng với những năm tháng tuổi trẻ, ấp ủ nhiều hy vọng của người con gái chăm chỉ và giàu tình thương gia đình. Rồi cái khía cạnh người ta nhớ hơn cả khi nghĩ tới Tâm, ấy là con đường từ chợ về nhà vắng vẻ, cùng những lo âu đè nặng tâm hồn cô trong cuộc sống hàng ngày. Ngòi bút Thạch Lam thường tỏ ra có sự nhạy cảm lạ lùng với những gì đã an bài hoặc những nếp sống đã trở thành mòn mỏi. Một buổi tối phố huyện, nhà cửa như thiếp dần đi trong ánh sáng những ngọn đèn dầu leo lét. Những điệu hát xẩm vẳng lên trong một xóm nghèo. Mấy bức tranh dân gian mầu sắc đạm bạc. Cảnh tết sơ sài ở một xóm nhỏ ngoại thành… Thạch Lam bằng lòng chấp nhận cuộc sống như nó đang có, nhưng vẫn không thôi tự nhủ lẽ ra nó phải khác kia, làm sao nó lại chỉ như chúng ta đang thấy! Một cảm giác bao trùm còn lại: Đời đẹp và buồn. Và nhờ gắn với cái buồn, cái thực, mà vẻ đẹp trong văn Thạch Lam lại có được sự sống riêng. Nó trở nên bền chắc. Nó không lẫn đi giữa những vẻ đẹp nhạt nhèo mà những cây bút tầm thường mang ra để an ủi bạn đọc. Cái thuở thanh bình xa vắng tác giả Gió đầu mùa hay nói tới giờ đã qua đi từ lâu, song sống trong tấp nập ồn ào, các thế hệ đến sau vẫn có thể tìm thấy ở cái vẻ đẹp cổ điển mà Thạch Lam hay nói tới một sự đồng cảm. Cổ điển ở đây đồng nghĩa với sống mãi.
Vương Trí Nhàn
(Báo Thể thao và Văn hóa)

Read Full Post »

Nam Cao (1915 – 1951) tên thật là Trần Hữu Trí, quê ở làng Đại Hoàng, nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Nam Hà. Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, có lúc Nam Cao dạy học ở một trường tư thục, nhưng khi trường bị đóng cửa, ông sống bằng nghề viết báo, viết văn, làm gia sư. Năm 1943, Nam Cao gia nhập nhóm Văn hóa cứu quốc ở Hà Nội. Bị khủng bố, ông phải lánh về quê và tham gia Tổng khởi nghĩa tại đó. Năm 1946, Nam Cao có mặt trong đoàn quân Nam tiến vào đến Nam Trung Bộ. Sau đó, ông lên chiến khu Việt Bắc, làm công tác tuyên truyền, báo chí, văn nghệ ở Trung ương, tham dự chiến dịch biên giới năm 1950. Tháng 11 năm 1951, trên đường vào công tác vùng địch hậu, Nam Cao bị giặc Pháp phục kích bắt và bắn chết tại bốt Hoàng Đan ở Ninh Bình.
Trong công tác, Nam Cao là một người chu đáo, có tránh nhiệm. Sau Cách mạng Tháng Tám, nhiều bạn bè đã nhìn thấy ông làm việc rất hăng say. Khi làm báo, làm việc ở xưởng in bên cạnh anh em công nhân, ở chiến dịch biên giới, hay trong đoàn cán bộ vào vùng địch hậu, người ta như bắt gặp một Nam Cao khác, không phải một Nam Cao rụt rè, nhút nhát, mà một Nam Cao dũng cảm, xông xáo, xung phong đi đầu trong khó khăn.
Nam Cao bắt đầu viết từ năm 1936. Ngoài truyện, ông còn làm thơ, soạn kịch. Nhưng chỉ từ năm 1941, với truyện Chí Phèo, ông mới thể hiện rõ tài năng độc đáo và xác định chắc chắn vị trí của mình trong nền văn học dân tộc.
Nói về sáng tác của mình trước Cách mạng Tháng Tám, trong một bản tự thuật, Nam Cao kể lại: “Ngoài những truyện ngắn đăng trên tờ Tiểu thuyết thứ bảy và một số sách nhi đồng (Truyền bá, Hoa mai)… đã viết một số tiểu thuyết dài, nhưng vì bị kiểm duyệt bỏ hay vì dài quá không in được: Ngày lụt, Cái mấu, Chuyện người hàng xóm, Sống mòn v.v… (trừ bản thảo Sống mòn vẫn còn giữ được, còn lại đều mất hết vì đã bán cho các nhà xuất bản cả rồi).
Do tình hình tác phẩm bị thất lạc rất đáng tiếc như vậy, cho nên ngoài vài vở kịch và dăm bài thơ không có gì đặc sắc và do đó ít được nhắc đến, tác phẩm của Nam Cao đến được với người đọc hôm nay chỉ gồm hơn 60 truyện ngắn, một tiểu thuyết và mấy tập bút ký.
Những truyện ngắn viết trước Cách mạng của Nam Cao đáng chú ý nhất là Chí Phèo, Dì Hảo, Nhỏ nhen, Cái mặt không chơi được, Lão Hạc, Trẻ con không được ăn thịt chó, Một bữa no, Sao lại thế này, Điếu văn, Từ ngày mẹ chết, Mua danh, ở hiền, Trăng sáng, Đôi móng giò, Lang Rận, Tư cách mõ, Đời thừa, Mua nhà, Những truyện không muốn viết, Cười, Quên điều độ, Nước mắt, Đón khách… Tiểu thuyết Sống mòn của Nam Cao hoàn thành năm 1944, nhưng mãi đến năm 1956, sau khi nhà văn mất, mới được xuất bản lần đầu. Truyện ngắn có giá trị nhất của Nam Cao viết sau Cách mạng Tháng Tám là Đôi mắt. Ngoài ra, trong thời gian này, ông còn có nhật ký ở rừng thể hiện rõ những chuyển biến tư tưởng của nhà văn trong những ngày tham gia kháng chiến.
Nam Cao quan tâm đến cả sinh hoạt nông thôn và thành thị, miêu tả nhiều loại người, đặc biệt là nông dân và trí thức nghèo. Nhưng dù miêu tả thành phần xã hội nào, ông vẫn đi sâu vào các số phận, các kiếp người, như chính nhà văn thường nói. Thái độ thương cảm, lòng trắc ẩn của ông dành nhiều cho những người cùng khổ, những người “dưới đáy” của xã họi những người hiền lành chất phác, nhưng đời sống quá vất vả, cơ cực, số phận hết sức hẩm hiu. (Nghèo, Dì Hảo, Lão Hạc, Một bữa no, Từ ngày mẹ chết, ở hiền).
Một loại nhân vật khác phần lớn cũng từ nông dân lao động nghèo mà ra, nhưng do những hoàn cảnh đặc biệt đưa đẩy, đã trở thành những tay trộm cướp, lưu manh, những con người bị tha hóa, bị què quặt cả về thể xác và tinh thần. Những con người ở bên lề xã hội hay phá phách này, cùng với những người điên, những người câm, những người dị dạng kỳ quặc đủ loại, càng tô đậm thêm bộ mặt cùng quẫn, bế tắc, mất nhân tính của xã hội (Chí Phèo, Đôi móng giò, Lang Rận, Tư cách mõ…).
Một loại nhân vật thứ ba khá đông đúc trong tác phẩm của Nam Cao, khác với hai loại người trên ở chỗ có trình độ học vấn, có ý thức hơn về thân phận, có nhiều băn khoăn suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống, về giá trị làm người. Đó là những thầy giáo tiểu học, những viên chức nhỏ, những người làm báo, viết văn. Chính qua những người như Thứ, như Điền, như Hộ, như Độ, nhà văn đã trực tiếp gửi gắm những suy nghĩ của mình về cuộc sống, về nghệ thuật (Trăng sáng, Đời thừa, Sống mòn, Đôi mắt…).
Thông thường, ở một tài năng viết truyện, viết tiểu thuyết, thì sức mạnh tư duy sáng tạo tập trung ở nghệ thuật xây dựng nhân vật. Nam Cao, với khuôn khổ hạn chế của truyện ngắn, đã xây dựng được cả một loạt nhân vật để lại những ấn tượng khó phai mờ ở người đọc. Nhiều nhân vật của Nam Cao thật sự là những phát hiện mới mẻ, hết sức độc đáo, có khả năng tái sinh trong văn học về sau. Đó là các nhân vật như Chí Phèo, Thị Nở, Lang Rận, Trạch Văn Đoành. Người ta cũng rất khó quên những nhân vật như Bá Kiến, Lão Hạc, dì Hảo, Thứ, Hộ, văn sĩ Hoàng. Nhân vật của Nam Cao rất sinh động. Người đọc tưởng như có thể nhìn thấy họ đang đi lại, ăn uống, nói năng, cười khóc trước mặt mình. Chất sống ở những nhân vật của Nam Cao là do chất sống của cuộc đời thực mang lại. Nhà văn chọn lựa rất tinh những mẫu người, những chi tiết đặc sắc nhất để đưa vào tác phẩm.
Trong miêu tả nhân vật không phải lúc nào Nam Cao cũng chú ý đến ngoại hình. Nhưng, khi cần, Nam Cao cũng chứng tỏ biệt tài khắc họa ngoại hình nhân vật. Thí dụ như trường hợp Chí Phèo, Thị Nở, Lang Rận, Trạch Văn Đoành. Những con người với ngoại hình không bình thường, quái dị ta vẫn gặp ở ngoài đời, nhưng ngòi bút của Nam Cao khiến chúng ta nhìn chăm chú hơn vào họ và giật mình sửng sốt: hóa ra một phần của cuộc sống đã biến dạng, đã xấu xí, đã thoái hóa đến như vậy!
Nam Cao thể hiện sở trường ở miêu tả nội tâm, miêu tả diễn biến tâm lý của nhân vật. Nhà văn thường để cho nhân vật tự bộc lộ suy nghĩ, tâm trạng của mình, một mình tự nói với mình, sử dụng rộng rãi biện pháp độc thoại nội tâm, độc thoại bên trong. Điều này hết sức rõ rệt ở những nhân vật trí thức như Điền, như Hộ, như Thứ. Nhưng ngay cả những người tăm tối mà sự sống tưởng như chỉ quy vào tồn tại sinh vật, như Chí Phèo, Thị Nở, Lang Rận, anh cu Lộc. Cũng có đời sống nội tâm. Đời sống nội tâm, sự suy nghĩ, trăn trở là dấu hiệu của tính người, của trình độ sống.
Nét đặc trưng có sức lôi cuốn mạnh nhất trong tài năng và phong cách của Nam Cao là chất trữ tình ấm áp, lây truyền, thấm đậm hầu hết các trang viết của ông. Chất trữ tình này bắt nguồn từ nỗi buồn thương, đau đời của ông trước nỗi khổ không cùng của con người, từ lòng khao khát của ông về một cuộc sống có tình người, có phẩm giá, có tư cách. Chất trữ tình này cũng tăng thêm do chỗ nhà văn thường đi sâu vào tâm hồn, tâm trạng nhân vật, trực tiếp bày tỏ thái độ, tình cảm, tư tưởng của mình về cuộc sống, do tính chất tự truyện trong nhiều tác phẩm của ông.
Tài năng của Nam Cao thể hiện rõ ở chỗ: hầu như chỉ viết về cái hằng ngày, cái đời thường, với một cách viết khá dung dị và tự nhiên, ngòi bút của ông đã tái hiện những cảnh đời, nêu lên những chủ đề có tính chất xã hội và nhân văn sâu sắc, phảng phất mùi vị triết lý, khiến người đọc không chỉ một thời mà nhiều thời đọc đi đọc lại tác phẩm của ông. Tác phẩm của Nam Cao như những câu hỏi cứ xoáy sâu vào tâm trí người đọc, không phải câu hỏi “tồn tại hay không tồn tại”, “sống hay không sống”, mà là sống như thế nào cho ra sống, sống thế nào cho có phẩm giá, có tư cách, và muốn như vậy con người phải làm gì? Tư tưởng nhân văn chứa đựng trong các tác phẩm của Nam Cao không đơn thuần là lòng thương người, sự cảm thông với những con người bất hạnh, mà thức tỉnh danh dự làm người, buộc con người phải suy nghĩ về thực trạng mình đang sống, tìm cách để thoát ra khỏi kiếp sống thừa, sống mòn vô nghĩa. Đó là tư tưởng nhân văn mang nội dung tích cực. Dễ hiểu vì sao sau Cách mạng Tháng Tám, nhà văn đau đời, thương người ấy lại thiết tha như vậy với cuộc sống mới, say mê hoạt động như vậy, vừa với tư cách là nhà văn, vừa với tư cách công dân.
Nam Cao cũng là nhà văn có phần đóng góp quan trọng bậc nhất vào sự phát triển ngôn ngữ văn xuôi dân tộc.
Cũng như nhiều nhà văn hiện thực thời kỳ 1932 – 1945, Nam Cao rất chú ý khai thác tiếng nói hằng ngày của người dân, sử dụng có chọn lọc tiếng địa phương, tiếng nghề nghiệp trong tác phẩm của mình. Ngôn ngữ của ông phong phú, biến hóa, đầy sức sống, vừa có tính chuẩn mực của ngôn ngữ văn học dân tộc, vừa không rơi vào tình trạng “sách vở”, trau chuốt thái quá thành nghèo nàn, giả tạo mà ta có thể bắt gặp trong một số tác phẩm lãng mạn thời đó. So với các nhà văn cùng thời, ngôn ngữ của Nam Cao đến bây giờ là ngôn ngữ ít cũ đi nhất. Chỉ cần đọc lại truyện Chí Phèo, thậm chí chỉ đoạn mở đầu truyện này, viết cách đây đã hơn nửa thế kỷ, ta sẽ thấy ngay ngôn ngữ của Nam Cao giàu có và sinh động như thế nào, hiện đại như thế nào.
Nam Cao là một nhà văn trong ý nghĩa đích thực và cao quý của khái niệm này. Ông là một nghệ sĩ, một nhà tư tưởng, một bậc thầy về tiếng Việt. Người đọc hứng thú, tự nguyện đến với ông vì tính chất chân thực, nhân bản sâu xa trong những tác phẩm của ông, vì ông sớm cảm nghe được một cách chính xác khuynh hướng hiện đại trong sáng tác văn học và thể hiện nó một cách thành công qua việc lựa chọn và miêu tả những hiện tượng tiêu biểu của cuộc sống, qua cách kể chuyện, cấu tạo tác phẩm và sử dụng ngôn ngữ thật mới mẻ và sáng tạo.
Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh
(Tạp chí Xưa và Nay)

Read Full Post »

Đề luyện tập: Bình giảng bài thơ Mộ (Chiều tối) của nhà thơ Hồ Chí Minh.
BÀI VIẾT THAM KHẢO:
            Những năm 40 của thế kỉ này, trên thi đàn văn học lãng mạn vang lên những vần thơ nặng trĩu buổi chiều của Huy Cận: “Lớp lớp mây cao đùn núi bạc – Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa…”. Những câu thơ của chàng thanh niên trí thức tiểu tư sản đã mang theo tâm trạng bất lực của cả một lớp người đang ngột ngạt giữa xã hội đen tối Việt Nam dưới ách ngoại bang. Cũng trong một buổi chiều giữa nơi đất khách Trung Hoa, một người tù “tay bị trói giật cánh khuỷu, cổ mang vòng xích” đã để cảm xúc trải ra cùng không gian bao la, làm nên những vần thơ tuyệt tác, vừa cổ kính, vừa rất trữ tình thư thái:
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng
                        (Chiều tối – bản dịch)
Giờ đây, khi soi mình trong ánh hồng bếp lửa năm xưa ấy, ta chợt khám phá ra vóc dáng của một Con Người: Bác Hồ kính yêu!
Buổi chiều đã đi vào bao áng thơ cổ kim. Khung cảnh chiều về tối thường gợi nên chất thơ đặc sắc, nỗi buồn lắng đọng, suy tư về nhân sinh. Nhưng hoàn cảnh của Bác khi viết bài thơ khá đặc biệt, từ thân phận người tù đã vượt qua ám ảnh của cảnh đi đày. Cảm xúc trên đường đi của Bác đã lộ rõ cốt cách của thi nhân – chíên sĩ Hồ Chí Minh. Giả sử có một học giả nào đó làm một phép so sánh giữa bài thơ này của Bác với những bài thơ lừng danh của Lí – Đỗ, của Thôi Hiệu, e cũng khó  phân biệt rõ, bởi bài thơ đã thấm đẫm phong vị Đường thi! Nhưng đọc thật kỹ, chúng ta vẫn nhận ra phong cách rất riêng – phong cách Hồ Chí Minh, rắn rỏi mà uyển chuyển, hiện thực mà trữ tình, cổ điển mà hiện đại.
Hiện thực của bài thơ cũng được mở ra theo lối cấu tứ  Cảnh – Tình quen thuộc của thơ Đường. Thiên nhiên làm nền cho tâm trạng:
Quyện điểu qui lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không
(Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không)
Thiên nhiên mở ra vẫn là những nét quen thuộc của thi ca cổ điển: cánh chim – chòm mây – bầu trời, với nhịp điệu thời gian như lắng trầm xuống cùng với ám ảnh của buổi chiều. Ngày xưa Lí Bạch từng mô tả không gian “Chúng điểu cao phi tận – Cô vân độc khứ nhàn”, và chúng ta có thể nhận ra nét quen thuộc ấy trong những câu thơ này của Hồ Chí Minh. Tất cả như lắng đọng lại trong một thiên nhiên u trầm. Cảm nhận không gian cũng giống như các nhà thơ xưa, tạo ra sự đối lập giữa cánh chim, chòm mây với bầu trời rộng lớn! Dường như không gian được tạo ra từ sự đối lập như vậy cũng đã gợi sẵn một nỗi buồn trong cảnh. Cánh chim mỏi, chòm mây côi như mang theo nỗi niềm của người tù nơi đất khách quê người!Nhưng ngay trong cách nhìn cảnh, ta cũng nhận ra thái độ ung dung của con người. Hướng về bầu trời, cánh chim và chòm mây, Bác đã thật sự hoà hồn mình vào cảnh vật. Thần thái của hai câu thơ nằm ngay trong hai chữ “mạn mạn” vừa mang nét quen thuộc của thơ Đường, vừa bộc lộ cái ung dung trong xúc cảm của con người. Buổi chiều ấy dường như mọi hoạt động cũng lắng xuống, đám mây lơ lửng, lững lờ, man mác giữa không gian tạo thành độ sâu của khung cảnh. Rất tiếc bản dịch thơ đã không thể lột tả được khoảnh khắc rất thi sĩ của Bác trong điệp từ “mạn mạn” này! Khi hướng lòng lên với bầu trời, Bác cũng đã xóa nhoà ranh giới giữa người tù và một khách tự do. Tinh thần “tự do lãm thưởng vô nhân cấm” (Tẩu lộ) chính là ở điểm này.
Ngỡ như cảnh vật ấy sẽ gợi lên những nỗi buồn nhân sinh, ám ảnh thân phận thế nhưng bài thơ đã đem đến cho ta một cảm nhận hoàn toàn khác với các nhà thơ xưa:
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng
Như một điều thường thấy trong thơ Bác, hình ảnh ở hai câu thơ này chính là sự thể hiện mối quan tâm của Bác đến cuộc sống xung quanh! Trong những trường hợp như thế này, bản dịch thường tỏ ra bất lực. Bác rất mạnh dạn trong sử dụng từ địa phương Quảng Đông “bao túc” (ngô). Không những thế, hai câu còn thể hiện sự quan sát của Bác với hành động của con người trong không gian chiều tối. Điểm son trữ tình của bài thơ chính là chỗ này! Con người không phải chịu sự chi phối của cảnh vật như thơ cổ, mà con người đem lại sức sống cho khung cảnh chiều tối. Đặc biệt, đó là sự gắn kết “thiếu nữ” – “sơn thôn” đã cho ta thấy cảm xúc, hồn thơ của Bác. Người luôn luôn phát hiện mối quan hệ hoà hợp giữa người và cảnh vật. Không phải ngẫu nhiên có sự kết hợp này. Xóm núi như đẹp hơn, ấm áp hơn nhờ sự xuất hiện của thiếu nữ. Và thiếu nữ xuất hiện không hề đơn độc lẻ loi mà gắn với cộng đồng “sơn thôn” của mình. Đó là cách nhìn đặc biệt thường gặp trong thơ Bác:
Chùa xa chuông giục người nhanh bước
Trẻ dắt trâu về tiếng sáo bay
                        (Hoàng hôn)
Hay:
Làng xóm ven sông đông đúc thế
Thuyền câu rẽ sóng nhẹ thênh thênh
                        (Giữa đường đáp thuyền đi huyện Ung)
Chính vì tấm lòng Bác luôn hướng về con người, yêu mến con người nên ở đâu có sự xuất hiện của con người, một dấu hiện của cuộc sống là Người tìm thấy niềm vui. Dẫu rằng trong bài thơ chỉ là công việc xay ngô bình thường, nhưng Người đã lặng lẽ quan sát từ lúc “ma bao túc” (xay ngô) cho đến khi “bao túc ma hoàn” (ngô xay xong). Rõ ràng, người thiếu nữ ấy hiện ra trong công việc hết sức bình thường, nhưng ta nhận ra trong cái nhìn của Bác một thái độ trân trọng đặc biệt, nhờ đó vẻ đẹp của sức sống con người, của cuộc đời càng lộ rõ hơn.
Cũng từ tình cảm hướng về cuộc sống, bài thơ đã có một từ kết làm bừng sáng cả bài thơ. Cái độc đáo của tứ thơ cũng chính là điểm này: nói về chiều tối bằng sự xuất hiện của ánh sáng, không nói về thời gian mà người đọc lại cảm nhận rõ một khoảng thời gian từ chiều về tối! Bài thơ không khép lại bằng cảm giác về bóng đêm mà lại chan hoà ánh sáng, ánh sáng tạo nên từ cuộc sống đời thường giản dị. Ánh sáng nổi bật trong đêm tối, như là biểu tượng của sự sống. Ánh sáng ấy gắn với màu ưa thích của Bác – màu hồng. Ánh hồng của bếp lửa, ánh hồng trên gương mặt người hay màu hồng của tấm lòng lạc quan yêu đời của Bác? Màu hồng không chỉ mang ý nghĩa tượng trưng đặc biệt trong riêng bài thơ này mà trong nhiều bài thơ khác cũng thể hiện một ý nghĩa tương tự. Đó là màu sắc của lòng tự tin, ung dung và lạc quan hướng về tương lai.
Nói về cảnh chiều tối, Bác đã quên đi thân phận người tù, vượt lên hoàn cảnh. Ta lại gặp chủ thể trữ tình đằm thắm được bộc lộ kín đáo qua bài thơ. Bài thơ thể hiện một nét độc đáo trong phong cách thơ Hồ Chí Minh, “từ tư tưởng đến hình tượng thơ luôn luôn có sự vận động hướng về sự sống, ánh sáng và tương lai” (Nguyễn Đăng Mạnh). Ngọn lửa của con người làm điểm hội tụ, là trung tâm toả ấm nóng và niềm vui ra không gian rộng lớn. Đến thơ Bác, tư cách chủ thể của con người được phản ánh rõ nét và giàu sức sống, vừa cổ điển vừa lãng mạn.
Ta nhận ra trong nỗi buồn, niềm vui của Bác phẩm chất của một vĩ nhân: rất bình thường, giản dị nhưng mỗi câu thơ toả sức ấm của một ý chí mãnh liệt và sáng bừng lên hồng bao thế hệ, sự hài hoà giữa tình cảm và tinh thần thép đã làm nên những vần thơ sâu sắc thâm trầm./.

                                                                                    Trần Hà Nam

Read Full Post »

Nội dung

1. Khái niệm hiện đại hóa
– Hiện đại hoá về mặt kinh tế, xã hội, chính trị
– Hiện đại hoá như là phát triển các phẩm chất của tính hiện đại.
2.Quá trình hiện đại hoá
– Bối cảnh hiện đại hoá về các mặt kinh tế, xã hội, chính trị trên thế giới và trong nước Việt Nam: đô thị hoá, kinh tế hàng hoá, thị dân, chủ nghĩa cá nhân, ý thức dân tộc mới, trưòng học hiện đaị, chữ quốc ngữ, máy in, nhà xuất bản, báo chí
– Quá trình phát triển các phẩm chất của tính hiện đại trong triết học, mĩ học, văn học: giả từ quan niệm văn học trung đại, phát triển ý thức cá nhân, tinh thần tự do sáng tạo, ý thức lí tính, ý thức về dân chủ, văn minh, sự giao lưu thế giới, văn học tự chủ, coi trọng giá trị thẩm mĩ.

3. Sản phẩm của hiện đại hoá văn học: hệ thống đề tài, chủ đề văn học mới, hệ thống thể loại văn học mới, ngôn ngữ văn học mới, ý thức phong cách mới.

Mức độ cần đạt

1. Kiến thức:
– HS phân biệt được khái niệm hiện đại hoá và tính hiện đại. Hiện đại hóa là khái niệm xã hội học, kinh tế học, co thể lượng hoá bằng các chỉ tiêu kinh tế, cộng nghiệp, thu nhập, phần trăm đô thị hoá…Tính hiện đại là khái niệm có nội dung triết học và mĩ học.
– Nắm được toàn diện khái niệm quá trình hiện đại hoá các mặt, trong đó đặc biệt có tính hiện đại của văn học, nghệ thuật (âm nhạc, hội hoạ, điêu khắc, kịch nói). GV giúp học sinh hiểu nội hàm của tính hiện đại trong văn học, phân tích, đối chiếu với văn học trung đại, các phẩm chất của tính hiện đại thể hiện trong các sáng tác văn học tiêu biểu. Đây là phần trọng tâm.
2. Kĩ năng:
– Biết chỉ ra các biểu hiện của tính hiện đại trong các văn bản văn học đã học, so với văn học trung đại.
– Biết phác hoạ quá trình hiện đại hoá văn học
3. Thái độ:
Biết đánh giá và trân trọng sự tiến bộ của văn học trong tiến trình lịch sử.

Read Full Post »

Nội dung
Mức độ cần đạt
1. Thế nào là văn nghị luận ?
– Mục đích của bài văn nghị luận
– Nội dung bài văn nghị luận
– Cách thức trình bày bài văn nghị luận
– Phân loại văn nghị luận: Nghị luận xã hội và nghị luận văn học
– Văn nghị luận và cỏc kiểu văn bản khác
2. Vai trò  ý nghĩa của văn nghị luận
– Vai trò và ý nghĩa của văn nghị luận đối với đời sống tinh thần ( lịch sử) của dân tộc.
– Vai trò và ý nghĩa của văn nghị luận đối với việc hình thành tư duy của con người.
– Vai trò và ý nghĩa của văn nghị luận đối với việc giáo dục tư tưởng, nhân cách,…
3.  Luyện tập, thực nh
– Nhận diện và phân tích đặc điểm văn nghị luận qua một đoạn văn, một bài văn.
– Luyện tập: thuyết minh, giới thiệu bài văn nghị luận xã  hội và nghị luận văn học hay
1. Kiến thức:
– Hiểu thế nào là một bài văn nghị luận, các yếu tố tạo nên bài văn nghị luận:
+ Mục đớch
+ Nội dung
+ Cách thức
+ Phân loại
– Phân biệt văn nghị luận với các kiểu văn bản khác như tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh…và mối quan hệ của chúng với văn nghị luận.
– Hiểu vai trò và ý nghĩa của VNL:
+ Đối với lịch sử dân tộc
+ Đối với rèn luyện tư duy
+ Đối với giáo dục tư tưởng, nhân cách
2. Kỹ năng
– Nhận biết được đoạn văn, bài văn nghị luận và lí giải được bằng các đặc điểm của thể văn này.
– Biết cách thuyết minh, giới thiệu một bài văn nghị luận
3. Thái độ:
– Biết trân trọng những áng văn nghị luận hay

Read Full Post »

TT
Tên chuyên đề
Tính chất
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
Đọc hiểu văn bản văn học
Văn nghị luận
Luận điểm và lập luận trong bài nghị luân
Quá trình hiện đại hoá văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến năm 1945
Các khuynh hướng yêu nước trong văn học Việt Nam từ cuối thế kỉ XIX đến năm 1945
Các nhà thơ mới Việt Nam 1932 – 1945
Tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến 1945
Các khuynh hướng thơ tượng trưng, siêu thực trong thơ mới Việt Nam
Nghĩa hàm ẩn
Thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch
Lí luận văn học
Làm văn
Làm văn
Văn học Việt Nam
Văn học Việt Nam
Văn học Việt Nam
Văn học Việt Nam
Văn học Việt Nam
Tiếng Việt
Lí luận văn học
                                                     Cộng

Tất cả các thành viên chuyên Văn cần tích cực chuẩn bị tư liệu để học tập theo định hướng này! Cần tập trung tối đa trong thời gian này.

Read Full Post »

Nội dung
1. Đặc điểm chung của văn bản văn hoc
– Có mở – kết; có kết cấu, có chủ đề.
– Có lời phát ngôn (kể, trữ tình, lời thoại) và đối tượng được nói tới.
– Có chủ thể lời nói (người kể chuyện, nhân vật trữ tình, người đối đáp).
– Lời văn có phương thức biểu cảm và giá trị thẩm mĩ, có phong cách cá nhân, có tính liên văn bản.
– Văn bản văn học được chọn lọc, tổ chức cố định. Thay đổi văn bản là thay đổi ý nghĩa.
2. Đặc điểm về ý nghĩa của văn bản
– Nội dung thông báo và ý nghĩa.
– ý nghĩa văn bản thiếu xác định, do người đọc đoán ra.
– Tính đa nghĩa của văn bản văn học.
3. Đọc hiểu văn bản văn học
a. Nguyên tắc chung
– Đọc hiểu là biến văn bản của tác giả thành văn bản của người đọc.
– Người đọc phát hiện ý nghĩa của văn bản.
b. Phương pháp đọc hiểu
– Hiểu từ ngữ, biểu tượng, câu, đoạn, sự kiên kết, cấu trúc của văn bản. Trật tự, quan hệ là ý nghĩa.
– Văn cảnh và ngữ cảnh xã hội , văn hóa, lịch sử.
– Tính năng động sáng tạo của người đọc.
– Có thể sử dụng các biện pháp như so sánh, tỉnh lược, thay thế, giả định… để phát hiện ý nghĩa của văn bản.
Mức độ cần đạt
1.Kiến thức
– Học sinh hiểu: ý nghĩa của văn bản không được cung cấp sẵn trong văn bản. Phần nhiều ý nghĩa văn bản mà người đọc biết là do người đọc trước để lại, không nhất thiết khi nào cũng hoàn toàn đúng. Từ đó mà phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của người đọc trong việc tìm ra những ý chưa biết.
2. Kĩ năng
– Biết vận dụng các phương pháp, biện pháp phát hiện ý nghĩa. Không a dua theo cách hiểu có sẵn.
– Có phương pháp đọc, không phải đọc mò mẩm, đọc hú hoạ.
3. Thái độ
– Khiêm tôn, cẩn trọng khi phát hiện
ý nghĩa của văn bản, biết tôn trọng người đi trước.
– Có thái độ đối thoại với các cách hiểu có trước.
– Thể hiện cá tính của mình trong khi đọc văn bản văn học.
YÊU CẦU TỰ NGHIÊN CỨU CHUYÊN ĐỀ NÀY, THỰC HÀNH ĐỌC HIỂU VĂN BẢN VĂN HỌC, GHI TRONG SỔ TAY VĂN HỌC VÀ VIẾT MỘT BÀI CẢM NHẬN VĂN BẢN TỰ CHỌN HOẶC THEO ĐỀ NGHỊ ĐỌC TÁC PHẨM BÀ LÃO IDECGHIN TRONG DIỄN ĐÀN HỌC SINH!

Read Full Post »