Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for the ‘Đề Văn’ Category

ĐỀ VĂN TỰ CHỌN

Từ các bài viết định hướng kiến thức chuẩn môn Công dân, vận dụng kiến thức viết các bài Nghị luận xã hội
I. Suy nghĩ về các tục ngữ, ngạn ngữ, châm ngôn sau đây:
1. “Bạn cười thì mọi người cười với bạn. Bạn khóc thì chỉ khóc một mình”
2. “Con hát mẹ khen hay!”
3. Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”
4. “Đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại!”
II. Đọc các câu chuyện sau đây và nêu suy nghĩ của bản thân:
1. http://yume.vn/tannew1012/article/gia-tri-song-dep-va-suy-nghi-dep-cua-gioi-tre-bao-dong-sos.35D26839.html
2. http://yume.vn/news/giai-tri/nguoi-noi-tieng/sao-viet-mot-khoe-cua.35A972C8.html
3. http://yume.vn/news/giai-tri/hau-truong/thu-cau-cuu-cua-quynh-anh-talent-thoi-bung-tranh-cai.35A972CA.html

Read Full Post »

KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10
Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, năm học 2011-2012

Đề chính thức

Môn: NGỮ VĂN (Chuyên)
Thời gian làm bài:150 phút
Ngày thi: 18/6/2011______________

Câu 1:(2 điểm)
a) Chỉ ra nghĩa của từ “điếc” trong các lần dùng sau:

-Làm điếc tai người ta.
-Củ lạc này bị điếc.
-Người này bị điếc
-Cái chuông này bị điếc

b) Trong câu thơ:
“Sương……đầu ngọn cỏ
Sương lại càng long lanh”

(“Thăm lúa” – Trần Hữu Thung)

Lần lượt đặt các từ đọng, treo vào chỗ trống, nêu giá trị biểu cảm của câu thơ trong mỗi lần dùng. Theo em, từ nào hay hơn, vì sao?

Câu 2: (3điểm)
Bàn về việc đọc sách, có ý kiến cho rằng:”Nếu đọc mười quyển sách mà chỉ lướt qua, không bằng chỉ lấy một quyển mà đọc mười lần” (“Bàn về đọc sách” – SGK Ngữ Văn lớp 9 – Tập hai – Tr.4 – NXBGD – 2009).
Em hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 300 từ) trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.

Câu 3 (5 điểm)
Cảm nhận của em qua hai đoạn thơ sau:
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.

(Đồng chí – Chính Hữu)

Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.

(Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật)
———-HẾT———–

Read Full Post »

Môn: NGỮ VĂN Thời gian làm bài: 120 phút

Đề chính thức

Câu 1: (2 điểm).
Thành phần biệt lập là gì? Xác định thành phần biệt lập trong các phát ngôn sau và nêu giá trị biểu cảm của nó:
a) “Hẳn có lẽ, vì đã sắp hết mùa, hoa đã vãn trên cành, cho nên mấy bông hoa cuối cùng còn sót lại trở nên đậm sắc hơn.” (Bến quê – Nguyễn Minh Châu)
b) “Cô nhìn thẳng vào mắt anh – những người con gái sắp xa ta, biết không bao giờ gặp ta nữa, hay nhìn ta như vậy.” (Lặng lẽ Sapa – Nguyễn Thành Long)

Câu 2: (2 điểm).
Đọc đoạn kết câu truyện “Người con gái Nam Xương” dưới đây:
“Chàng bèn theo lời, lập một đàn tràng ba ngày đêm ở bến Hoàng Giang. Rồi quả thấy Vũ Nương ngồi trên một chiếc kiệu hoa đứng ở giữa dòng, theo sau có đến năm mươi chiếc xe cờ tán, võng lọng, rực rỡ đầy sông, lúc ẩn, lúc hiện.
Chàng vội gọi, nàng vẫn ở giữa dòng mà nói vọng vào:
– Thiếp cảm ơn đức của Linh Phi, đã thề sống chết cũng không bỏ. Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa.
Rồi trong chốc lát, bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần mà biến đi mất.”

(Nguyễn Dữ – Truyền kì mạn lục, bản dịch của Trúc Khê Ngô Văn Triện
NXB Văn hóa, Hà Nội, 1962)


Hãy phân tích ý nghĩa của đoạn kết trên.

Câu 3: (6 điểm).
Phân tích đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” (Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du) để làm rõ cảm hứng nhân văn của tác giả.

__________________

Read Full Post »

>

BỘ GIÁO  DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐỀ THI CHÍNH THỨC
KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI QUỐC GIA
LỚP 12 THPT NĂM 2011
Môn: NGỮ VĂN
Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)
Ngày thi: 11/1/2011
(Đề thi có 01 trang, gồm 02 câu)
Câu 1. (8,0 điểm)
Không nỗ lực khẳng định mình thì khó thành công, nhưng không tỉnh táo chế ngự mình thì dễ vấp ngã. 
Suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.
Câu 2. (12,0 điểm)
Mỗi hình tượng nhân vật phụ nữ thực sự thành công bao giờ cũng là kết quả của sự phát hiện sâu sắc về nữ tính. 
Bằng việc phân tích một số nhân vật phụ nữ tiêu biểu trong các tác phẩm đã học từ văn học dân gian đến văn học hiện đại, anh/chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
       —————————- HẾT—————————
  Thí sinh không được sử dụng tài liệu.
  Giám thị không giải thích gì thêm.
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
 KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI QUỐC GIA
LỚP 12 THPT NĂM 2011
ĐÁP ÁN ĐỀ THI CHÍNH THỨC
Môn: NGỮ VĂN
Ngày thi: 11/01/2011
(Gồm 03 trang)
Câu 1. (8,0 điểm)
Thí sinh có thể bộc lộ quan điểm của riêng mình theo những cách thức khác nhau, nhưng cần chân thành, thiết thực, hợp lí, chặt chẽ và thuyết phục. Về cơ bản, cần đạt được một số yêu cầu sau:
1. Về hình thức và kĩ năng (2,0 điểm)  
  – Thí sinh được tự do lựa chọn các kiểu bài và thao tác tạo lập văn bản, nhưng phải phù hợp và nhuần nhuyễn. 
– Thí sinh được tự do huy động các chất liệu thuộc tri thức sách vở, tri thức đời sống và những trải nghiệm của riêng mình…Tuy nhiên, vẫn phải xác định rõ vấn đề thuộc phạm vi nghị luận xã hội chứ không phải nghị luận văn học.
  – Thí sinh cần phải xác định  tâm thế của người trong cuộc: không phải chỉ nói về người khác, cho người khác; mà trước hết, cần phải thấy đây là chuyện của mình, phải nói từ mình, nói cho mình. Ở đây, cùng với nhận thức đời sống còn là quá trình tự nhận thức để vươn tới hoàn thiện nhân cách của chính mình.
  2. Về nội dung (6,0 điểm)
a) Làm rõ nội dung ý kiến (2,0 điểm):  
– Ý kiến gồm hai vế có vẻ trái ngược nhưng thực chất là bổ sung cho nhau: một vế nhấn mạnh vào ý chí, một vế nhấn mạnh vào lý trí.  
– Chỉ rõ: nỗ lực khẳng định mình để thành công và tỉnh táo chế ngự bản thân để tránh vấp ngã, thất bại  đều có vai trò quan trọng như nhau đối với quá trình hoàn thiện nhân cách.   
– Hiểu được: cả sự khẳng định và chế ngự bản thân đều phải phù hợp với chuẩn mực văn hóa, đạo đức, pháp luật của xã hội.   
b) Bàn luận, mở rộng vấn đề (3,0 điểm):
– Khẳng định tính đúng đắn của ý kiến về một vấn đề đã trở thành quy luật trong cuộc sống nhân sinh: để hoàn thiện nhân cách bao giờ cũng cần một ý chí mạnh mẽ cùng một lý trí tỉnh táo. 
– Khẳng định vai trò, tác dụng của vấn đề đối với việc tu dưỡng phấn đấu của con người nói chung, của thanh niên hiện nay nói riêng.
c) Liên hệ bản thân (1,0 điểm):
– Nhận thức sâu sắc về sự cần thiết phải rèn rũa để có được sự mạnh mẽ của ý chí và sự tỉnh táo của lý trí.
– Có những phương hướng cụ thể để trau dồi những phẩm chất trên ngay khi ngồi trên ghế nhà trường. 
  
Câu 2. (12,0 điểm)
  Thí sinh có thể triển khai bài làm của mình theo các cách thức khác nhau và lựa chọn những dẫn liệu khác nhau, có thể có cách nhìn nhận vấn đề theo quan điểm riêng và có hệ thống ý riêng, nhưng  phải có căn cứ xác đáng và lí lẽ thuyết phục. Về cơ bản, cần đạt được một số yêu cầu sau:
  1. Về hình thức và kĩ năng (3,0 điểm)
 Cần xác định đây là kiểu bài nghị luận văn học để triển khai bài làm đúng kiểu văn bản. Cần phát huy đồng thời hai năng lực: nắm bắt và làm sáng tỏ một vấn đề lí luận văn học, cụ thể là lí luận về hình tượng và lao động nghệ thuật của nhà văn; cảm nhận và phân tích được những biểu hiện của nữ tính trong hình tượng nhân vật phụ
nữ của tác phẩm văn học.
  2. Về nội dung (9,0 điểm)
a) Làm rõ nội dung, ý nghĩa của nhận định (3,0 điểm):
– Từ một số tác phẩm văn học đã được học có hình tượng nhân vật phụ nữ, thí sinh cần trình bày cách hiểu của mình về khái niệm “nữ tính” và những biểu hiện sinh động của nó trong đời sống và trong văn học. Lưu ý: đề thi không yêu cầu thí sinh phải lý luận đầy đủ về “nữ tính” mà chỉ cần nêu được những nét đặc trưng của nữ tính trên một số phương diện chính như ngoại hình, thể chất,  đạo  đức, tâm lý, xã hội…Điều quan trọng là thí sinh thấy được rằng hình tượng nhân vật phụ nữ trong văn học đã trải qua quá trình vận động, biến đổi  phản ánh được sự vận động, biến đổi về địa vị xã hội của người phụ nữ qua các giai đoạn lịch sử. 
– Thí sinh cần hiểu được: nhận định nêu trong đề bài nhấn mạnh việc phát hiện phương diện nữ tính của người phụ nữ trong quá trình sáng tạo là nhân tố có ý nghĩa quyết định sự thành công của hình tượng nhân vật phụ nữ trong tác phẩm. Đồng thời thấy được, nhận định cũng gián tiếp đề cập đến một yêu cầu không thể thiếu đối với người nghệ sĩ chân chính: gắn bó với đời sống, hiểu biết kĩ lưỡng về cuộc sống, về con người; trong đó, có việc nhận thức thực sự sâu sắc về giới. 
– Điểm nhìn của tác giả khi xây dựng hình tượng nhân vật phụ nữ cũng cần được lưu ý. Việc tác giả nhìn nhân vật nữ từ quan điểm của người khác giới hay từ chính quan điểm của người phụ nữ có ý nghĩa quan trọng đối với mức độ thành công của hình tượng nhân vật phụ nữ. 
– Cần chỉ rõ:  đây là một nhận  định đúng  đắn, sâu sắc  đề cập  đến một trong những yêu cầu cao về chất lượng đối với sáng tạo nghệ thuật và càng có ý nghĩa đối với những nền văn học còn chưa có nhiều truyền thống về nữ quyền.
b) Phân tích một số hình tượng nhân vật phụ nữ tiêu biểu (6,0 điểm):
– Cần lựa chọn được một số hình tượng nhân vật phụ nữ tiêu biểu trong các tác phẩm từ văn học dân gian cho đến văn học hiện đại đã học, không hạn định về thể loại,  về tác phẩm trong nước hay nước ngoài. 
– Cần làm nổi bật được những biểu hiện phong phú và tinh tế của nữ tính trong khi phân tích vẻ đẹp của các hình tượng nhân vật phụ nữ đó. 
– Cần nêu bật những đặc sắc nghệ thuật trong việc thể hiện nữ tính ở mỗi hình tượng nhân vật mà mình lựa chọn phân tích./.
  
—————-Hết——————

Read Full Post »

>ĐỀ THI HSG QUỐC GIA môn Ngữ Văn NĂM 2009


Câu 1 (8,0 điểm):

Suy nghĩ của anh/chị về cái danh và cái thực của con người trong cuộc sống.

Câu 2 (12,0 điểm):

Thơ nữ viết về tình yêu thường thể hiện sâu sắc bản lĩnh và ý thức về hạnh phúc của chính người phụ nữ.

Hãy phân tích, so sánh bài thơ “Tự tình” (bài II) của Hồ Xuân Hương và “Sóng” của Xuân Quỳnh để làm rõ nét chung và nét riêng trong tâm sự tình yêu của hai nữ tác giả ở hai thời đại khác nhau.

Tự tình
(Bài II)

Hồ Xuân Hương

Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non
Chén rượu hương đưa, say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế, khuyết chưa tròn
Xuyên ngang mặt đất, rêu từng đám
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con.

(Theo Ngữ Văn 11, Nâng cao, Tập Một, NXB Giáo dục, 2007, tr.44)

Sóng

Xuân Quỳnh

Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể

Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ

Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?

Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau

Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức

Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương

Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở

Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa

Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.

Biển Diêm Điền, 29-12-1967

(Theo Ngữ Văn 12, Nâng cao, Tập Một, NXB Giáo dục, 2008, tr.122-124)

Thi HSG quốc gia 2010

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI QUỐC GIA

LỚP 12 THPT NĂM 2010

ĐỀ THI CHÍNH THỨC

Môn: VĂN

Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)

Ngày thi: 11/3/2010

(Đề thi có 01 trang, gồm 2 câu)

Câu 1 (8 điểm)

Trong những trang ghi chép cuối cùng của đời mình, nhà văn Nguyễn Minh Châu có kể lại một sự việc ông đã chứng kiến:

‘…lúc bấy giờ mới khoảng năm giờ sáng. Sân ga Hàng Cỏ còn mờ mờ tỏ tỏ trong sương nhưng người đã chật ních. Có những dãy người xếp hàng ba hàng tư dài dằng dặc, như rồng rắn. Người nào cũng khoác đầy hành lý trên mình, đang chuẩn bị vào phía trong ga để lên tàu. Chung quanh cái dây người xếp hàng là bạt ngàn những người đang ngồi giữa hàng đống, hàng núi hàng hóa, có lẽ lần đầu tiên tôi chứng kiến một buổi sáng tinh mơ mà khách đi tàu ở sân ga đông đến như thế. Và giữa cảnh đông đúc, chen chúc như vậy có một người đàn bà hãy còn trẻ, y như một kẻ mất trí, một người điên, cứ hét váng cả sân ga: “Các ông các bà có ai thương cứu tôi với”. Người đàn bà kêu đến khản cả giọng mà chung quanh chẳng ai đoái hoài. Người ta chỉ quay mặt lại nhìn một cách thờ ơ, vả lại ai cũng chất xung quanh mình hàng đống hành lý, lại mệt đứt hơi, ai cũng chỉ đủ sức lo cho mình.

Thì ra thế này: người đàn bà xuống tàu trong đêm với hai đứa con, đứa ba tuổi, đứa mới nửa tuổi. Mẹ con ngồi chờ sáng. Lúc trời vừa tảng sáng, mẹ bảo con ngồi đây trông em, mẹ đi giặt tã cho em một lúc. Người mẹ đi đến vòi nước gần nhà xí công cộng, cũng khá xa, chen chúc mới giặt giũ được, giặt xong quay về thì mẹ mìn chỉ chìa cái bánh đa đã dỗ được đứa con lớn đi theo, chỉ còn đứa nhỏ nửa tuổi nằm giữa sân ga một mình.

Nghe xong chuyện tôi chạy đến trước mặt một đồng chí công an, đề nghị: các đồng chí nói loa đi, yêu cầu hành khách thấy ai khả nghi thì giữ lại, đứa dụ đứa trẻ thế nào cũng có vẻ khả nghi…Biết đâu nó còn quanh quẩn quanh đây. Yêu cầu mọi người giúp người ta. Đồng chí công an chẳng nói chẳng rằng, chẳng trả lời tôi lấy một lời. Còn hàng ngàn con người thì vẫn dửng dưng trong một vẻ ngái ngủ hoặc sợ mất cắp. Người đàn bà vẫn kêu gào giữa sân ga Hàng Cỏ như kêu gào giữa sa mạc”.

(Rút từ tập Trang giấy trước đèn, NXB Khoa học Xã hội, 1994, tr.140-141)

Câu chuyện trên gợi anh/chị suy nghĩ gì về lòng nhân ái và sự vô cảm của con người trong cuộc sống?

Câu 2 (12 điểm)

Tác phẩm văn học chân chính bao giờ cũng là sự tôn vinh con người qua những hình thức nghệ thuật độc đáo.

Bằng việc phân tích một tác phẩm đã học, anh/chị hãy bình luận nhận định trên.

……………………….HẾT……………………….

Read Full Post »

>ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI QUỐC GIA NĂM 2007


Câu 1 (8,0 điểm)

Trong việc nhận thức, F. Ăng-ghen có phương châm: “Thà phải tìm hiểu sự thật suốt đêm còn hơn nghi ngờ nó suốt đời”, C. Mác thì thích câu châm ngôn: “Hoài nghi tất cả”.

Anh/Chị hiểu thế nào về những ý tưởng trên?

Câu 2 (6,0 điểm)

Có ý kiến cho rằng khi tác phẩm kết thúc, ấy là lúc cuộc sống của nó mới thực sự bắt đầu.

Anh/Chị hãy bình luận ý kiến đó.

Câu 3 (6,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về đoạn văn sau đây trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam:

“Chuyến tàu đêm nay không đông như mọi khi, thưa vắng người và hình như kém sáng hơn. Nhưng họ ở Hà Nội về! Liên lặng theo mơ tưởng. Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo. Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn, đối với Liên, khác hẳn các vầng sáng ngọn đèn của chị Tí và ánh lửa của bác Siêu. Đêm tối vẫn bao bọc chung quanh, đêm của đất quê, và ngoài kia, đồng ruộng mênh mang và yên lặng.”

(Sách Văn học 11, Tập một, Nxb Giáo dục Hà Nội, 2002, tr.160)

Hướng dẫn chấm thi

Câu 1 (8,0 điểm)

Đối với câu này, thí sinh có quyền tự do lựa chọn thể loại để trình bày cách hiểu của mình. Tuy nhiên, cần phải đạt được hai nội dung căn bản sau đây :

1. Giải thích (4,0 điểm)

Câu của Ăngghen : Thà phải tìm hiểu sự thật suốt đêm còn hơn phải nghi ngờ nó suốt đời.

Ý căn bản : đối với con người, thà vất vả tìm hiểu trong một thời gian ngắn (suốt đêm) để có được một nhận thức rõ ràng, khai thông được tư tưởng cho mình về một vấn đề nào đó, còn hơn là cứ để nó tồn đọng như một việc chưa được giải quyết, khiến cho mối nghi ngờ về nó luôn đè nặng mình trong thời gian dài (suốt đời).

Câu C.Mác thích : Hoài nghi tất cả.

Ý căn bản : cần phải tỉnh táo khi tiếp nhận mọi điều, chớ thụ động, cả tin vào những gì mà chính mình chưa suy xét, kiểm chứng.

2. Bình luận (4,0 điểm)

Thí sinh cần thấy mỗi ý tưởng ấy đều hợp lí. Bề ngoài chúng có vẻ mâu thuẫn nhau, nhưng bên trong lại thống nhất. Mỗi câu nhấn mạnh vào một khía cạnh của vấn đề nhận thức, các khía cạnh ấy bổ sung cho nhau.

a. Câu của Ăngghen:

– Sự thật là những chân lý khách quan. “Tìm hiểu sự thật” là mục đích quan trọng đối với việc nhận thức. Nếu không nắm được sự thật thì sẽ gây khúc mắc và ngờ vực, nghi hoặc. Nghi ngờ là một trạng thái tinh thần tiêu cực bất lợi đối với đời sống.

– Phương châm của Ăngghen là đúng đắn. “Thà mất công tìm hiểu sự thật suốt đêm” là giải pháp tích cực. Còn để trạng thái nghi ngờ đè nặng mình suốt đời là tiêu cực. Mất công trước mắt mà có được lợi ích lâu dài vẫn luôn là lựa chọn khôn ngoan của con người nói chung, của việc tìm hiểu khoa học nói riêng.

b. Câu C.Mác thích:

– Cần phân biệt hoài nghi khoa học và thói đa nghi. Hoài nghi khoa học là phẩm chất tích cực. Nó là thái độ tỉnh táo, cẩn trọng trong tìm hiểu và tiếp nhận. Còn đa nghi là một căn bệnh tiêu cực. Nó khiến người ta không tin vào bất cứ điều gì.

– “Hoài nghi” ở đây là theo nghĩa tích cực. Trong cuộc sống cũng như trong tìm hiểu khoa học, luôn có thái độ hoài nghi như thế là điều cần thiết. Nó giúp con người có được sự cẩn trọng và chắc chắn trong hiểu biết, tránh được những hồ đồ, cả tin dễ dẫn tới sai lạc, lầm lẫn. Châm ngôn C.Mác thích cũng là một ý tưởng đúng đắn.

c. Sự bổ sung:

– Câu C. Mác thích thì nhấn mạnh vào sự cần thiết của thái độ hoài nghi khoa học như một tiền đề gợi cảm hứng cho con người tìm kiếm sự thật.

– Còn câu của Ăngghen thì nhấn mạnh vào việc tích cực dấn thân tìm kiếm sự thật để hoá giải mối nghi ngờ.

– Cả hai đều là những phương châm đúng đắn và cần thiết đối với việc nhận thức của con người.

Câu 2 (6,0 điểm)

Thí sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau, nhưng phải đạt được một số yêu cầu sau:

1. Giải thích (2,0 điểm)

Thí sinh cần phải xác định ý kiến này thực chất là đề cập đến vấn đề tiếp nhận văn học. Nó đề cao vai trò của chủ thể tiếp nhận là người đọc. “Khi tác phẩm kết thúc” là khi tác giả hoàn tất và khi người đọc đã đọc xong tác phẩm ; “ấy là lúc cuộc sống của nó mới thực sự bắt đầu” nghĩa là, lúc bấy giờ tác phẩm mới thực sự sống đời sống của nó trong tâm trí người đọc, tác phẩm mới thực sự nhập vào đời sống thông qua người đọc.

2. Bình luận (2,0 điểm)

– Khẳng định đây là một ý kiến đúng đắn. Nó đã chỉ ra được mối liên hệ thực tế giữa nghệ thuật và đời sống, giữa sáng tạo và tiếp nhận. Nó đề cập được vấn đề cốt lõi của vòng đời tác phẩm. Nó nhấn mạnh vai trò của người đọc tri âm và là người đồng sáng tạo, người quyết định đến đời sống thực sự của tác phẩm nghệ thuật.

– Khẳng định đây là một ý kiến súc tích, chứa đựng những ý tưởng sắc sảo với hình thức diễn đạt gây ấn tượng.

3. Chứng minh (2,0 điểm)

Để làm sáng tỏ và tăng tính thuyết phục cho việc giải thích và bình luận của mình, thí sinh cần phải minh hoạ bằng các tác phẩm văn học mà mình nắm vững.

Câu 3 (6,0 điểm)

Thí sinh được tự do trong việc cảm nhận. Có thể cảm nhận về toàn thể, có thể về một khía cạnh nào đó của đoạn văn cũng được. Tuy nhiên, dù cảm nhận theo hướng nào cũng không được thoát ly văn bản.

1. Dưới đây là một số đặc sắc căn bản của đoạn văn mà thí sinh có thể cảm nhận :

– Vẻ đẹp của tâm hồn nhân vật Liên. Một tâm hồn trong trẻo vừa mẫn cảm đối với ngoại giới vừa giàu mơ ước về một cuộc sống tươi vui tràn đầy âm thanh và ánh sáng. Nó hiện ra trong những cảm nhận tinh tế, những quan sát tinh vi và một nỗi niềm kín đáo đầy ắp buồn nhớ và mơ tưởng.

– Vẻ đẹp của văn chương Thạch Lam. Ngôn ngữ giàu chất thơ, giọng điệu tâm tình đầy thương cảm, chi tiết và hình tượng nghệ thuật bình dị giàu sức gợi, bút pháp tương phản nhuần nhị. Qua đó, có thể thấy một tấm lòng trắc ẩn mênh mông mà thấm thía dành cho những con người nhỏ bé trong cuộc sống nhọc nhằn ở những miền đời bị quên lãng.

2. Đây là dạng đề tương đối mở. Thí sinh không nhất thiết phải đề cập tất cả những đặc sắc của đoạn văn. Để cho điểm thích hợp, giám khảo cần căn cứ vào tình hình cụ thể và chất lượng cụ thể của từng bài.

Lưu ý chung:

– Chấp nhận cả những cách làm bài khác với đáp án của thí sinh, nhưng phải được trình bày có lí lẽ và căn cứ.
– Cần trừ điểm đối với những lỗi về diễn đạt, hành văn, ngữ pháp, chính tả.
– Cần khuyến khích những sáng tạo của thí sinh cả về nội dung lẫn hình thức.

Read Full Post »

Đề luyện tập: Bình giảng bài thơ Mộ (Chiều tối) của nhà thơ Hồ Chí Minh.
BÀI VIẾT THAM KHẢO:
            Những năm 40 của thế kỉ này, trên thi đàn văn học lãng mạn vang lên những vần thơ nặng trĩu buổi chiều của Huy Cận: “Lớp lớp mây cao đùn núi bạc – Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa…”. Những câu thơ của chàng thanh niên trí thức tiểu tư sản đã mang theo tâm trạng bất lực của cả một lớp người đang ngột ngạt giữa xã hội đen tối Việt Nam dưới ách ngoại bang. Cũng trong một buổi chiều giữa nơi đất khách Trung Hoa, một người tù “tay bị trói giật cánh khuỷu, cổ mang vòng xích” đã để cảm xúc trải ra cùng không gian bao la, làm nên những vần thơ tuyệt tác, vừa cổ kính, vừa rất trữ tình thư thái:
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng
                        (Chiều tối – bản dịch)
Giờ đây, khi soi mình trong ánh hồng bếp lửa năm xưa ấy, ta chợt khám phá ra vóc dáng của một Con Người: Bác Hồ kính yêu!
Buổi chiều đã đi vào bao áng thơ cổ kim. Khung cảnh chiều về tối thường gợi nên chất thơ đặc sắc, nỗi buồn lắng đọng, suy tư về nhân sinh. Nhưng hoàn cảnh của Bác khi viết bài thơ khá đặc biệt, từ thân phận người tù đã vượt qua ám ảnh của cảnh đi đày. Cảm xúc trên đường đi của Bác đã lộ rõ cốt cách của thi nhân – chíên sĩ Hồ Chí Minh. Giả sử có một học giả nào đó làm một phép so sánh giữa bài thơ này của Bác với những bài thơ lừng danh của Lí – Đỗ, của Thôi Hiệu, e cũng khó  phân biệt rõ, bởi bài thơ đã thấm đẫm phong vị Đường thi! Nhưng đọc thật kỹ, chúng ta vẫn nhận ra phong cách rất riêng – phong cách Hồ Chí Minh, rắn rỏi mà uyển chuyển, hiện thực mà trữ tình, cổ điển mà hiện đại.
Hiện thực của bài thơ cũng được mở ra theo lối cấu tứ  Cảnh – Tình quen thuộc của thơ Đường. Thiên nhiên làm nền cho tâm trạng:
Quyện điểu qui lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không
(Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không)
Thiên nhiên mở ra vẫn là những nét quen thuộc của thi ca cổ điển: cánh chim – chòm mây – bầu trời, với nhịp điệu thời gian như lắng trầm xuống cùng với ám ảnh của buổi chiều. Ngày xưa Lí Bạch từng mô tả không gian “Chúng điểu cao phi tận – Cô vân độc khứ nhàn”, và chúng ta có thể nhận ra nét quen thuộc ấy trong những câu thơ này của Hồ Chí Minh. Tất cả như lắng đọng lại trong một thiên nhiên u trầm. Cảm nhận không gian cũng giống như các nhà thơ xưa, tạo ra sự đối lập giữa cánh chim, chòm mây với bầu trời rộng lớn! Dường như không gian được tạo ra từ sự đối lập như vậy cũng đã gợi sẵn một nỗi buồn trong cảnh. Cánh chim mỏi, chòm mây côi như mang theo nỗi niềm của người tù nơi đất khách quê người!Nhưng ngay trong cách nhìn cảnh, ta cũng nhận ra thái độ ung dung của con người. Hướng về bầu trời, cánh chim và chòm mây, Bác đã thật sự hoà hồn mình vào cảnh vật. Thần thái của hai câu thơ nằm ngay trong hai chữ “mạn mạn” vừa mang nét quen thuộc của thơ Đường, vừa bộc lộ cái ung dung trong xúc cảm của con người. Buổi chiều ấy dường như mọi hoạt động cũng lắng xuống, đám mây lơ lửng, lững lờ, man mác giữa không gian tạo thành độ sâu của khung cảnh. Rất tiếc bản dịch thơ đã không thể lột tả được khoảnh khắc rất thi sĩ của Bác trong điệp từ “mạn mạn” này! Khi hướng lòng lên với bầu trời, Bác cũng đã xóa nhoà ranh giới giữa người tù và một khách tự do. Tinh thần “tự do lãm thưởng vô nhân cấm” (Tẩu lộ) chính là ở điểm này.
Ngỡ như cảnh vật ấy sẽ gợi lên những nỗi buồn nhân sinh, ám ảnh thân phận thế nhưng bài thơ đã đem đến cho ta một cảm nhận hoàn toàn khác với các nhà thơ xưa:
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng
Như một điều thường thấy trong thơ Bác, hình ảnh ở hai câu thơ này chính là sự thể hiện mối quan tâm của Bác đến cuộc sống xung quanh! Trong những trường hợp như thế này, bản dịch thường tỏ ra bất lực. Bác rất mạnh dạn trong sử dụng từ địa phương Quảng Đông “bao túc” (ngô). Không những thế, hai câu còn thể hiện sự quan sát của Bác với hành động của con người trong không gian chiều tối. Điểm son trữ tình của bài thơ chính là chỗ này! Con người không phải chịu sự chi phối của cảnh vật như thơ cổ, mà con người đem lại sức sống cho khung cảnh chiều tối. Đặc biệt, đó là sự gắn kết “thiếu nữ” – “sơn thôn” đã cho ta thấy cảm xúc, hồn thơ của Bác. Người luôn luôn phát hiện mối quan hệ hoà hợp giữa người và cảnh vật. Không phải ngẫu nhiên có sự kết hợp này. Xóm núi như đẹp hơn, ấm áp hơn nhờ sự xuất hiện của thiếu nữ. Và thiếu nữ xuất hiện không hề đơn độc lẻ loi mà gắn với cộng đồng “sơn thôn” của mình. Đó là cách nhìn đặc biệt thường gặp trong thơ Bác:
Chùa xa chuông giục người nhanh bước
Trẻ dắt trâu về tiếng sáo bay
                        (Hoàng hôn)
Hay:
Làng xóm ven sông đông đúc thế
Thuyền câu rẽ sóng nhẹ thênh thênh
                        (Giữa đường đáp thuyền đi huyện Ung)
Chính vì tấm lòng Bác luôn hướng về con người, yêu mến con người nên ở đâu có sự xuất hiện của con người, một dấu hiện của cuộc sống là Người tìm thấy niềm vui. Dẫu rằng trong bài thơ chỉ là công việc xay ngô bình thường, nhưng Người đã lặng lẽ quan sát từ lúc “ma bao túc” (xay ngô) cho đến khi “bao túc ma hoàn” (ngô xay xong). Rõ ràng, người thiếu nữ ấy hiện ra trong công việc hết sức bình thường, nhưng ta nhận ra trong cái nhìn của Bác một thái độ trân trọng đặc biệt, nhờ đó vẻ đẹp của sức sống con người, của cuộc đời càng lộ rõ hơn.
Cũng từ tình cảm hướng về cuộc sống, bài thơ đã có một từ kết làm bừng sáng cả bài thơ. Cái độc đáo của tứ thơ cũng chính là điểm này: nói về chiều tối bằng sự xuất hiện của ánh sáng, không nói về thời gian mà người đọc lại cảm nhận rõ một khoảng thời gian từ chiều về tối! Bài thơ không khép lại bằng cảm giác về bóng đêm mà lại chan hoà ánh sáng, ánh sáng tạo nên từ cuộc sống đời thường giản dị. Ánh sáng nổi bật trong đêm tối, như là biểu tượng của sự sống. Ánh sáng ấy gắn với màu ưa thích của Bác – màu hồng. Ánh hồng của bếp lửa, ánh hồng trên gương mặt người hay màu hồng của tấm lòng lạc quan yêu đời của Bác? Màu hồng không chỉ mang ý nghĩa tượng trưng đặc biệt trong riêng bài thơ này mà trong nhiều bài thơ khác cũng thể hiện một ý nghĩa tương tự. Đó là màu sắc của lòng tự tin, ung dung và lạc quan hướng về tương lai.
Nói về cảnh chiều tối, Bác đã quên đi thân phận người tù, vượt lên hoàn cảnh. Ta lại gặp chủ thể trữ tình đằm thắm được bộc lộ kín đáo qua bài thơ. Bài thơ thể hiện một nét độc đáo trong phong cách thơ Hồ Chí Minh, “từ tư tưởng đến hình tượng thơ luôn luôn có sự vận động hướng về sự sống, ánh sáng và tương lai” (Nguyễn Đăng Mạnh). Ngọn lửa của con người làm điểm hội tụ, là trung tâm toả ấm nóng và niềm vui ra không gian rộng lớn. Đến thơ Bác, tư cách chủ thể của con người được phản ánh rõ nét và giàu sức sống, vừa cổ điển vừa lãng mạn.
Ta nhận ra trong nỗi buồn, niềm vui của Bác phẩm chất của một vĩ nhân: rất bình thường, giản dị nhưng mỗi câu thơ toả sức ấm của một ý chí mãnh liệt và sáng bừng lên hồng bao thế hệ, sự hài hoà giữa tình cảm và tinh thần thép đã làm nên những vần thơ sâu sắc thâm trầm./.

                                                                                    Trần Hà Nam

Read Full Post »

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT Lê Quí Đôn (2007-2008)- Môn Ngữ Văn
ĐỀ VĂN THƯỜNG (120P)
Câu 1: (1,5 điểm)
Thế nào là nghĩa tường minh và hàm ý?
Qua câu nói “Trời ơi, chỉ còn có năm phút”, em hiểu anh thanh niên trong tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” muốn nói điều gì?
Câu 2: (1,5 điểm)
Trong bài thơ Sang thu, biến chuyển trong không gian lúc sang thu được Hữu Thỉnh cảm nhận qua nhiều yếu tố, bằng nhiều giác quan và sự rung động thật tinh tế. Hãy chứng minh ý kiến trên.
Câu 3: (7,0 điểm)
Nhận định về bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính có ý kiến cho rằng: “Hình ảnh những chiếc xe không kính đã làm nổi rõ hình ảnh những chiến sĩ lái xe ở Trường Sơn. Thiếu đi những phương tiện vật chất tối thiểu lại là hoàn cảnh để ngừơi lái xe bộc lộ những phẩm chất cao đẹp, sức mạnh tinh thần lớn lao của họ, đặc biệt là lòng dũng cảm, tinh thần bất chấp gian khổ khó khăn.”
Hãy phân tích bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính của nhà thơ Phạm Tiến Duật để làm sáng tỏ ý kiến trên.
ĐỀ CHUYÊN VĂN
(150P)
Câu 1: (1đ)
Phân tích hàm ý trong câu trả lời ở các đoạn hội thoại sau:
a. A: – Sao? Thế đã gặp mụ Bọ Muỗm chưa?
    B: – Nó đánh tôi gãy một càng rồi.
b. A: – Cô Thi này, được gần chồng, dù một ngày chỉ ăn một bữa vẫn sướng cô nhỉ?
   B: – Anh ơi, lòng vả cũng như lòng sung, một trăm con lợn cùng chung một lòng.
Câu 2 (2đ)
Theo em, thể văn tùy bút trong bài Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh (trích Vũ trung  tùy bút – Phạm Đình Hổ) có gì khác so với thể truyện mà em đã học?
Câu 3(7đ)
Tóm tắt hệ thống luận điểm trong văn bản Tiếng nói của văn nghệ của Nguyễn Đình Thi. Phân tích bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm để làm sáng tỏ những luận điểm đó.

ĐỀ THI VÀO TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN BÌNH ĐỊNH

Năm học 2008-2009
Môn: Ngữ Văn
Thời gian: 150 phút
Câu 1(2đ):
Từ hai câu thơ:
“ Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi,
Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng.”
Dựa theo nội dung bài “ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm, em hãy viết một đoạn văn ngắn có tiêu đề “ Mặt trời của mẹ”.
Câu 2 (1 đ)
Em hiểu như thế nào về 2 câu thơ cuối bài “ Sang thu” của Hữu Thỉnh:
“ Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi?”
Câu 3 ( 7đ)
Tâm trạng của Thúy Kiều qua đoạn trích “ Kiều ở lầu Ngưng Bích” và nghệ thuật tả cảnh ngụ tình của Nguyễn Du.

Đề thi Văn (thường + chuyên) vào THPT chuyên Lê Quí Đôn Bình Định 09 – 10
Môn thi: Ngữ Văn

Ngày thi: 18/6/09
Thời gian làm bài: 120 phút
Câu 1: (2,0 điểm)

Trong bài “Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới” nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã viết: ” Có lẽ sự chuẩn bị của bản thân con người là quan trong nhất”.
Hãy viết một đoạn văn nghị luận trình bày suy nghĩ của em về ý kiến trên ( khoảng 30 dòng, trong đó có chứa thành phần phụ chú).
Câu 2: (1,0 điểm)
Em hãy chỉ ra chất trữ tình trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long.
Câu 3: (7 điểm)

Vẻ đẹp của người anh hùng tài hoa, dũng cảm, trọng nghĩa khinh tài qua đoạn trích ” Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” (Truyện Lục Vân Tiên – Nguyễn Đình Chiểu)

ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 CHUYÊN VĂN
Môn thi : Ngữ văn ( chuyên )

Ngày thi: 19/06/09

Câu 1: ( 2.0 điểm )
Chuyện người con gái Nam Xương ” là một truyện ngắn hay được rút ra từ tập ” Truyền kì mạn lục ” của Nguyễn Dữ. Hãy cho biết :
– Lúc vắng chồng, Vũ Nương hay đùa con, chỉ vào bóng mình mà bảo đó là cha Đản. Chi tiết đó đã nói lên điều gì ở nhân vật này ?
– Cuối truyện, việc tác giả đưa yếu tố kỳ ảo nói về sự trở về chốc lát của Vũ Nương có làm cho tính bi kịch của tác phẩm mất đi không? Vì sao ?
Câu 2:(3.0 điểm)
Hãy chép lại một số câu thơ trong các bài thơ Việt Nam hiện đại đã học ở lớp 9 có đề cập đến hình ảnh trăng
Viết một văn bản ngắn ( khoảng dưới 10 câu ) có chủ đề Trăng trong thơ hiện đại liên kết ý nghĩa các hình ảnh trăng trong các bài thơ trên.
Câu 3: ( 5,0 điểm )
Cảm nhận của em về chất trữ tình của truyện ngắn ” Lặng lẽ Sa Pa ” ( Nguyễn Thành Long ).

Read Full Post »

Kẻ mạnh là kẻ phải nâng đỡ người khác trên đôi vai của mình
(Nam Cao)
Dàn ý:
I. Mở bài
            Giới thiệu quan niệm mới mẻ và sâu sắc của Nam Cao về kẻ mạnh.
II. Thân bài
            A. Tổng: giải thích khái niệm, cách hiểu ý kiến của tác giả
            1. Cách hiểu thông thường
            – Kẻ mạnh:  Với một cá nhân, là sức khoẻ, là khả năng vượt trội hơn người khác. Trong mối quan hệ với cộng đồng, sức mạnh ấy thường được nhìn nhận ở danh – lợi – quyền, và theo sự tranh đoạt “mạnh được yếu thua”, “cá lớn nuốt cá bé”
            – Quan niệm này xuất phát từ quy luật sinh tồn trong tự nhiên, quy luật cạnh tranh trong xã hội.
            2. Quan niệm của Nam Cao:
            – Kẻ mạnh: đánh giá từ góc độ tinh thần, ở khả năng chia sẻ, đồng cảm, hành động trên tinh thần vị tha. Nam Cao nhấn mạnh vào yếu tố tình người, theo nguyên tắc sống chi phối bởi tình thương giữa người với người.
            – Quan niệm này đối lập với quan niệm thông thường, là một định hướng giúp con người hoàn thiện bản thân, tạo nên nền tảng đạo đức xã hội và hướng tới giá trị Chân – Thiện – Mĩ vững bền trong cuộc sống. “Nâng đỡ người khác trên đôi vai”: chỗ dựa tinh thần vững chắc.
            B. Phân:
            1. Kẻ mạnh là kẻ có lòng tự tin vào bản thân và tin ở con người, giúp con người nhận thức được chân lý cuộc sống
            2. Kẻ mạnh là kẻ có tình cảm bao dung, sẵn sàng giúp đỡ người khác, làm chỗ dựa tinh thần cho người khác, có khả năng hướng thiện cho con người.
            3. Kẻ mạnh giúp người khác nhận ra cái đẹp đích thực của cuộc đời, không những thế còn là khả năng hành động
            4. Tinh thần bao quát trong ý kiến của Nam Cao: nhấn mạnh ý thức cộng đồng, tình cảm nhân loại, giúp con người có khả năng hy sinh cống hiến vì mục đích chung.
            (Dẫn chứng theo hệ thống, có thể theo các phạm vị: nhà trường – gia đình – xã hội; cá nhân – tập thể; mối quan hệ: lợi ích cá nhân – lợi ích cộng đồng)
            C. Hợp:
            1. Tóm ý: Ý nghĩa lời nói của Nam Cao hướng tới giá trị làm người chân chính. Xác định rõ các tiêu chí.
            2. Nâng cao: Biện luận các khả năng để hoàn thiện nhân cách con người
            3. Khẳng định tính đúng đắn trong luận điểm của Nam Cao
III. Kết bài

            Hướng tới bài học thực tiễn cho bản thân và liên hệ đến ý nghĩa với xã hội.

Read Full Post »

I.Nội dung ôn tập:
A.Phần văn học:
1.Văn học Việt Nam:
a) Văn học sử:
– Tổng quan văn học Việt Nam
– Khái quát văn học dân gian Việt Nam
– Khái quát văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX
b) Văn bản văn học:
Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ.
Tấm Cám.
Ca dao: Ca dao than thân, yêu thương, tình nghĩa; Ca dao hài hước.
Tục ngữ về đạo đức, lối sống
Tỏ lòng (Phạm Ngũ Lão)
Nỗi lòng (Đặng Dung)
– Cảnh ngày hè ( Nguyễn Trãi)
Nhàn ( Nguyễn Bỉnh Khiêm )
Đọc Tiểu Thanh kí ( Nguyễn Du )
B. Phần Tiếng Việt:
1. Văn bản văn học
2. Tóm tắt văn bản tự sự (theo chuyện của nhân vật chính)
3. Đặc điểm của văn bản nói và văn bản viết
4. Chọn sự việc, chi tiết tiêu biểu
5. luyện tập về nghĩa của từ
6. Luyện tập về biện pháp tu từ
C. Phần Làm văn:
1. Lập ý và viết đoạn văn theo những yêu cầu khác nhau
2. Cảm nhận tác phẩm văn học, quan sát thể nghiệm một hiện tượng đời sống
II. Cấu trúc đề thi:
1.Đề thi gồm hai phần:
a) Trắc nghiệm (3đ): gồm 15 câu. Nội dung: Văn học Việt Nam, Tiếng Việt và các bài văn học sử.
b) Tự luận (7đ): gồm 2 câu.
– Câu 1 (2đ): Viết một đoạn văn ngắn – khoảng 200 chữ – thể hiện cách hiểu của mình về một văn bản văn học.
– Câu 2 (5đ): Vận dụng kiến thức đời sống, kiến thức văn học và khả năng đọc hiểu văn bản để viết một bài văn nêu cảm nghĩ về một hiện tượng đời sống hoặc một tác phẩm văn học.
III. Dạng thức đề: (Những câu hỏi sau đây chỉ mang tính chất minh hoạ).
Phần tự luận:
Câu 1 (2đ):
1. Em hãy chỉ ra đặc trưng của kiểu truyện cổ tích thần kỳ trong truyện Tấm Cám. Vai trò của yếu tố kỳ ảo trong truyện.
2. Kinh nghiệm sống của cha ông ta trong tục ngữ về đạo đức, lối sống.
3. Em hãy trình bày tư tưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm được thể hiện qua bài thơ Nhàn.
Câu 2 (5đ):
1. Vẻ đẹp trong đời sống tình cảm dân tộc được thể hiện qua những bài ca dao yêu thương, tình nghĩa.
2. Hình ảnh, khí thế và nỗi niềm của trang nam nhi đời Trần nói riêng và con người Đại Việt nói chung được thể hiện qua bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão.
3. Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi được thể hiện qua bài thơ Cảnh ngày hè ( Nguyễn Trãi).
4. Vẻ đẹp tình cảm nhân đạo của Nguyễn Du trong bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí

5. Cảm nhận của em về phẩm chất thanh cao của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài thơ Nhàn
(Đề cương ôn tập chung cho cả hai lớp chuyên văn và chuyên Anh)

Read Full Post »

Older Posts »