Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for the ‘Tài liệu tham khảo’ Category

(Tóm tắt Theo giáo trình Tình hình và nhiệm vụ địa phương tỉnh Bình Định)

Bình Định là nơi sinh cơ lập nghiệp chủ yếu của 4 dân tộc anh em: Bana, Chăm, H’rê (người bản địa) và người Kinh.
Lớp người Việt đầu tiên định cư ở Bình Định vốn phần lớn là những lưu dân được dùng để khai khẩn mảnh đất vừa khắc nghiệt vừa giàu tiềm năng này. Như vậy, “tổ tiên” của người Kinh ở Bình Định phần lớn là những người cùng cực dưới xã hội phong kiến, từ miền Bắc (chủ yếu là Bắc Trung bộ) vào định cư, lập nghiệp. (…)
Hơn 500 năm thường xuyên đấu tranh chống các thế lực thống trị phản động, chống ngoại xâm, chống thiên tai, cải tạo thiên nhiên xây dựng vùng đất mới, ở con người Bình Định đã hình thành được những truyền thống quý báu, những đức tính cao đẹp vừa đặc trưng chung của truyền thống con người Việt Nam,vừa có sắc thái riêng của con người Bình Định.
1. Truyền thống cần cù lao động xây dựng quê hương
Xa xưa, phần lớn diện tích đất Bình Định còn là những vùng đất hoang dã. Phía Bắc, phía Tây và phía Nam đều là rừng rậm. Phía Đông là biển và đầm lầy mọc đầy các lọai cây nước mặn. Khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên nắng hạn, giông bão, lụt lội. Để tồn tại và phát triển, các dân tộc người quần tụ nơi đây phải đoàn kết, cùng nhau đổ mồ hôi, công sức để chinh phục thiên nhiên, khai khẩn đất đai,  dựng làng, mở thị.
Cùng với thời gian, nông nghiệp, ngư nghiệp và lâm nghiệp được hình thành và phát triển, tạo ra những vùng đất phì nhiêu: An Nhơn, Hoài Nhơn, Tuy Phước, Phù Mỹ… Nhân dân còn đắp thành, mở phố, xây dựng hải cảng, phát triển các nghề truyền thống và được lưu giữ cho đến ngày nay như nghề dệt, rèn, đúc, gốm, gạch ngói, làm nón, làm bánh, chế biến hải sản, mộc, cơ khí… Nhiều sản phẩm nổi tiếng như nhiễu, lụa, tơ tằm, gạch ngói (Phú Phong), rượu Bàu Đá, bún Song Thằng, nón Gò Găng (An Nhơn), bánh tráng nước dừa Tam Quan, nem Chợ Huyện, chả cá Quy Nhơn… Các làng nghề ở Bình Định trước đây đã từng cung cấp vũ khí, vải, quân lương cho nghĩa quân Tây Sơn, du kích, bộ đội trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Người lao động Bình Định được công nhận là năng nổ, khéo tay, từng làm ra nhiều công trình độc đáo, những sản phẩm thủ công nổi tiếng cả trong nước và ngoài nước.Vào thế kỉ XVII – XVIII, Quy Nhơn – Cách Thử từng là cửa cảng quan trọng với phố cổ Nước Mặn được ghi trên bản đồ hàng hải quốc tế.
Hiện nay, Bình Định có 54 làng nghề, vùng nghề, trong đó An Nhơn 17 làng nghề, Tây Sơn 10 làng nghề, Phù Mỹ 9 làng nghề, Phù Cát 5 làng nghề, Tuy Phước 3 làng nghề, Hoài Ân 2 làng nghề, Vĩnh Thạnh 2 làng nghề.
2. Truyền thống đấu tranh anh dũng 
– Thời kì phong kiến
– Thời kì thuộc địa nửa phong kiến
– Thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954)
– Thời kì kháng chiến chống đế quốc Mĩ 91954 – 1975)
3. Truyền thống văn hóa
Bình Định được xem là trung tâm của một vùng văn hóa lâu đời có nhiều tầng và nhiều lớp đan xen, đồng thời là một vùng đất hiếu học, khoa cử.
Trên dưới 4000 năm trước, cư dân lâu đời của dải đất miền Trung, trong đó có Bình Định là chủ nhân của một nền văn hóa độc đáo, được đặt tên là văn hóa Sa Huỳnh.(…) văn hóa của cư dân cổ trên đất Bình Định  xưa là văn hóa của những nhóm ngườithuo65c bộ lạc Dừa (Narikela Vamsa) – một bộ phận của người Chiêm Thành cổ.
Sau khi vương triều Indrapura chấm dứt vào khoảng năm 982 – 983, kinh đô của người Chiêm Thành chuyển vào Vijaya Đồ Bàn. Từ đó, đất Bình Định xưa trở thành đế đô của Vương quốc Chăm pa và phát triển phồn thịnh đến năm 1470. (…) Trên đất Bình Định nay còn để lại 8 cụm với 14 kiến trúc là di tích của một thời vàng son của văn hóa Chămpa. Tiêu biểu có thành Đồ Bàn, tháp Dương Long, Tháp Đôi… Ngoài ra còn có những khu di tich văn hóa như khu lò gốm Trường Cửu (ở Tây Sơn), các trung tâm gốm cổ trên đất Tây Sơn với Gò Hới, gò Cây Ké…
(còn tiếp)
THAM KHẢO LIÊN QUAN:
http://binhdinh.vietccr.vn/xem-tong-quan/dat-nuoc-con-nguoi-binh-dinh-default.html

Read Full Post »

TÌNH BẠN

  • NGUYỄN THỊ HOA (GV CÔNG DÂN)
Có ai đó từng nói rằng: trong cuộc đời của mỗi chúng ta, sự giàu có không phải ở chỗ bạn có bao nhiêu tiền mà ở chỗ bạn có được bao nhiêu người bạn tốt. Trên đời này không có cái nghèo nào bằng nghèo về tình bạn. Tình bạn là món quà vô giá mà thượng đế bạn tặng cho mỗi con người chúng ta. Tình bạn là cái không thể bán không thể mua mà có được, giá trị của tình bạn còn tuyệt hơn một núi vàng rất nhiều. Bởi vì vàng là một vật vô tri, vô giác, không biết nhìn cũng không có đôi tai để lắng nghe những tâm sự vui, buồn của chúng ta được, không có trái tim để thấu hiểu và không có được một bờ vai để chúng ta làm điểm tựa tinh thần.Vàng không thể đem lại cho bạn bình yên hoặc sự trở che khi bạn cần. “Một trong những hạnh phúc lớn nhất ở đời này là tình bạn, và một trong những hạnh phúc của tình bạn là có một người để gửi gắm những tâm sự thầm kín” (A. Manzoni).
“Bạn” không phải là một từ có thể dành cho bất cứ ai ta quen biết trong cuộc sống. Bỡi lẽ trong cuộc đời của mỗi chúng ta thông qua các mối quan hệ khác nhau: học tập, công việc, hàng xóm… có rất nhiều bạn nhưng trong số đó chúng ta hãy cố gắng tìm ra đâu là người bạn thật sự của mình. Chỉ những người biết hi sinh, biết chia sẻ, biết nhường nhịn, biết yêu thương cả điều hay lẫn điều dở của bạn mình, biết có mặt khi ta cần đến, biết lắng nghe những điều đôi khi ta không thể thổ lộ với ai, biết đỡ ta đứng dậy sau khi vấp ngã, biết kiên quyết chỉ ra sai lầm của ta… đó mới là một người bạn thật sự. Và đó là một tài sản quí giá nhất trong cuộc đời của mỗi con người chúng ta nên phải nâng niu, trân trọng, đừng bao giờ đánh đổi nó lấy bất cứ điều gì khác. ” Dưới ánh mặt trời, thứ lấp lánh và tỏa sáng không phải là kim cương mà chính là tình bạn thật sự”. Vậy thế nào là một người bạn thật sự?
Một người bạn thực sự sẽ là người có thể làm cho bạn cười ngặt nghẽo đến nỗi bạn không thể dừng lại được, là người làm cho bạn tin rằng thế giới này thật sự tốt đẹp, là người đã ngồi hàng giờ để thuyết phục bạn rằng thực sự cuộc đời vẫn chưa đóng lại với bạn và nó đang chờ bạn mở ra. Và khi bạn ngã qụy, thế giới quanh bạn dường như quá đen tối, trống rỗng thì người bạn ấy sẽ nâng bạn lên và lấp đầy những chỗ trống ấy. Người bạn ấy sẽ nắm lấy tay bạn và nói với bạn rằng: “ mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp thôi”. Người bạn ấy có thể dắt bạn qua những phút giây khó khăn của cuộc sống lúc buồn và cả những lúc mệt nhoài .
Bạn bè là người mà khi ở cạnh họ bạn cảm thấy rất an toàn, bởi lẽ: bạn biết chắc chắn họ quan tâm đến bạn và khi bạn gặp vấn đề thì họ sẽ luôn có mặt để lắng nghe bạn. Người ấy sẽ goi điện cho bạn mà chẳng cần lý do nào, đơn giản chỉ vị họ muốn biết cuộc sống hiện tại của bạn như thế nào dù họ có ở cách xa bạn hàng trăm kilômét.
Một người bạn là người ngăn bạn đừng phạm sai lầm và giúp bạn nếu như bạn chẳng may sai sót. Và một người bạn sẽ luôn ở bên cạnh bạn. Họ nắm lấy bàn tay của bạn, họ dõi theo cuộc sống của bạn ngay khi bạn ở rất xa, dõi theo bạn không chỉ bằng mắt mà còn bằng cả trái tim nữa. Họ là người luôn gắn bó và ủng hộ bạn. Họ nắm lấy tay bạn để tiếp thêm cho bạn niềm tin và sức mạnh. Họ dõi theo từng bước của bạn trên cuộc đời này và ngược lại bạn cũng dõi theo cuộc sống của họ. Cuộc sống của bạn không còn như cũ nữa nếu như không có những người bạn ấy nữa.

Tuy nhiên để có được một tình bạn như vậy thì tôi nghĩ rằng: bản thân chúng ta phải là một người bạn thật sự của họ. Bởi, cuộc sống này sẽ không có cái gì chỉ có “nhận” mà không “cho” đi bao giờ. Sống không chỉ để “nhận” từ người khác mà còn phải biết “cho” đi, nhưng khi ta “cho” đi không có nghĩa là mong “nhận” lại, mong người khác phải đền đáp công ơn của mình bỡi sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình, hạnh phúc là một điều rất kì diệu, ta chỉ nhận được nó khi đem nó trao cho người khác. “ Chẳng phải tốn nhiều công sức mới làm cho người ta hạnh phúc. Chỉ là một cử chỉ nếu bạn biết cách; chỉ là một lời nói thích hợp. Chỉ là sự điều chỉnh nho nhỏ trong một cái chốt, cái vít hay một con ốc trong cỗ máy tâm hồn tinh xảo của bạn” (Frank Crane). Và nếu bạn đã tìm thấy một người bạn như thế, bạn đã cảm thấy hạnh phúc và đầy đủ bởi vì bạn không còn lo âu, bạn đã có một tình bạn mãi mãi trong cuộc đời và nó sẽ không bao giờ kết thúc. 


Read Full Post »

(Theo DÂN TRÍ)

10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu – Họ là ai?
(Dân trí) – Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu đã chính thức vinh danh 10 cá nhân ưu tú nhất thuộc 5 lĩnh vực hoạt động khác nhau. Và cùng khám phá những nỗ lực của họ trong thời gian qua để thành quả như ngày hôm nay…
 >> Tác giả bài văn “lạ” trường Ams “trượt” Gương mặt trẻ VN tiêu biểu
 
1. Nguyễn Huy Hoàng
Giải Nhất kỳ thi HSG tỉnh lớp 12 THPT tỉnh Nghệ An môn Vật lý năm học 2010 – 2011
HCĐ Olympic vật lý châu Á năm 2011.
HCV Olympic vật lý quốc tế lần thứ 42 tại Thái Lan năm 2011.
Được nhận bằng khen của Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh nghệ An.
 
 
2. PGS.TS Phạm Hoàng Hiệp
Là PGS trẻ nhất Việt Nam (được phong năm 2011, khi anh 29 tuổi).
Năm 2008, khi mới 26 tuổi anh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại đại học Umea (Thụy Điển).
Hoàn thành 23 bài báo khoa học, trong đó có 19 bài đăng ở tạp chí quốc tế trong danh mục ISI, nhiều bài đăng ở các tạp chí trong nước, tham gia nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế.
Anh được nhiều Giáo sư nổi tiếng nước ngoài mời tham gia cộng tác. Hiện anh đang làm việc và nghiên cứu tại Viện Fourier, ĐH Grenoble (Pháp).
Công dân trẻ tiêu biểu Hà Nội năm 2011.
 
 
3. Vũ Trọng Thư 
Thành lập phòng nghiên cứu không gian F Space, thực hiện dự án chế tạo vệ tinh nhỏ F-1 CubeSat, dự kiến sẽ được phóng lên vũ trụ tháng 7/2012 trên tàu vận tải HTV-3/HIL-A của JAXA.
10/2009: Được Liên đoàn vũ trụ quốc tế IAF trao học bổng tham dự Hội nghị Vũ trụ Quốc tế IAC thứ 60 tại Daejeon, Hàn Quốc, có bài trình bày về dự án F-1.
4/2010: Lần đầu tiên thực hiện thành công liên lạc radio qua phản xạ bề mặt Mặt trăng (Earth-Moon-Earth communication) giữa Hà Nội với các trạm radio tại Mỹ và Nga.
6/2010: Nhận học bổng tham dự khóa học Space Studies Program tại trường đại học vũ trụ quốc tế ISU ở Strasbourg, Pháp.
10/2010: Tham dự hội nghị IAC thứ 61 tại Praha, CH Czech có bài trình bày về chủ đề khai thác tài nguyên trên các tiểu hành tinh Astcroid mining.
3/2011: Tham dự cuộc thi thiết kế chùm vệ tinh nhỏ Nanosatellte Mission Idea Contest, vào đến vòng chung kết và được mời trình bày tại trường Đại học Tokyo về ý tưởng chùm vệ tinh nhỏ giám sát tàu biển.
2/2012: Giải nhất cuộc thi thiết kế giải pháp công nghệ cứu ngư dân trước thảm họa bão do Tập đoàn hàng không vũ trụ và quốc phòng châu Âu EADS tổ chức tại Việt Nam, được mời tham dự Triển lãm hàng không quốc tế Singapore Airshow 2012
3/2012: được giáo sư Nakasuka Shinichi, Khoa Kỹ thuật hàng không vũ trụ, Trường Đại học Tokyo mời tham gia dự án UNIFORM chế tạo chùm vệ tinh nhỏ 50kg có nhiệm vụ phát hiện và cảnh báo cháy rừng sớm
 
 
4. Phạm Đức Thạch 
Là thành viên của Hợp tác xã gồm 9 người. Quy mô trang trại chăn nuôi, tập trung đa con với diện tích 55 ha tạo việc làm cho 32 lao động. Tổng kinh phí đầu tư là: 13.093.000.000 đồng.
Số lượng con chăn nuôi: Gà: 20.000 con/năm, Hươu: 100 con/ năm, Bò: 120 con/năm, Nhím: 150 con/cặp, cá 60.000 con/lứa, lợn rừng 50 con/năm.Sản lượng sản phẩm hàng năm: Gà cỏ 20 tấn, nhung hươu 70kg , bê con lấy thịt 100 con, nhím con 250 cặp, lợn rừng 2,5 tấn, cá thịt 100 tấn.
Được Trung ương Đoàn tặng Bằng khen liên tục từ năm 1999 đến năm 2006. Năm 2006 được Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Hà Tĩnh tôn vinh danh hiệu Thanh niên tiên tiến.
 
 
5. Lê Cát Trọng Lý 
Năm 2009, được chọn hát trong chương trình của ca sĩ Fracis Cabrel tại Hà Nội.
Năm 2010, biểu diễn tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace, tạo được dư luận tốt với 3 đêm diễn liên tục cháy vé; tham gia Festival Huế; tham gia lưu diễn văn hóa “Việt Nam ơi” tại Na Uy.
Năm 2011 tổ chức tua biểu diễn xuyên Việt hát cho cộng đồng, đạt hiệu ứng xã hội cao được quần chúng nhiệt liệt hưởng ứng và yêu mến.
Phát hành album đầu tay “Lê Cát Trọng Lý” vào ngày 20/1/2011
 
 
6. A Yung 
Là Bí thư Chi đoàn luôn gương mẫu, nhiệt tình, tích cực tham gia các hoạt động phong trào do Đoàn cấp trên phát động. Với đặc thù là Chi đoàn có 100% đoàn viên là người dân tộc thiểu số, tích cực tuyên truyền, vận động làm thay đổi cách nghĩ, cách làm, tập tục lạc hậu từ đó tập hợp thanh niên tham gia vào làm công nhân và sinh hoạt tại chi đoàn nông trường. Quan tâm đến việc phát triển đoàn viên mới, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp. Tổ chức cho 100% đoàn viên ký cam kết và thực hiện tốt nội quy, an toàn vệ sinh lao động.
Luôn tiên phong trong việc tham gia vào tổ tự quản bảo vệ sản phẩm, bảo vệ vườn cây, tránh thất thoát sản lượng mủ của đơn vị. Là cá nhân có tỷ lệ vượt mức kế hoạch sản lượng cao nhất của đơn vị. Trong năm đã cùng với tổ khai thác được 103 tấn mủ quy khô đạt 102% kế hoạch được giao, nhận khoán chăm sóc vườn cây đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật và là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua lao động sản xuất của nông trường. Tích cực tham gia phong trào luyện tay nghề, thi thợ giỏi cấp công ty và cấp ngành, cuối năm 2011 được bầu làm tổ trưởng tổ khai thác.
– Bằng khen của T tập đoàn Công nghiệp Cao Su VN năm 2010;
– Bằng khen của Ủy ban TƯ Hội LHTN Việt Nam năm 2010;
– Bằng khen của BCH Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Gia Lai năm 2009, 2011;
 
 
7. Nguyễn Thị Yến 
– HCV giải VĐ Đông Nam Á tổ chức tại Việt Nam năm 2010
– HCV giải VĐTG tại Indonexia năm 2010
– HCV giải VĐ Đông Nam Á tổ chức tại Indonexia năm 2011
– HCV SEA Games 26
– HCV giải VĐ trẻ toàn quốc, HCV giải Cup các CLB Pencaksilat toàn quốc, HCĐ Đại hội TDTT toàn quốc năm 2010.
 
 
8. Hoàng Phạm Trà Mi 
– Giải Nhất cuộc thi piano quốc tế F.Chopin tại Singapore.
– HCV liên hoan piano châu Á tại Cheoun Hàn Quốc năm 2010.
– Tham gia tích cực vào các hoạt động Đoàn, Hội.
 
 
9. Nguyễn Sĩ Bính
Ngày 7/3/2011 trực tiếp trinh sát nội tuyến trong chuyên án 042L cùng lực lượng đánh án thành công bắt giữ các đối tượng trên Cửa khẩu Huổi Puốc-Mường Lói. Kết quả bắt giữ 3 đối tượng người Lào; 04 bánh hêrôin, 1 668 viên ma túy tổng hợp, 01 súng ngắn tự tạo, 4 viên đạn.
Ngày 2/10/2011 trực tiếp trinh sát nội tuyến trong chuyên án 051L bắt giữ 2 đối tượng; thu giữ 2 bánh hêrôin, 01 xe máy.
Ngày 8/10/2011 trực tiếp trinh sát nội tuyến trong chuyên án 052L bắt giữ 01 đối tượng người Mông; thu giữ 04 bánh hêrôin, 01 xe máy, 01 súng ngắn K54.
Ngày 20/10/2011 trực tiếp trinh sát nội tuyến trong chuyên án 053LV bắt giữ 02 đối tượng người Lào; thu giữ 10 bánh hêrôin, 38 kg thuốc phiện, 02 xe máy, 01 súng K59, 01 súng AK, 01 súng CKC, 32 viên đạn K59, 15 viên đạn K56, 01 quả lựu đạn, 25 cây vàng, 4 kg bạc trắng, 01 khối kim loại màu đen nặng 6kg (đối tượng khai là đồng đen), 120 triệu kíp Lào, 3000 NDT, 200 bạt Thái.
Từ 2009-2011 đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.
Năm 2011: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Bằng khen của Bộ An ninh tỉnh Phong Xa Lỳ-Nước Cộng hòa DCND Lào vì đã có thành tích xuất sắc trong chuyên án 053LV; 02 Bằng khen của UBND tỉnh Điện Biên.
Đang được Bộ Quốc phòng đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công Hạng 2.
 
 
10. Trần Trung Kiên 
Từ 6/10 đến nay đã trực tiếp tham gia phá 13 chuyên án, bắt 30 đối tượng, thu giữ 11 bánh heroin, 600 viên ma túy tổng hợp, 1kg thuộc phiện, 10 xe môtô ,20 điện thoại di động cùng nhiều tài sản có giá trị khác lên quan đến các vụ án.
Ngoài ra đã tham mưu cho lãnh đạo đơn vị và trực tiếp tham gia phá thành công 02 chuyên án truy xét, bóc gỡ 02 đương dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy liên tỉnh, bắt 12 đối tượng, làm rõ các đối tượng đã buôn bán vận chuyển hành chục bánh hêrôin như các chuyên án: Chuyên án 810 – A, chuyên án 112H, chuyên án 120B, chuyên án 221 – A, chuyên án 409 – T, chuyên án truy xét 1010A, chuyên án 2011G…
01 Huân chương chiến công hạng Nhì (năm 2011)
02 Bằng khen Bộ Công an (năm 2008, 2011)
Vũ Phong
(tổng hợp)

Read Full Post »

  • CHU VĂN SƠN

1. Đôi nét phác hoạ
Những người gần Nguyễn Đăng Mạnh đều nhận thấy ông rất mê dùng hai chữ “sang trọng” và “nhếch nhác”. Với nghĩa thông thường thì ít thôi, còn nhiều hơn là với hàm nghĩa đã được nới rất rộng, rất phóng, rất vui nữa.
– Nhếch nhác! Trích ai không trích lại đi trích cái tay ấy!
– Tay này bị báo chí đánh, đâm sang trọng ra, lên giá hẳn!
Người ra đã quen nghe đến nỗi, trong một cuộc họp Hội đồng lí luận Hội Nhà văn, có vị đã dùng chữ “sang trọng” với cái vẻ ấy, thì được nhắc khéo ngay: ấy chớ, đó là “chữ của ông Mạnh”. Thế có khác chi một sở hữu độc quyền! Oái oăm nhất là, một bạn văn nào đó của ông đã nghĩ ra cái tình huống: nếu cấm dùng hai chữ ấy, thì ông Mạnh hết đường xoay sở! Tôi nghĩ xoay sở thì không khó gì. Nhưng chắc chắn là mất hẳn đi cái giọng, cái khí sắc Nguyễn Đăng Mạnh. Chả là mấy chữ không đâu kia lại là một thứ qui chiếu rất riêng của ông.
*
Bắt đầu là một kỉ niệm thời tôi còn là sinh viên. Chẳng biết có phải do ấn tượng từ tên sách, từ lối văn của cuốnNhà văn tư tưởng và phong cách hay đơn giản chỉ vì cái chữ đăng rất võ đoán trong cái tên ông xui khiến, mà hồi chưa vào đại học, tôi cứ hình dung Nguyễn Đăng Mạnh là một người cao cao, trán hói. Sau cặp kính dày cộp là khuôn mặt đăm chiêu lúc nào cũng lơ đãng một cách nghiêm trang, trên tay là chiếc cặp nặng trĩu những tư liệu và công trình… Tóm lại, là một học giả sang trọng. Nhưng đến một hôm khi đã học năm thứ hai, thì một anh chàng lớp trên chỉ cho tôi : Kia kìa ! thầy Mạnh đang đến kia kìa ! Thú thực, tôi hơi… thất vọng ! Chả sang gì cả ! Còn “nhếch nhác” nữa là đằng khác! Không hề cao, lại đội chiếc mũ lá cọ đã thâm màu, dắt chiếc xe đạp cũ, màu cua luộc, ghi đông lủng lẳng chiếc túi xách màu da bò bạch phếch – tôi hãy còn nhớ túi có trang trí hình một chiếc thuyền buồm. Hẳn là túi đi chợ của bà xã rồi!… Chà! Kia mà là người đã làm sáng giá lên sự sang trọng và tài hoa của Nguyễn Tuân ư? Kia mà là người đã khám phá ra niềm khát khao giao cảm với đời của Xuân Diệu, thi sĩ lãng mạn vào bậc nhất của nước Nam này ư?… Chả giấu gì, lúc ấy tôi đã theo chân vào lớp với một hoài nghi ngấm ngầm. Vừa đi, vừa cố tìm mối liên hệ giữa cái ông tác giả Nhà văn tư tưởng và phong cách mà tôi vẫn hình dung là đầy kiêu sang, với ông thầy như một giáo khổ tường tư đời mới kia ! Mãi mà không ra. Ngồi ở cuối lớp, máu vẽ vời trong tôi nổi lên. Tôi hí hoáy rất nhanh một chân dung hí hoạ: từ khuôn mặt, cái cằm, sống mũi, gò má đến đôi mắt, nhất là những tia nhìn… cái gì cũng nhòn nhọn, săng sắc! Và lấy làm khoái chí rằng đã tóm được thần thái rồi. Lúc ngẩng lên chợt gặp lúc ông cười. Tôi mới ngớ người ra. Phải, cái cười đã “cứu” tất cả. Nó bừng sáng, làm tan đi cái vẻ đăm đăm khắc bạc, những nét săng sắc nhòn nhọn phút chốc chìm đi, toả ra xung quanh một làn hơi ấm và sáng. Cái thần của ông là đây kia, bây giờ mới ló rạng. Thực tình, không có cái cười đó tôi không thể nào tin được ông lại có thể là một người cởi mở, ấm áp, thoải mái, trẻ trung như tụi lớp trên vẫn kháo nhau. Thế là, tôi vội bí mật thủ tiêu cái “kiệt tác” còn chưa ráo mực của mình. Tay kia rút một tờ giấy khác, phác nhanh những nét mới, để “sửa sai”.
Tuy nhiên, phải đến khi ông giảng, thì sự hoài nghi của tôi mới được giải toả hết. Còn nhớ hôm ấy là chuyên đềMấy vấn đề phương pháp tìm hiểu và phân tích thơ Hồ Chủ Tịch. Không ngờ ông có thể trình bày vấn đề khúc chiết minh bạch đến vậy. Không màu mè, không hoa lá, không bay bổng, không ngọt ngào. Mà sắc sảo, táo bạo đầy bản lĩnh. Ấy là kiểu hấp dẫn bằng chính tư tưởng, tư duy, chứ không phải bằng mĩ cảm phóng túng hay kĩ năng sự phạm điêu luyện. Những bài lẻ của ông về thơ Bác, tôi đọc rồi. Chúng đã được công bố rải rác trên Văn nghệ, Tác phẩm mới, Tạp chí văn học… Nhưng ở đây là cả một hệ thống vừa sáng sủa, vừa phong phú. Tôi đã đọc cả mấy chuyên luận về thơ Bác của các vị khác, toàn những cuốn cũng công phu lắm, nhưng cho đến bây giờ, vẫn chưa thấy ai nói về thơ Bác như vậy. Đó là cả một thế giới nghệ thuật. Chỉ cần một thái độ khoa học, những thao tác khoa học thôi cũng thấy được giá trị thực cao quý của nó, chả cần phải tô vẽ tán dương dễ dãi làm gì. Đám sinh viên cùng khoá ghé vào nghe ké khá đông. Đứa nào cũng mê tít việc phân loại thơ Bác thành hai mảng thơ nghệ thuật và thơ tuyên truyền một cách thật khoa học. Sau nữa là sự lí giải bất ngờ về chất thép độc đáo của Hồ Chí Minh,v.v… Điều gì cũng rốt ráo, sơn cùng thuỷ tận. Mà khẩu khí thì tự tin và lắm lúc đến là cực đoan. Tôi nhớ hình như đã thầm reo lên rằng: Đây rồi! Chính cái khẩu khí của Nhà văn tư tưởng và phong cách đây rồi! Thế mới đúng chứ! Và cũng trong lúc ấy, tôi chợt nhớ lại bìa của cuốn sách đó là thứ giấy vàng vàng ô ố, những mảng màu trang trí thì xin xỉn, chẳng tươi tắn, bắt mắt gì cả. Nhưng bên trong lại là thứ văn sắc và sáng, nặng trĩu những ý tưởng, mà lại thoát hẳn phong cách hàn lâm. Bìa sách thế với ruột sách thế có lẽ chỉ là ngẫu nhiên mà cứ như có một sự xui khiên vô hình nào vậy! Tôi chắc không phải ai cũng chịu lối văn này. Nhưng ai đã thích thì dễ bị mê hoặc.
Bây giờ thì đời sống ông sang trọng nhiều rôi. Con cái ông cũng khá cả mà. Nhưng chẳng hiểu sao, với tôi cụ Mạnh – sa lông phô tơi, com lê cà vạt vẫn không thi vị bằng cụ Mạnh – mũ – lá. Và tôi dám chắc rằng nếu như in vào kí ức thời sinh viên của tôi không phải là cái mũ cọ trung du lôi thôi xoàng xĩnh, thì hẳn là hình ảnh ông trong tôi sẽ mất đi một cái gì rất quan trọng. Hình như, cứ phải thế mới ra cụ Mạnh! Hay tôi là kẻ oái oăm?
*
Một lần lục giá sách của ông, tôi gặp cuốn Maiacôpxki của Hoàng Ngọc Hiến với lời đề “Tặng Julien Mạnh”. Tôi lấy làm lạ: tên thánh tên thiếc gì chăng? Mà có tên thánh nào thế đâu nhỉ? Mãi mới vỡ lẽ: Julien là tên nhân vật chính trong Đỏ và Đen của Stangđan mà ông rất mê. Một nhân vật quyết liệt ghê gớm. Xuất thân từ tỉnh lẻ, tầng lớp thấp, nhưng bằng tài và chí, đã vượt khỏi vị thế của mình, bước thẳng vào thế giới của bọn quí tộc, thách thức cả những người cao sang nhất. Hoàng Ngọc Hiến bảo ông có trực giác khoa học. HồDzếnh bảo ông là người có khả năng nhận ra cái thần của mỗi nhà văn. Còn ông, ông chỉ nhận mình làm được điều gì cũng nhờ rất nhiều vào cái chất Julien đó. Tôi không nghĩ hồi trẻ ông học lớp hội hoạ kháng chiến của Tô Ngọc Vân là do cái chất kia xui khiến. Ông đã bỏ dở. Và may là như thế! Xuýt nữa ta đã có một hoạ sĩ xoàng mà mất đi một nhà nghiên cứu phê bình giỏi (tôi có xem mấy kí hoạ trong sổ tay hồi ông sang Campuchia. Nét vẽ xem ra cũng … tầm tầm thôi!). Hồi theo kháng chiến, do một sự tình cờ, ông đã đọc gần hết cả một gian sách tiếng Pháp chất trong cái lán nhỏ, do một thư viện nào đó chuyển lên cho cán bộ Sở giáo dục Việt Bắc, đặt ở hang Dơi, nằm ở phía bắc Thái Nguyên. Nhưng cũng thế thôi! Ông mê đọc chỉ vì…mê đọc, chưa phải để chuẩn bị vốn liếng cho một phê bình gia sau này. Phải đến sau nữa, đi học đại học, rồi vào dạy Đại học sư phạm Vinh, chàng Julien mới thôi thúc và thao thức nhiều trong ông. Không thế, giữa những ngày bom đạn đánh phá, hẳn ông không thể nhảy tàu ra Hà Nội để đọc sách. Cũng không thể cặm cụi nghiên cứu Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, giữa nơi sơ tán tăm tối, hẻo lánh trong rừng núi Thanh Hoá và bắt tay vào viết những công trình nghiên cứu phê bình đầu tiên ở đó!
Để lớn lên trong nghề này, ông đã gặp và chơi nhiều với cánh nhà văn, đặng hiểu sâu vào công việc sáng tác. Nhiều nhà văn đã thành chỗ thân tình của ông. ông cũng chịu tìm học các học giả để hỏi han, trao đổi, nhất là về những khái niệm chưa tường tận. Vậy mà nhiều lúc thật cay đắng. Thuở “hàn vi”, có lần chàng Julien mũ lá lặn lội đến gõ cửa nhà một giáo sư được đào tạo ở Tây hẳn hoi, để hỏi về chủ nghĩ tự nhiên. Thấy một người trẻ tuổi, vô danh, lại đội mũ lá, dắt xe đạp cà tàng, vị giáo sư sang trọng kia đã dành hẳn một “đặc ân”: tiếp ngay ở cửa, nói nhát gừng vài lời, rồi vội bắt tay để xua khéo về một cách … lịch sự. Ông lặng người, rồi ra về. Không còn nhớ trong lòng là nỗi cay đời hay buồn đời, là bi hay là phẫn nữa. Chàng Julien trong ông đã vụt dậy và cất lên một lời thề quyết liệt. Phải, chỉ có nó là sức mạnh duy nhất giúp ông sắt đá, giúp ông vượt lên sự khinh khi của những kẻ hợm hĩnh, hãnh tiến. Tôi ngờ rằng chữ “ nhếch nhác” và “sang trọng” sau này thành lời cửa miệng của ông có lẽ đã bật lên vào lúc ấy, khi cái tương quan lộn ngược của nó hiện ra nhỡn tiễn. Và, mỗi lần như thế, người ta càng thấy ông nung nấu, càng lao vào đọc, nghĩ, viết ráo riết hơn. Sau này tôi mới hay, ông từng bị lao phổi, bị chảy máu dạ dày hai lần đều là hậu quả của chuỗi ngày ráo riết triền miên như thế ấy. Hèn chi mà sau này, ngay khi đã thành một giáo sư đầu ngành rồi, ông vẫn luôn mở rộng cửa cho sinh viên ưa thắc mắc hỏi han đến “quấy”. Và sẵn lòng tin những người chân chính đang âm thầm lớn lên trong vô danh.
*
Nguyễn Đăng Mạnh là người ưa chuyện, giòn chuyện. Gặp người hợp, nhất là bọn trẻ (ông vốn thích chơi với cánh trẻ), ông có thể say sưa thâu đêm suốt sáng. Càng nói càng hăng, càng sắc. Nếu đã trò chuyện với ông rồi, ra về bạn ngẫm lại mà xem: ông chỉ có một chuyện thôi ! Toàn bộ những chuyện trên giời, dưới biển, đời xưa đời nay, bên Ta bên Tây, chuyện sư tử hay cầy cáo, đàn ông hay đàn bà, hồi ức hay thời sự, nghệ thuật hay tuyên truyền… cuối cùng rút lại chỉ độc một chuyện: tư tưởng nghệ thuật. Lúc giọng ông bốc nhất, lên men say nhất cũng là khi trực tiếp đụng đến cái chuyện ấy. Đơn điệu chăng? Cực đoan chăng? Hay là lẩn thẩn? Có lẽ chỉ đơn giản là ông quá si mê điều ông tâm niệm, thế thôi. Người ta bảo đó là “bệnh” của những người bị chính tư tưởng của mình ám ảnh, nó như cái bóng vô hình, không chịu lìa bỏ cũng không chịu buông tha. Có khi thế thật?
Tôi nhớ lần cùng ông vào Thanh Hoá để bồi dưỡng giáo viên và học sinh chuyên văn. Trên tàu ông nói chuyện suốt bốn tiếng đồng hồ. Nghĩa là lúc nào cũng phải rướn giọng, phải đua với tiếng tàu xiết trên đường ray, tiếng cửa toa va đập sầm sập, xình xình. Thỉnh thoảng ông dừng lại châm thuốc, làm tôi cứ đinh ninh là ông sắp ngừng và sẽ phải gà gật như mấy cụ già bên cạnh. Tôi nhầm. Đó chẳng qua chỉ là quãng lặng để chuẩn bị một cao trào mới.
– Trong những thế kỉ trước, có người đã định nghĩa con người là cây sậy có tư tưởng. Cũng là thứ cỏ mọn hoa hèn thôi. Nhưng cần nhớ đó là cây sậy có tư tưởng! Thế thì cái tư thế người, cái tư cách làm người là do cái tư tưởng kia quyết định chứ gì? – Chừng như sợ người nghe mình gà gật, ông mới đổi tư thế ngồi và nhìn xoáy vào tôi – Làm học thuật hay làm nghệ thuật cũng thế cả ! Không có tư tưởng riêng thì vứt! Thì chìm ngỉm, mất tăm mất dạng. Anh lớn hay bé đều do cái tư tưởng kia mà nên. Sự sang trọng của một người viết phải được đảm bảo, được thế chấp bằng tầm vóc tư tưởng của bản thân anh ta. Mà tư tưởng nhà văn là tư tưởng nghệ thuật! Nên nhớ là như vậy. Tiếng Pháp nó gọi là I – đê pô – ê – tíc – cơ (Idée potéticque). Nghiên cứu nhà văn mà không tìm cái ấy thì tìm cái gì cũng chỉ vụn vặt mà thôi…
Đấy, hễ đụng đến chuyện ấy là cứ như đụng đến tín niệm riêng của ông vậy. Tàu ồn thế chứ ồn nữa, cũng có làm sao! Hèn chi mà bao năm nay, ông đã viết dễ có đến mấy chục đầu sách. Nhưng theo tôi, ông chỉ viết có một quyển! Nó là kết tinh toàn bộ quan niệm, tư tưởng của ông. Ấy là Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn. Mà phần chủ chốt của nó là đường đi vào tư tưởng nghệ thuật. Tất cả những cuốn khác chỉ là dọn đường, phác thảo, là phân thân, hoá thân, là mảnh vỡ của cùng một cuốn duy nhất này thôi. Chàng Julien mũ lá cứ âm thầm mải miết bước trên con đường ấy, vừa đi, vừa mở, vừa phát quang, để cuối cùng đã hái về những niềm khát khao giao cảm với đời của Xuân Diệu, niềm căm uất không nguôi của Vũ Trọng Phụng, nỗi đau dai dẳng vì tình trạng con người bị sỉ nhục của Nam Cao, chủ nghĩa nhân đạo thống thiết của Nguyên Hồng… Tất cả đều là những nhiệt hứng sôi nổi, là tư tưởng nghệ thuật sáng giá của các nhà văn đó. Tôi biết, có người còn muốn nắn chỗ này, đắp chỗ kia, nhưng không thể không thấy đó quả là một con đường! Tính thuyết phục của con đường ấy không phải ở nhiệt huyết đam mê cặm cụi suốt cả đời của người khai mở. Mà là ở kết quả nó mang lại. Chính những thành công của ông là vật thế chấp cho con đường đi đó.
*
Người ta bảo ông yêu ghét chúa là cực đoan. Tôi cũng thấy thế. Cả sống và viết ông đều thế. Một người đã quyết liệt thì có cực đoan cũng là điều dễ hiểu. Dĩ nhiên, ông ghét nhất sự dung tục, nhếch nhác. Vớ được một nhân vật nhếch nhác nào thì, lạy chúa, thôi rồi!… Còn yêu? Cũng cố   nhiên là sự sang trọng. Ấy là sự sang trọng của tài hoa và nhân cách. Ông mê nhất Nguyễn Tuân là vì thế.
Nhớ một bận cách đây ít năm, khi đang bắt tay viết cuốn Ba đỉnh cao Thơ mới – Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, tôi có ghé ông chơi, nhân tiện hỏi thực hư về một chuyện mới nghe được, chuyện khá li kì. Đúng lúc ông vừa viết xong một bài về Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân. Nhiệt hứng còn đương ngùn ngụt.
– Ông thấy không ? Huấn Cao nói thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ, nghe nó sang trọng bao nhiêu ! Không cúi đầu trước đồng tiền và quyền lực. Mà cúi đầu trước một tấm lòng ! Trong khi đó tay Quản Ngục lại khúm núm trước Huấn Cao. Khúm núm thế đâu có nhếch nhác. Bởi đó là cái cúi đầu trước hoa mai cả thôi ! Thật là cái khúm núm đầy tư tưởng, cái khúm núm sang trọng. Tư tưởng của Nguyễn Tuân là đấy chứ đâu !
Sau cái câu đầy gay gắt đánh đá như vẫn đang còn tranh luận trong bài viết ấy, ông dừng lại châm thuốc hút.Tưởng ông đã dứt mạch, tôi định chen vào hỏi ngay. Nào ngờ… cao trào chưa hoàn toàn lắng xuống.
– Mà tư tưởng là tư tưởng riêng của mình. Chứ còn như ai kia tự nhận là hạt bụi mang tư tưởng mà lại là tư tưởng của người khác, thì… tưởng là sang trọng té ra lại nhếch nhác !…
Tôi định nói rằng, đời nó thế. Sang đó lại hèn ngay đó. Có cái ngỡ hèn mà hoá sang. Có cái tưởng sang trọng mười mươi, lại tầm thường, nhếch nhác. Có sự phế truất mà sang. Có sự lên ngôi mà nhếch nhác. Có cái nhếch nhác đắc thắng. Lại có cái thất thể vẫn cao sang… Phải tự tín lắm mới luôn tin rằng cái Sang là một giá trị giữa đời này. Và cũng phải lãng mạn lắm thì mới hằng tin rằng sự sang trọng chân chính nhất ở một con người chính là sự sang trọng của tư tưởng. Những thứ ấy đời dễ cho là viển vông, mơ hồ, thậm chí, còn nguy hiểm nữa. Người ra còn mải bận tâm, bon chen vì những gì gì kia, những phú quí, vinh hoa, tước hiệu, những ghế gẩm này khác chẳng hạn…Nhưng tôi kịp nhận ra rằng, điều chính mình đang nghĩ cũng đâu có mới lạ gì. Nó cũ như bản thân cuộc đời này rồi. Vả lại, cái chuyện tôi định hỏi vẫn nóng hơn. Tôi ghé ông lần này là vì chuyện ấy kia mà. Thế là tôi gạ, đại khái: nghe người ra úp mở rằng ông được Xuân Diệu rất sủng ái. Sau khi đọc xong bài Niềm khát khao giao cảm với đời đã khóc mà nói “Mạnh là người hiểu mình sâu sắc nhất”, đã mời ông đến nhà và tặng một chiếc đồng hồ, có phải không? Xuân Diệu đề nghị ông hãy nhận theo cung cách Tản Đà ngày xưa nhận 1000 đồng Đông Dương của Diệp Văn Kỳ, nghĩa là, nhận mà không cần cám ơn, lại còn nói nhún “Mình thì không đáng là Diệp Văn Kỳ, còn Mạnh đáng là Tản Đà”. Chuyện là thế nào? Thì ông xua tay lảng đi:
– Cái câu “hiểu mình sâu sắc nhất”, thì Xuân Diệu không trực tiếp nói với mình, mình cũng chỉ được nghe anh Văn Hồng thuật lại thôi. Còn chuyện tặng đồng hồ thì có. Nhưng bây giờ Xuân Diệu chết rồi. Nói ra có khi người ta bảo mình bịa. Thấy người sang bắt quàng làm họ. Mà ăn theo người sang lại chẳng là nhếch nhác à ? Chả dại!…
2. Một vài điểm nhấn
 Người ta vẫn nói đến Nguyễn Đăng Mạnh như một trong những chuyên gia hàng đầu về văn học Việt Nam hiện đại. Tôi nghĩ, đó không phải là một sự tấn phong dễ dãi. Chuyên gia không chỉ là chuyện chuyên tâm, hay thông thạo một lĩnh vực nào đó. Mà quan trọng hơn là vừa phải bao quát vừa phải chuyên sâu về lĩnh vực ấy. Cụ thể là phải am tường những vấn đề thiết cốt nhất của nó, cùng những con đường hữu hiệu để tiếp cận và khám phá nó. Nhờ đó mới có uy thế để tập hợp được những đồng nghiệp, những cộng sự và người kế tục.
Ai cũng biết, mảng ông chuyên tâm là văn học Việt Nam hiện đại. Trước khi bao quát vĩ mô, phải bắt đầu từ vi mô. Hoàng Ngọc Hiến có lí, phải bắt đầu nghiên cứu đến nơi đến chốn từng chút một, thì một ngày kia mới có được một cái gì có nghĩa lí. Nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại, không thể không giải quyết những chuyện như Hiện đại là gì ? Hiện đại hoá là thế nào ? Rồi các khuynh hướng lớn bấy giờ : thế nào là Lãng mạn ? thế nào là Hiện thực ? Về bản chất, chúng là các phương pháp nảy sinh và gắn chặt với các ý thức hệ, hay trước hết là các khuynh hướng cảm xúc thẩm mĩ của mỗi cá thể ? Quá trình vận động của văn học thời kỳ này bị chi phối bởi những qui luật gì ? Hệ thống thể loại của nó ra sao ?… Những chuyện to tát ấy không thể giải quyết, thậmc hí không thể hình dung khi mới chân ướt chân ráo vào cuộc. Nó là việc của mãi về sau này, sẽ dần dần giải quyết cho mình. Còn khởi đầu hẵng là một chút nào đấy đã. Thế là ông cặm cụi với tác giả. Mà các tác giả cần biên soạn cho giáo trình phải được ưu tiên trước. Xem ra những tác giả có duyên với ông đều là những hiện tượng phức tạp cả (ông nói vui rằng mình thích “húc” đầu vào những vị phức tạp). Để hình dung về họ, không thể không đi từ tác phẩm của họ. Thế là cặm cụi vào tác phẩm. Xuất phát từ thực tiễn như thế không chỉ là con đường của một nhà văn học sử, có lẽ, là con đường của nghiên cứu văn học nói chung. Còn lấy xuất phát từ lý thuyết, dùng lý thuyết áp vào thực tế rất dễ chông chênh. Trước khi có những bài bề thế có tính tổng quan, tổng quát cả một thời đại trong văn xuôi như Khải luận cho bộ Tổng tập (tập 30A), các bài Khái quát cho các bộ giáo trình đại học cao đẳng, giáo khoa phổ thông, ông đã mất dễ đến một phần ba đời người, lần từng chút một trong tác phẩm của từng tác giả thời ấy. Nghiên cứu Ngô Tất Tố, ông khảo kĩ toàn bộ phóng sự, cày xới các tiểu thuyết, một nhân vật quan trọng như Chị Dậu trong Tắt đèn đã được soi xét kĩ lưỡng. Nghiên cứu Nam Cao, ông bắt đầu bằng việc phân tích cho ra nhẽ hàng loạt tác phẩm Chí Phèo, Sống mòn, Một đám cưới, Đôi mắt.v.v… đặt mỗi tác phẩm vào “hoàn cảnh lớn”, “hoàn cảnh nhỏ”, tìm sự thống nhất và mối liên hệ giữa các tác phẩm, thậm chí giữa các tình tiết rải rác đó đây trong nhiều tác phẩm, tìm sự phát triển của các yếu tố qua các chặng đường sáng tác của từng tác giả. Rồi mới dựng lên một “bộ ba vấn đề”: Quan điểm sáng tác – Quá trình sáng tác – Phong cách nghệ thuật, để thâu tóm toàn vẹn sự nghiệp của mỗi vị. Bài giới thiệu về Nguyễn Tuân (vốn viết cho Nguyễn Tuân tuyển tập) có thể xem là một mẫu mực cho lối làm việc ấy1. Trước khi đề xuất cách hiểu của mình về Lãng mạn, Hiện thực, về Hiện đại và Hiện đại hoá trong Văn học Việt Nam hồi đầu thế kỉ, ông đã tỉ mẩn từng chút một về từng tác giả Lãng mạn, Hiện thực… ông khảo những nét phân biệt cùng những giao nối mong manh giữa các đối tượng ấy. Từ đó có căn cứ mà khái quát thành những điều to tát, góp phần giúp người đọc hiểu trúng hơn vào bản chất các vấn đề tưởng đã yên chuyện… Theo tôi, cách ông trình bày về Lãng mạn và Hiện thực, từ cội nguồn là khuynh hướng cảm xúc chung đến diện mạo riêng của nó trong thực tế văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ trước gồm các bình diện: khuynh hướng tư duy, hệ thống đề tài, hệ thống thể loại tương ứng, v.v… là cách nhìn thuộc tầm cỡ một chuyên gia hàng đầu. Cùng nghiên cứu giai đoạn này, có không ít người, nhưng phân biệt được như vậy, thì không nhiều. Dõi theo con đường nhọc nhằn của ông, có thể chứng thực: làm chuyên gia thì không chỉ chuyên chú vào bề rộng mà còn chuyên tâm vào chiều sâu, không chỉ chuyên luận cái lớn mà cần chuyên khảo cả cái nhỏ. Phải biết bước tới cái lớn từ cái nhỏ.
Nhìn ở phía khác: một chuyên gia văn học sử không thể không hình dung về tiến trình vận động làm nên cái gọi là lịch sử văn học. Có người hình dung bằng sự vận động của đội ngũ sáng tác. Có người hình dung bằng sự nảy sinh và tiếp nối của các khuynh hướng, các trào lưu. Người khác lại hình dung bằng sự vận động của các thể loại. Người khác nữa lại hình dung như là lịch sử của ý thức tư tưởng… Không phải không lường tính và xem xét đến những phương diện khác, nhưng trọng điểm quan tâm của Nguyễn Đăng Mạnh, trước sau, vẫn là tư tưởng gắn với những tác gia lớn.
Có lẽ trong quá trình nghiên cứu theo hướng của mình, ông mới thấy một thực tế khá bất ngờ: té ra tư tưởng của nhà văn là một khái niệm ở ta chưa phải đã tường minh lắm. Do đó, có hiện tượng đáng buồn: tư tưởng chính trị, tư tưởng đạo đức, tư tưởng nghệ thuật… thường bị đánh đồng với nhau. Cũng đáng buồn không kém là hiện tượng tư tưởng nghệ thuật độc đáo của từng tác gia cứ được/bị lược qui vào một trong hai phạm trù tư tưởng “công cộng”: tư tưởng nhân đạo và tư tưởng yêu nước. Nhà khoa học chân chính thì không được phép làm ngơ trước điều đó. Làm một chuyên gia lại càng không thể làm ngơ. Công việc theo đuổi buộc ông phải bắt tay vào tường minh khái niệm tư tưởng nghệ thuật. Có thể nói đây là một đóng góp rất then chốt của Nguyễn Đăng Mạnh. Tham khảo các tài liệu lí luận trong và ngoài nước, ông thấy, người có ý thức nói đến khái niệm này rõ nhất là Bêlinxki. Tiếc rằng, nhà phê bình lớn thời Cách mạng dân chủ Nga ấy chưa xây dựng thành khái niệm hoàn bị. Song, những ý niệm ban đầu của Bêlinxki là tiền đề rất quan trọng. Cần phải đứng lên vai người khổng lồ này để hoàn thiện nó. Tuy nhiên, hình thành hẳn một khái niệm không phải là chuyện một sớm một chiều. Nghiền ngẫm trong nhiều năm, kiểm nghiệm qua thực tế nghiên cứu của mình, dần dần ông mới hình dung rõ nét về nó. Cho đến khi viết cuốn Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, ông mới chính thức lí thuyết hoá khái niệm này. “Khái niệm đó – ông viết rất sòng phẳng – thực ra là của Bêlinxki”. Và ông định nghĩa: “Tư tưởng nghệ thuật là một hình thái nhận thức đặc thù của người nghệ sĩ: nhận thức bằng “ toàn bộ con người tinh thần với tất cả nội dung phong phú và tính tổng thể toàn vẹn của nó”. Hình thái nhận thức này đòi hỏi người nghệ sĩ phải huy động toàn bộ mọi năng lực tinh thần của mình mà nội dung chính bao gồm lí trí và tình cảm cảm xúc kết hợp hài hoà với nhau giống như xương cốt và máu thịt, như thể xác với linh hồn con người. Hình thái nhận thức này thấm nhuần lí tưởng thẩm mĩ của nhà văn. Vì thế có thể gọi là hình thái tư duy – tình cảm thẩm mĩ của người cầm bút” 2. Theo tôi, định nghĩa trên đây đã khái quát được những thuộc tính khá căn bản của đối tượng. Việc xác lập thành khái niệm như thế đã vạch ra một ranh giới nào đó giữa tư tưởng nghệ thuật với các hình thái tư tưởng khác. Đồng thời, mở được một lối chiếm lĩnh tư tưởng riêng của từng nghệ sĩ. Tuy nhiên, nó được trình bày có phần hơi “nghệ sĩ”, vì vậy cần phải tường minh hơn thì mới hoàn chỉnh.
Theo tôi, trước hết, cần có sự phân biệt rành rẽ hai nghĩa không trùng nhau của khái niệm tư tưởng. Thứ nhất, tư tưởng là một hoạt động tinh thần. Theo nghĩa này, nó đồng nghĩa với tư duy. Vì thế tư tưởng nghệ thuật là một “hình thái nhận thức”, nó đồng nghĩa với tư duy nghệ thuật. Thứ hai, tư tưởng là kết quả của hoạt động tư duy. Theo nghĩa này, tư tưởng nghệ thuật là sản phẩm của tư duy nghệ thuật. Do đời sống ngôn ngữ luôn vận động, càng gần đây, chữ “tư tưởng” được hiểu nghiêng hẳn theo nghĩa thứ hai. Vì vậy, để chỉ hoạt động, người ta dùng chữ “tư duy”, và để chỉ kết quảcủa tư duy ấy người ta dùng chữ “tư tưởng”. Định nghĩa trên đây phần nào nghiêng về nghĩa thứ nhất. Tức là Nguyễn Đăng Mạnh cố gắng định danh  khái niệm tư tưởng nghệ thuật như một hình thái tư duy đặc thù mà ông gọi là “tư duy – tình cảm thẩm mĩ”. Cái mà bây giờ ta vẫn gọi bằng tư duy nghệ thuật. Còn nghĩa thứ hai, tư tưởng là kết quả tư duy của người nghệ sĩ, nghĩa cần phải tường minh hơn, lại chưa thật xác định.
Thứ nữa, là về tính đặc thù của tư tưởng nghệ thuật trong đối sánh với các hình thái tư tưởng khác. Nói đến tư tưởng, thói thường người ta mặc nhiên coi nó là sản phẩm thuần của lí trí. Tư tưởng nào cũng vậy, tư tưởng nghệ thuật thì cũng chẳng khác gì. Cho đến tận gần đây, ngay cả người trong giới sáng tác nghệ thuật cũng còn không ít ngộ nhận về nó. Nhưng, hiểu thế thì không nhận ra nét đặc thù của loại tư tưởng đó. Thiết nghĩ, cần một chút so sánh với hình thái tư tưởng khác, như tư tưởng khoa học chẳng hạn, thì dễ thấy nét riêng của mỗi đằng hơn. Phải tô đậm lại điều đơn giản này : tư tưởng nghệ thuật là tư tưởng được thể hiện trong nghệ thuật và thể hiện bằng nghệ thuật. Không phải ngẫu nhiên mà Bêlinxki đã nhấn mạnh nó bằng cụm từ “Idée poétique”, nghĩa đen là “tư tưởng thơ”, tư tưởng mang tính thơ – tức là loại tư tưởng có thuộc tính thẩm mĩ. Tư tưởng nghệ thuật là sản phẩm của tư duy nghệ thuật, nó vừa giống vừa khác với tư duy khoa học. Tư duy khoa học chủ yếu dựa vào cái đầu lạnh, nghĩa là dựa vào một lí trí có phần đơn thuần. Thao tác căn bản của nó là trừu tượng hoá. Kết quả cuối cùng của nó là những khái niệm trừu tượng. Còn tư duy nghệ thuật là một trạng thái tinh thần đặc thù, trong đó cả lí trí và tình cảm đều vận hành mà vận hành cùng một nhịp với nhau và chuyển hoá sang nhau. Thao tác căn bản của nó là hình tượng hóa. Kết quả cuối cùng của nó là những hình tượng nghệ thuật sống động súc tích. Cho nên tư tưởng nghệ thuật không bao giờ tồn tại bên ngoài hình tượng. Theo tôi, bằng cái nhìn đối sánh, có thể thấy tư tưởng khoa học là một đơn thể thuần lí, còn tư tưởng nghệ thuật là một hợp thể gồm cả lí và tình. Nói cách khác, tư tưởng nghệ thuật có sự hoà hợp giữa hai bình diện cảm tính và lí tính. Ở bình diện lí tính, tư tưởng nghệ thuật là một quan niệm. Ở bình diện cảm tính, nó là một tâm trạng (Bêlinxki gọi là trạng thái nhiệt hứng), hay sát hợp hơn có thể gọi nó là một điệu cảm xúc. Do tính chất hoà hợp đặc thù này, mà có thể hình dung tư tưởng nghệ thuật như quan niệm đã hoá thân thành tâm trạng, hay một tâm trạng đã thấm nhuần quan niệm. Nếu chỉ thấy/xem tư tưởng nghệ thuật như một quan niệm đơn thuần, một mệnh đề trừu tượng (nghĩa là bình diện thuần lí tính), thì đó chỉ còn là dạng hoá thạch của tư tưởng, chứ chưa phải dạng sống động của tư tưởng vậy. Hình dung như thế, khái niệm tư tưởng nghệ thuật dễ xác định hơn chăng ? Với người nghiên cứu, nhận ra nét đặc thù này của tư tưởng nghệ thuật là điều không dễ. Nhưng không nhận ra tất sẽ nhầm lẫn với những hình thái tư tưởng khác. Từ đó, có thể rút ra vấn đề phương pháp tiếp cận tư tưởng là: cần phải thấy được tính hợp thể của nó, nghĩa là phải thấy được cả phía lí tính (quan niệm) cả phía cảm tính (điệu cảm xúc) hòa hợp trong một nhất thể.
Có lẽ cần nói thêm về mối liên hệ thuộc bản thể của khái niệm /đối tượng này. Ta khẳng định ở bình diện lí tính, tư tưởng nghệ thuật là một quan niệm, vậy nó là quan niệm gì ? Nó là sự hoà hợp của hai thứ quan niệm ở người nghệ sĩ : quan niệm thẩm mỹ và quan niệm nhân sinh. Quan niệm thẩm mĩ trả lời câu hỏi thế nào là đẹp ?còn quan niệm nhân sinh trả lời câu hỏi thế nào là hạnh phúc ? Gộp lại có thể chỉ là một câu thôi : Thế nào là giá trị ? Quan niệm ấy sẽ chi phối toàn bộ việc cảm nhận và thể hiện thế giới bằng nghệ thuật ở từng nghệ sĩ. Tìm kiếm tư tưởng của một nghệ sĩ, về thực chất, là tìm quan niệm đó. Chừng nào chưa thấy quan niệm đó, chừng ấy tư tưởng thật sự của nghệ sĩ vẫn còn là ẩn số. Ở bình diện cảm tính, tư tưởng là một điệu cảm xúc. Nó là gì vậy ? Nó là hệ thống cảm xúc  đã hoá thân vào văn bản nghệ thuật. Nghĩa là thái độ cảm xúc đã được hình thức hoá. Vậy điệu cảm xúc biểu hiện ở đâu ? Biểu hiện đậm đặc nhất trong giọng điệu nghệ thuật của mỗi tác phẩm/tác giả. Vì lẽ đó, phải tìm được giọng điệu nghệ thuật của tác phẩm/tác giả thì mới nắm được thực sự tư tưởng nghệ thuật trong đó.
Vài chục năm nay, Thi pháp học được giới thiệu và ứng dụng vào Việt Nam. Đó là hướng nghiên cứu nhiều triển vọng. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng các hướng nghiên cứu chân chính không bao giờ đối lập loại trừ nhau. Thi pháp học hầu như không nói đến khái niệm “tư tưởng nghệ thuật”. Mà nói nhiều đến khái niệm “quan niệm nghệ thuật”. Tinh thần bao trùm của Thi pháp học hiện đại là tìm kiếm những “hình thức mang tính quan niệm”. Nhà thi pháp học truy tìm những quan niệm ẩn náu trong/sau mỗi hình thức cụ thể cảm tính. Điều này hoàn toàn khác chăng ? Không hẳn. Như đã phân tích ở trên, thực chất của tư tưởng là các quan niệm, nên hai khái niệm này không đối lập, loại trừ nhau, mà trái lại đã gặp gỡ nhau trong chiều sâu của nó. Như thế, người tìm kiếm tư tưởng nghệ thuật của nghệ sĩ và người tìm kiếm quan niệm nghệ thuật của nghệ sĩ sẽ gặp gỡ nhau ở cuối con đường, dù đường đi nước bước có vẻ không hoàn toàn giống nhau.
Cần khẳng định rằng, phần ý thức lý thuyết có thể chưa rành mạch hẳn ra thế, nhưng phần ứng dụng cụ thể trong các công trình của Nguyễn Đăng Mạnh thì căn bản đều theo tinh thần như thế.
Dấn thân vào chuyện này là một mạo hiểm. Không chỉ vì đây là một vấn đề khoa học chông gai, mà còn vì đây là vấn đề nhạy cảm. Khi mà người sáng tác hãy còn yên chí với sự bao cấp về tư tưởng, còn tự mãn trong sứ mệnh minh hoạ, việc xới lên vấn đề tư tưởng riêng quả là không tiện chút nào. Nhưng khoa học chân chính thì không được né tránh. Né tránh thì yên thân, nhưng quyết là không thể tới được chân lý. Từ khi tường minh điều này, ông đã xem đó như một tín niệm. Dựa vào khái niệm tư tưởng của mình, ông đã khảo sát các đối tượng. Nhờ vận dụng khá nhuần nhuyễn mà ông đã thành công trong việc nghiên cứu và nắm bắt tư tưởng của nhiều nhà văn thuộc giai đoạn này: Nguyễn Tuân, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Xuân Diệu, Tô Hoài, … và sau nữa: Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương…
Theo tôi, trong lĩnh vực học thuật, viết được một bài hay là khó, nhưng còn dễ; viết được một cuốn sách hay, cũng khó, song cũng còn dễ; để lại một tư tưởng, một phương pháp, hơn nữa, một lý thuyết, khó hơn nhiều. Ở ta, người làm văn học sử, đào sâu vào thực tiễn không phải là ít. Nhưng phần lớn là chỉ tích lũy được những kinh nghiệm. Từ kho kinh nghiệm quí báu của một đời nghiên cứu ấy, khái quát thành phương pháp luận có ý nghĩa lí thuyết, thì hiếm hoi. Số người có thể làm được điều này rất ít. Có thể còn trội về kinh nghiệm hơn là lí luận, và cũng chưa thể nói là thành một lí thuyết hoàn chỉnh, nhưng cuốn Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn thuộc vào sự hiếm hoi này.
*
Việc Nguyễn Đăng Mạnh trở thành cây bút phê bình văn học xem như đã là một tất yếu. Ông đã nhiều lần tâm sự rất đơn giản về cái lẽ tất yếu này, rằng là phải giảng dạy nên phải nghiên cứu, do nghiên cứu văn học mà dấn lên viết phê bình văn học. Từ bục giảng đến trường văn trận bút có vẻ như một hệ quả liên hoàn. Tuy nhiên, ông có một quan niệm riêng về phê bình. Trước hết, ông đề cao lối phê bình – nghiên cứu. Có thể chỉ viết về một tác phẩm nhưng nhất thiết phải nghiên cứu toàn bộ tác giả. Có như thế mới nói trúng, mới bắt được mạch và mới lý giải được thành công hay thất bại của từng sáng tác đơn lẻ. Lối điểm sách, đọc sách thời vụ cập nhật, không gắn với nghiên cứu tác giả, ông cho là không có triển vọng gì. Quan niệm này đúng là của một người nghiên cứu bước vào sân phê bình, tiêu biểu cho lối phê bình đại học, và cũng tiêu biểu cho quan niệm hiện đại về phê bình. Con đường Nguyễn Tuân đến bút kí chống Mỹ được kể là sản phẩm trình làng của ông theo quan niệm đó. Ông viết về một tập kí của Nguyễn, nhưng đã khảo toàn bộ tư tưởng và phong cách tác giả, dựng lại cả con đường đi của nhà văn, từ đó mới chỉ ra và cắt nghĩa được từng thành bại trong văn phẩm này của Nguyễn. Khi in lần đầu trên Tạp chí Văn học, hồi Hoài Thành còn là thư kí toà soạn, nhà phê bình đàn anh này đã nói rằng: phê bình hiện đại phải viết như thế. Cả đời cầm bút, ông thuỷ chung với lối phê bình này. Bài phê bình nào của ông, dù ngắn đến đâu cũng là sản phẩm đầy công phu, đầy dấu vết lao tâm nhọc trí. Rồi, ông còn phân loại  phê bình làm hai lối: một là, tìm đến văn chỉ để nói chuyện văn; hai là, tìm đến văn chỉ là cái cớ ban đầu để quay hẳn sang nói chuyện đời. Lối trước, thông thường; lối sau, mới cao giá. Tất nhiên, còn cầm bút, ông còn gắng phấn đấu theo lối sau. Có thể nói đó là phía nghệ sĩ trong quan niệm về phê bình của ông. Đọc những trang phê bình của ông thấy chuyện văn cũng sâu mà chuyện đời cũng sắc, cả hai dìu dựa nhau trong mỗi ý văn. Một ví dụ bất kì: “Lâu nay – ông bình giảng truyệnChữ người tử tù của Nguyễn Tuân, nói về những nhân cách cao thượng, người ta thường nhấn mạnh đến tinh thần gang thép, đến cái “vô uý”, cái không biết sợ trước những lực lượng thù địch (…) Ba nhân vật Huấn Cao, con người “chọc trời khuấy nước”, đến “chết chém ông còn chẳng sợ”, ta không cần nói cũng rõ. Nhưng người quản ngục và viên thơ lại cũng gan góc ngang tàng lắm chứ! Đó là những con người dám thách thức với những đòn trừng phạt ghê gớm có thể giáng xuống đầu, nếu “âm mưu” của họ – bí mật biệt đãi “tên phiến loạn nguy hiểm” – bị cáo giác. Nhưng thử nghĩ mà xem, con người không biết sợ cái gì trong đời này cả, liệu có phải là con người không? Cái gì cũng “vô uý” cũng tỏ thái độ sắt thép, nghĩa là không biết mềm lòng trước bất cứ một cái gì, đấy là loại quỷ sứ chứ đâu phải là người! Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân dạy cho người ta hiểu rằng, muốn nên người phải biết kính sợ ba điều này: cái tài, cái đẹp và cái thiên tính tốt của con người (thiên lương). Vậy, kẻ nào không biết sợ gì hết, đó là loài quỷ sứ. Loại người này, thực ra rất hiếm hoi, hay nói đúng hơn, không thể có được. Nhưng loại người sau đây thì chắc không ít: sợ rất nhiều thứ, nhất là quyền thế và đồng tiền, nhưng đối với cái tài, cái đẹp và cái thiên lương thì lại không biết sợ, thậm chí sẵn sàng lăng mạ giày xéo. Đấy là hạng người hèn hạ nhất thô bỉ nhất, đồi bại nhất” 3. Trong những dòng như thế, không còn phân biệt được đâu là chuyện văn, đâu là chuyện đời nữa. Quan niệm phê bình quay sang nói chuyện đời ở đây không phải theo lối đứng trên bề mặt trang văn kiễng chân lên để nói vọng vào đời, mà là những trải nghiệm đời đã gặp được văn, mượn chuyện văn chương để cùng bàn chuyện nhân sinh. Thực chất, phê bình là một hoạt động tư tưởng mà. Nó không thể ăn theo sáng tác. Phê bình chỉ tìm ở sáng tác nguồn cảm hứng, sự cộng hưởng mà thôi. Cũng cần nói rằng, quan niệm đúng chưa chắc đã sinh ra những sáng tạo hay. Để gặt hái được thành công khiến giới văn học xem ông là một trong những nhà phê bình hàng đầu Việt Nam nửa cuối thế kỉ XX, thì chủ yếu phải nhờ vào một nội lực đủ mạnh để thuỷ chung với quan niệm.
Gần đây, các công trình phê bình của ông được chọn vào cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại, chân dung và phong cách. Có thể xem cuốn sách này là tinh hoa phê bình Nguyễn Đăng MạnhĐơn giản vì những gì tiêu biểu nhất cho phong cách của ông đều họp mặt ở đây. Đối tượng ông ham mê nhất là tác giả. Điều ông rành nhất ở một tác giả là tư tưởng và phong cách. Lối viết bao trùm nhất là phê bình – nghiên cứu­. Kiểu tâm đắc nhất là phê bình – chân dung… Thì ở đây có cả.
Hình như người ta có chia phê bình làm hai lối chính : phê bình hàn lâm và phê bình nghệ sĩ. Mỗi lối có ưu thế. Và có vẻ phân liệt nhau. Hàn lâm thì mạnh về khảo cứu, lí lẽ tự biện, ưu đầy đủ, hệ thống, lớp lang. Nghệ sĩ thì mạnh thụ cảm, ngẫu hứng, sống động, thích xoáy vào những ấn tượng tài tử. Lối thứ nhất xem ra hợp với những cây bút đại học. Nó là sở trường và dường như cũng là giới hạn của họ. Lối thứ hai, cố nhiên, hợp với cánh nhà văn. Ngoài một số người ta là ta mà lại cứ mê ta 4, còn thì khối người cứ đứng bờ bên này mà thèm thuồng bên kia. Nhưng có thật ai cũng thuộc về một trong hai ô thuốc bắc ấy không ? Thực tế bao giờ cũng đa dạng chứ không nghèo thế. Trong đời thực đâu cso thiếu những người đã xé rào. Cũng không thiếu người sinh ra để hoà giải. Nguyễn Đăng Mạnh là xé rào hay hoà giải ?
Đọc hàng loạt bài viết hồi đầu về Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Xuân Diệu, Nguyên Hồng, Nguyễn Khải, Hồ Chí Minh, Tố Hữu… thấy ông nghiên về lối hàn lâm. Điều này dễ hiểu. Chẳng phải điểm xuất phát của ngòi bút này là bục giảng đại học hay sao? Phê bình của ông cất lên từ những nghiên cứu tử công phu vào tư tưởng và phong cách tác giả. Ấy là một nhà khoa học viết phê bình. Cái tên của tập sách đầu cho thấy ông có ý thức rõ về cái chỗ rất mạnh của mình là sự am tường về Tư tưởng và Phong cách của tác giả văn học. Nhưng phê bình của ông, theo như Hoàng Ngọc Hiến, là phê bình có văn. Đương nhiên không phải là thứ “làm văn” – nghĩa là văn hoa sáo sậu. Các nhận định sắc sảo thường thấm đẫm tâm huyết. Kiến giải tỉnh táo khách quan mà không thiếu đồng cảm. Câu văn không chỉ sáng trí mà còn nồng tình. Có chất văn là do thế chứ đâu phải chuyện trang sức bề ngoài. Cứ đọc những bài: Mâu thuẫn cơ bản trong thế giới quan và sáng tác Vũ Trọng Phụng, Mấy ý nghĩ nhỏ về một phong cách lớn, Đọc Cửa biển, nghĩ về Nguyên Hồng và tiểu thuyết, Thương tiếc nhà văn Nguyên Hồng, nhất là bài Nguyễn Tuân… hẳn người đọc sẽ có khoái thú được thấy khoa học và văn chương như hai nửa của cái ngòi bút vẫn hợp lại nơi đầu ngòi để gieo xuống trang giấy từng nét chữ, từng câu văn vậy. Thế nên tôi cứ đinh ninh ông là nhà khoa học trong ý nghĩ và là nghệ sĩ trong diễn đạt. Nhưng không hẳn. Tôi ngờ rằng đến bài Mấy lần được gặp nhà văn Nguyên Hồng, ông có ý thức chuyển hẳn lối viết. Phê bình – nghiên cứu quen thuộc của ông bắt đầu có nét của một diện mạo mới phê bình – chân dung. Bài ấy tất nhiên là chưa hay mấy. Thử nghiệm mà. Đến những bài về Xuân Diệu, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Đình Thi… thấy nhuần nhuyễn hơn. Còn loạt bài được viết vài năm trở lại đây về Tô Hoài, Nguyễn Khải, Chế Lan Viên, Nguyễn Lương Ngọc, Chính Hữu, Nguyên Ngọc… thì rõ ra là chân dung văn học rồi.
Hình như vào buổi ban sơ của thể loại, chân dung văn học là một lãnh địa của sáng tác. Và người viết thường chỉ chú trọng đến con người nhà văn bên ngoài trang văn. Bấy giờ, chân dung nghiêng về bút kí, hồi kí hơn. Từ việc chưng cất những kỉ niệm sống, người ta có thiên hướng dựng hình ảnh nhà văn lên như một hình tượng nhân vật theo kiểu sáng tác. Về sau, tình hình khác dần. Người ta thấy ra rằng chân dung còn là một dạng đặc biệt của phê bình. Nó không thể là độc quyền của giới nào. Cánh phê bình chuyên nghiệp đầu quân vào đấy khá hăm hở. Dĩ nhiên là không đơn giản. Dù muốn dù không, đã chân dung tất phải dựng được cái con – người – đời của nhà văn. Làm điều này không thể thiếu những chi tiết sống. Thậm chí phải khắc hoạ ra hẳn thành hình tượng văn học sống động về anh nhà văn ấy. Dân nghiên cứu đơn thuần không thể nói là sở trường về khoản này được. Sở trường của nghiên cứu, có chăng là nắm cái con – người – văn qua tác phẩm thôi. Đã là chân dung văn học về nhà văn thì thiếu một trong hai con người kia, xem ra, không ổn, không đạt. Dứt khoát phải tìm được sự thống nhất giữa con – người – văn và con – người – đời, rồi làm sống dậy trong một diện mạo bằng cách hoà điệu nhuần nhuyễn cả hai vào từng nét vẽ một. Người ta vừa thấy con người nhà văn, vừa thấy được văn nghiệp của anh ta, lại vừa thấy được văn đúng là người trong chiều sâu của nó. Ai bảo không khó? Làm được thế anh phải có cả hai: vừa khoa học vừa nghệ sĩ. Không phải khoa học khi lập ý, nghệ sĩ khi diễn đạt, như hai công đoạn tách rời. Cả hai phải nhuyễn trong một cái tạng tư duy: tạng “hoà giải”. Bởi chân dung văn học thực thụ chính là một thể loại hoà giải.
Ai cũng biết cơ chế hoà giải không phải là một phép cộng giản đơn 50% này với 50% kia. Bao giờ nó cũng có một độ “nghiêng” nào đấy. Chân dung viết về các đồng nghiệp của các cây bút như Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Vũ Bằng, Tạ Tị, Thế Uyên, hay gần đây là của Trần Đăng Khoa… không thiếu nghiên cứu, nhưng rõ ràng chúng nghiêng về lối sáng tác hơn. Còn chân dung được viết bởi Trần Thanh Mại, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đức Bính, Nguyễn Huệ Chi, Vương Trí Nhàn, Đỗ Lai Thuý… thì không thiếu phóng túng tung tẩy, song phần giàu hơn vẫn là tính nghiên cứu. Tôi nghĩ rằng trong làng phê bình đại học, Nguyễn Đăng Mạnh là một cây bút giàu chất nghệ sĩ. Nhưng chất học thuật hàn lâm vẫn nặng căn hơn. Quá trình vượt mình của ngòi bút này, ở một mặt nào đó, chính là gắng vượt thoát chất hàn lâm ấy. Nói đúng hơn, trong mỗi trang viết, ông muốn nhấn chìm phía hàn lâm xuống để cho phía nghệ sĩ bật nổi bên trên. Các trang viết của ông cho thấy ông khá thoải mái đối với luật chơi khắt khe của chân dung. Chúng vừa có chi tiết thực bởi những kỉ niệm của ông với các nhà văn ấy. Lại tạo được cái gạch nối giữa các chi tiết sống kia với các luận điểm về tác giả. Người thích những tư liệu thực có thể lượm ở đây khối chuyện thú vị về nhà văn. Người cần những ý tưởng khoa học có thể tìm ở đó những nhận định tin cậy. Tô Hoài thích kể những chuyện nhếch nhác của con người trong đời thường, thì cũng là người viết với một quan niệm nghệ thuật tương ứng “con người là con người”. Xuân Diệu khi đọc thơ cho người khác nghe, bao giờ cũng vừa đọc thơ vừa minh hoạ bằng toàn thân đầy nhiệt tình, thì nhiệt hứng lớn nhất trong thơ cũng là “niềm khát khao giao cảm với đời”. Nguyên Ngọc ngày thường ưa kể lại những chuyện dữ dội, hào hùng, hoang dã, cũng là một tác giả lãng mạn giàu chất sử thi, là cây bút ham sáng tạo ra những hình tượng, những tính cách đẹp một cách hoang dã như Núp, T’nú, Cụ Mết… Trong khi Chính Hữu lại là mối liên hệ có vẻ như tương phản: ngoài đời chả hay chuyện trò gì, bao giờ cũng thích đi ngủ sớm, nhưng trong thơ lại rất thích hành quân ồn ào náo động… Ngòi bút Nguyễn Đăng Mạnh đã chộp những chi tiết ấy thật tinh và cũng thật tinh … quái. Đọc xong, cái đọng lại không chỉ là một hệ thống kiến giải về phong cách nghệ thuật, tư tưởng nghệ thuật, mà còn hiện lên cả một hình hài. Thế là chân dung văn học chứ sao! Tôi biết có những chân dung ông ngẫm cả một đời nghiên cứu, ông ghi chép trong nhiều cuốn sổ, có lúc tưởng như bất lực, thế rồi nó đã vụt ra trong khoảnh khắc, lối xuất thần. Bài Chế Lan Viên, bài Nguyên Ngọc là thế, nhất là bài Tô Hoài. Có hồi ông tưởng không thể nào nắm bắt nổi tư tưởng Tô Hoài, một cây bút đa dạng, dẻo dai mà ngỡ cứ bằng phẳng như không ấy. Nhưng rồi vào đầu mùa xuân 2001, những suy ngẫm bất chợt chín dậy. Thế là thành bài, một bài hay, một chân dung sâu sắc. Người đọc thấy “rất ra” Tô Hoài. Với trường hợp nào ông cũng cố gắng chộp được cái thần của mỗi vị. Hình như nghiên cứu nắm được con – người – văn rồi, giao du tóm được con – người – đời rồi cũng vẫn chưa dựng được. Phải đưa tất cả vào lòng, nhào nặn thế nào đó mới nổi hình hài, thì mới ra được thì phải. Đọc các bài phê bình kiểu này, cả người đọc khó tính hẳn cũng thấy công phu tâm huyết và tài hoa của ông đã được đền đáp nhiều.
Tôi muốn nói thêm: trước, giọng ông nghiêng về lối trang trọng sử thi nên có phần xa cách và hàn lâm. Càng gần đây giọng điệu có phần thân mật hơn, suồng sã hơn, đời hơn. Hình như chân dung cứ phải thế mới thích hay sao ấy.

Read Full Post »

20:46′, 3/10/ 2008 (GMT+7)- Báo Bình Định

Bài thơ “Đàn ghi-ta của Lorca” của nhà thơ Thanh Thảo lần đầu được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn lớp 12. Bài thơ hay và hiện đại, nhưng lại không dễ hiểu. Chúng tôi đã có cuộc gặp và trò chuyện với nhà thơ Thanh Thảo về bài thơ này.
* Thơ Thanh Thảo “dành mối quan tâm đặc biệt cho những con người sống có nghĩa khí, nhân cách ngời sáng dù số phận có thể ngang trái…” (sách Ngữ văn 12 nâng cao). Nhưng bên cạnh vấn đề chung ấy, điều gì đã thôi thúc, để ông viết nên bài thơ “Đàn ghi-ta của Lorca”?
– Thực ra, dù tôi có những mối quan tâm như sách giáo khoa nâng cao nói, thì khi viết một bài thơ cụ thể, như bài  “Đàn ghi-ta của Lorca”, mối quan tâm chính của tôi chỉ là một hình ảnh gợi mở, một âm hưởng hay một nhịp điệu mơ hồ nào từ đâu đó, chứ tuyệt nhiên không có một “vấn đề” nào cả! Anh hỏi tôi có gửi lời tri âm hay ký thác nào vào bài thơ ấy không, tôi xin trả lời rất thật là tôi không biết. Khi làm thơ thì chỉ từ ngữ gọi từ ngữ, nhịp điệu đẩy đưa nhịp điệu.
Dĩ nhiên, Lorca là một nhà thơ mà tôi hết sức ngưỡng mộ, cả về thi ca lẫn cuộc đời và cái chết của ông đều gây cho tôi nhiều xúc cảm và ấn tượng. Chính những hình ảnh và nhạc điệu trong nhiều bài thơ Lorca đã dẫn dắt tôi khi viết bài thơ “Đàn ghi-ta của Lorca” mà tôi coi như một khúc tưởng niệm ông.
* Nhà thơ Pháp Verlaine nói “Thơ trước hết là nhạc”. Đọc “Đàn ghi-ta của Lorca”, tôi có cảm giác như được nghe một bài hát ca ngợi cái chết bi tráng và sự bất tử của Lorca do một nghệ sĩ hát rong đang ôm đàn ghi-ta biểu diễn. Ông có thể nói rõ thêm về tính nhạc của thi phẩm này?
– Tôi rất sợ bài thơ của mình được liên tưởng với hình ảnh một ca sĩ (hay hát rong) ôm đàn ghi-ta hát vang lên trong nhà hát hay giữa phố đông người. Đúng như Verlaine nói, thơ trước hết là nhạc, nhưng đó là “nhạc của thơ” chứ không phải âm nhạc bảy nốt hay ngũ cung bát âm. Về nhạc tính trong bài thơ này thì như tôi đã nói, chính nhạc tính trong nhiều bài thơ Lorca đã dẫn dắt tôi khi viết bài thơ này. Và tôi muốn dùng lại một số hình ảnh (dĩ nhiên đã biến cải) cũng như mơ hồ một vài theme (đề tài) nhạc trong thơ Lorca khi viết bài này. Tôi nghĩ, ở mức độ nào đó, mình đã làm được điều mình muốn. Cũng như nhiều bài thơ ngắn khác của tôi, bài “Đàn ghi-ta của Lorca” được viết liền một mạch, trong một khoảng thời gian rất ngắn, sau khi ngồi chơi và đàm đạo về thơ Lorca với vài người bạn tâm đắc.
* “Những tiếng đàn bọt nước/ Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt/ li-la li-la li-la/ đi lang thang về miền đơn độc/ với vầng trăng chếnh choáng/ trên yên ngựa mỏi mòn”. Qua mấy dòng này, ông như đang “bắn những tia hồi quang” còn đọng lại trong ký ức về xứ sở Tây Ban Nha. Điều ấy có trùng hợp với ý nghĩ của ông không?
– Tôi chưa thật rõ lắm câu hỏi của anh. Có lẽ, theo tôi đoán, anh muốn biết tôi đã đưa một số hình ảnh được coi là “đặc trưng Tây Ban Nha” như “áo choàng đỏ gắt” hay “hát nghêu ngao”… vào thơ mình như thế nào? Thực ra, đúng như anh nói, đó là những hình ảnh về Tây Ban Nha đã lặn sâu vào tôi từ khi tôi đọc những tác phẩm của Hemingway – một nhà văn người Mỹ. Mãi cách đây mấy năm, tôi mới có dịp ghé qua Barcelona, trong khi bài thơ này đã viết cách đây ngót 30 năm, nên những hình ảnh Tây Ban Nha mà tôi có được đều qua sách vở. Cách biểu đạt này theo tôi cũng không mới mẻ gì, nhưng nó thích ứng trong bài thơ này, khi Lorca được coi là “con họa mi Tây Ban Nha”. Lorca có câu thơ tôi thuộc lòng từ 40 năm nay, qua bản dịch Hoàng Hưng: “Con ngựa đen/vầng trăng đỏ”, còn hoa lila (hoa lys, hoa huệ tây) thì không chỉ có ở Tây Ban Nha, nhưng dường như nó đã đi vào một tác phẩm nào đó viết về Tây Ban Nha mà tôi nhớ. Với lại, li-la còn gợi âm thanh như một cú “vê” ghi-ta, cây đàn mà người Việt mình hay gọi là “Tây Ban cầm”. Một không khí hơi mờ ảo, những hình ảnh lãng đãng… là những gì tôi có được về xứ sở Andalusia mà tôi cảm nhận qua thơ Lorca và tôi đã cố gắng đưa vào bài thơ mình. May mà nó lại… được.
* Trong bài có nhiều hình ảnh gợi cảm “tiếng đàn bọt nước”, “vầng trăng chếnh choáng”, “yên ngựa mỏi mòn”… Những hình dung từ này có vai trò gì trong thể hiện chủ đề của bài thơ, thưa ông?
– Thực ra, tôi dùng những “hình dung từ” ấy một cách tình cờ thôi, hoàn toàn không cố ý. Tôi vẫn làm thơ như vậy, không cố ý, không “mài giũa ngôn từ”. Những liên hệ (nếu có) giữa các tổ hợp từ ấy trong bài thơ đều gắn một cách vô thức với số phận Lorca. Những “chếnh choáng”, “mỏi mòn”, “bọt nước” dường như có gần xa ám ảnh cuộc đời Lorca, chúng ám cả vào thi ca của ông. Ai nghĩ, “bọt nước” sẽ biến mất không để lại dấu vết là nhầm. Bọt nước lúc hiện lúc tan, nhưng tan rồi lại hiện. Nó mỏng manh nhưng không thể bị tiêu diệt. Thơ cũng vậy. Thơ Lorca càng vậy.
* Xin cảm ơn nhà thơ.
  • Cát Văn (Thực hiện)

Read Full Post »

  • Hoàng Ngọc Hiến

http://www.newwestend.org.uk/images/whats_book.jpgVăn học là “ nghệ thuật ngôn từ”. Quan niệm này nhấn mạnh một đặc trưng của văn học (phân biệt văn và những loại hình nghệ thuật khác). Ở ta, có một thời giảng văn là giảng chính trị. Sau khi nắm được đặc trưng nói trên, việc truyền đạt các nội dung của tác phẩm văn học được thực hiện trên cơ sở bám lấy từ. Nhưng phương pháp dạy văn bám lấy từ (cho đúng với đặc trưng các bộ môn) thường được thực hiện hết sức thô thiển, máy móc, trong thực tiễn dạy văn của nhiều giáo viên văn, “bám lấy từ” có nghĩa là:
– Chỉ ra trong câu, trong đoạn của bài văn một số từ và nói rằng nội dung như thế này, như thế kia là ở những từ này, từ nọ (học sinh cũng làm như vậy).
– Tinh tế hơn, thì chỉ ra trong câu hoặc đoạn văn những mỹ từ pháp: điệp ngữ, ẩn dụ, đảo ngữ, so sánh, điệp âm, hoán dụ…
Đây là bám lấy từ một cách hình thức, là chủ nghĩa hình thức trong dạy văn, hiệu quả có khi còn tồi tệ hơn cách dạy nói chính trị hoặc xã hội học thoát ly văn bản. Đặc biệt học sinh thường bám lấy từ một cách hết sức vụng dại, ngô nghê.
Cái hay của bài văn không phải ở bản thân những từ và mỹ từ pháp ấy, mà chính là ở nội dung được truyền đạt một phần và chỉ một phần thôi nhờ vào những từ và mỹ từ pháp ấy.
Chỉ những câu thơ có “nhãn tự” thì chỉ ra được những “ nhãn tự” là đầy đủ ý nghĩa, những câu thơ như vậy là rất hiếm. Giáo viên nhiều khi chỉ làm công việc gọi tên những mỹ từ pháp trong bài văn. Điều quan trọng trong giảng văn là nói cho được nội dung đã khởi sắc hơn, lấp lánh hơn nhờ vào mỹ từ pháp như thế nào. Không nói được những điều này thì việc gọi ra tên những từ và mỹ từ pháp trở thành một việc làm vô nghĩa. Bám lấy từ chỉ là một việc làm vô nghĩa. Bám lấy từ chỉ là một cách để làm sáng tỏ nội dung. Còn nhiều cách khác. Giáo viên có thể tạo  ra nhiều liên tưởng bên ngoài văn bản, bên ngoài tác phẩm. Bám lấy từ chỉ là bước đầu để tiếp cận nội dung của bài văn có khi là ở “ sự im lặng giữa những từ”.
Cách dạy văn bám lấy từ như đã nói ở trên đương trở thành một tai họa phổ biến ở trường phổ thông, thực chất là một cách làm việc vu vơ, lười nghĩ.
“ Văn học là nghệ thuật ngôn từ”. Ngôn từ không chỉ bao gồm từ, mỹ từ. Trong tác phẩm văn học, câu văn phải có hồn. Ngay trong một bài viết lý luận mà câu văn có hồn thì còn “văn học” hơn một bài thơ giàu hình ảnh nhưng câu thơ không có hồn (điều này có thể cảm nhận được rất rõ mặc dù nói cho ra được điều này không dễ). Câu văn có hồn là câu văn có giọng, ngữ điệu, bởi vì từ ngữ của bài văn được chọn có thông báo nhiều điều quan trọng nhưng bài văn không có giọng đọc lên vẫn nhạt nhẽo vô vị. Sự phong phú, tính đa nghĩa, ý vị đậm đà của bài văn trước hết là ở giọng. Năng khiếu văn ở phần tinh tế nhất là năng lực bắt được trúng cái giọng của văn bản mình đọc và tạo ra được giọng đích đáng cho tác phẩm mình viết. Bắt được giọng đã khó, làm cho học sinh cảm nhận được cái giọng càng khó, công việc này đòi hỏi sáng kiến và tài tình của giáo viên. Về phương diện này quan điểm của nhà nghiên cứu văn học M.B. Khravchenko tiếp cận tác phẩm văn học như một “ kết cấu các giọng điệu”, như một “ hệ thống các ngữ điệu”, như một “gam ngữ điệu” là một luận điểm có ý nghĩa phương pháp luận quan trọng đối với công việc giảng văn. “Hơi văn”, “văn khí”, “giọng văn”…đó là những khái niệm rất cơ bản của các tác phẩm văn học. Người Pháp có câu “ Cest le ton qui commande la musique” ( Chính cái giọng chi phối bài nhạc). Ở những áng văn hay, cái giọng của câu văn mở đầu có ý nghĩa quyết định cho sự cảm nhận cảm hứng chủ đạo và nội dung của toàn bộ tác phẩm. Nhà văn Marquer có thuật lại sau khi viết xong truyện Giờ rủi ro, ông đã đầy đủ tư liệu để viết Trăm năm cô đơn nhưng ông không thể nào cầm bút viết vì chưa tìm được giọng. Mãi năm năm sau ông mới tìm được giọng thích đáng: đó là cách kể của một bà già nói về những chuyện hoang đường, siêu nhiên bằng một giọng hết sức tự nhiên. Chỉ khi ấy, tác giả mới viết được. Phải mấy năm mới tìm ra giọng. Hóa ra giọng kể có khi còn quan trọng hơn câu chuyện được kể rất nhiều! Muốn hiểu Truyện Kiều phải bắt được cái giọng của tác giả trong sáu câu triết luận mở đầu. Điều quan trọng trong đoạn mở đầu này không chỉ ở luật oái oăm, ác hại trong “cõi người ta”: tài mệnh tương đố, bỉ sắc tư phong, hồng nhan bạc mệnh. Điều quan trọng hơn cả là cái giọng mỉa mai, hờn mát, đay đả của tác giả khi nói đến những luật này:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau
Tác giả không thản nhiên ghi nhận cái luật oái oăm này. Thái độ tác giả bao hàm nhiều sắc thái. Từ “khéo là” có bao nhiêu nghĩa thì cái giọng của tác giả biểu hiện ở đây có bấy nhiêu sắc thái: mỉa mai, hờn mát, bỡn cợt, châm chọc… “Tài mệnh tương đố” không phải là tư tưởng của Truyện Kiều. Triết lý của Truyện Kiều là ở cái giọng của tác giả khi nói về tư tưởng này, nói ở chữ “khéo là” xen vào câu “tài mệnh tương đố”.
Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen
Cũng như cách phân tích ở trên, “bỉ sắc tư phong”, “hồng nhan bạc mệnh” không phải là tư tưởng đích thực của Truyện Kiều. Ở đây cái giọng của tác giả rất rõ. Trước luật cõi đời và luật của trời, Nguyễn Du là một người đáo để với cái giọng đay đả, đay nghiến của ông: “Lạ gì…” ở đây bộc lộ một thái độ dè bỉu, bực tức,  chán ngán. Khi ta nói “ lạ gì anh ấy” thì hoặc là ta dè bỉu, hoặc là ta bực tức, hoặc là ta chán ngán…anh ấy, chắc không phải là một thái độ thiện cảm.
Cái giọng văn của Nguyễn Du khi nói đến luật “hồng nhan bạc mệnh” bao hàm một thái độ đối với “trời xanh”, một cái giọng xẵng và có thái độ xấc. Với thái độ ấy và cái giọng ấy, nhà thơ có chửi luôn cả trời thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Nếu như “ trời xanh quen thói” thì sự “ má hồng đánh ghen” không thể là một điều tốt lành. “ Quen thói “ có nghĩa là làm theo quán tính. Có thể nói “ quen thói hại người”, không bao giờ nói “quen thói giúp người”. Làm điều thiện, dù rất nhỏ bao giờ cũng đòi hỏi sự nỗ lực. Mỗi lần làm điều thiện là một lần nỗ lực mới. Có thể làm điều thiện theo quán tính, nhưng như vậy có còn là thiện nữa không?
Trong câu tục ngữ “ Ăn không nên đọi, nói không nên lời” thì “nói không nên lời” là một sự đau khổ của con người. Năng lực văn nhất thiết phải bao hàm năng lực nói nên lời. Có ý, có từ đấy nhưng vẫn lúng túng chưa thành câu, hoặc câu văn có thành thì tẻ nhạt, bởi vì còn thiếu cái quan trọng nhất: thiếu khẩu khí, thiếu hơi văn, chưa có ngữ điệu, giọng điệu thích đáng. “Vạ miệng” nhiều khi chỉ là do không tìm được một giọng thích đáng để trình bày chân lý. Khi người ta có cảm hứng, dường như giọng và ngữ điệu nảy sinh trước và từ ngữ dường như được gọi đến thể hiện ngữ điệu và giọng điệu thành lời, thành câu. Lời và văn hình thành như vậy thường rất hoạt. Người giỏi văn không chỉ là dồi dào ý, giàu từ ngữ mà còn giàu ngữ điệu, giọng điệu. Mỗi lần cần đến, có thể tìm được ngay giọng nói hoặc ngữ điệu thích đáng. Vả chăng, ý hình thành chưa rõ, chưa dứt khoát nhừo giọng điệu trở thành rõ hơn, dứt khoát hơn. Người dạy văn giỏi tạo ra nhiều ngữ điệu, giọng điệu thích đáng, đa dạng, ăn sâu vào cảm nhận của học sinh và đây là một phần quan trọng trong tiềm lực văn của học sinh. Cảm hứng nào, giọng điệu ấy; nhưng cũng có thể ngược lại, giọng điệu định hướng sự hình thành cảm hứng. Ở trường phổ thông, đặc biệt cấp cơ sở, học thuộc lòng để thuộc ngữ điệu, tiết tấu cũng như đọc diễn cảm để thấm các giọng điệu của bài văn là hết sức quan trọng. Cũng phải thể tất cho giáo viên văn đôi khi “nói trạng” ở lớp. Tuy có lan man ngoài đề nhưng sự giàu có ngữ điệu và giọng điệu ở người có tài “trạng” sẽ để lại sự cảm nhận của học sinh những điều có khi còn quý giá hơn kiến thức. Đấy là chưa nói không khí hào hứng tạo ra trong lớp hết sức cần thiết cho sự cảm thụ văn học. Nói trạng hay cũng là một tài năng.
“ Văn học là nghệ thuật ngôn từ”. Dạy văn không chỉ có dạy ngôn từ, còn có một mục tiêu cơ bản hơn là xây dựng và bồi dưỡng ý thức ngôn từ. Có ý thức về sức khỏe còn quan trọng hơn là có sức khỏe. Có ý thức về ngôn từ là có ý thức về tính tích cực chủ động và khả năng sáng tạo của mình trong việc tiếp nhận và sử dụng vốn ngôn từ của xã hội. Là người có ý thức – không cứ gì trong đọc văn hay đọc sách báo, mà ngay cả trong giao tiếp hằng ngày- thường xuyên nhặt nhạnh những từ ngữ độc đáo, những cách nói đích đáng, những cách diễn đạt thần tình làm giàu cho vốn từ ngữ của mình, thường xuyên tiếp nhận những giọng điệu, ngữ điệu làm giàu cho khẩu khí, văn khí của mình.
Để bồi dưỡng ý thức ngôn từ cho học sinh, ở những lớp dưới, có thể cho các em làm quen với những cách nói láy, chơi chữ tài tình. Ở những lớp trên, có thể phân tích từ nguyên của từ, cảm nhận sự lấp lánh nghĩa đen và nghĩa bóng trong ngôn ngữ, cảm nhận sự trả lại nghĩa đen cho từ được dùng theo nghĩa đen, giúp cho các em thử nghiệm việc xé những cụm từ cố định để làm sống lại nghĩa của từ bị lờn mòn trong cụm từ cố định…Chẳng hạn, thường ta nói “ đau lòng”, khi Nguyễn Du nói “ đau đớn lòng” thì cụm từ cố định “đau lòng” bị xé ra và đau đớn làm sống lại ý nghĩa đích thực của từ “đau”. Tìm những thủ pháp nhằm kích thích, bồi dưỡng ý thức ngôn từ của học sinh, đó là một lĩnh vực còn mới mẻ của giáo học pháp giảng văn và đương chờ đợi những tìm tòi, sáng kiến của giáo viên văn học.


Có thức ngôn từ là có ý thức về sức mạnh của ngôn từ. Hơn ai hết, các nhà văn có ý thức về sức mạnh này. “Tôi biết sức mạnh của ngôn từ…ngôn từ là tướng của đạo quân sức mạnh con người” ( Maiakovsky). Nghĩa của ngôn từ càng hèn kém đi thì xã hội càng ít thành đạt trong tất cả những biểu hiện của nó. Ngôn từ là chìa khóa cho “tất cả”.

(In trong Những ngả đường vào văn học, NXB Giáo dục, 2006)

Read Full Post »

Sự khác nhau trong quan niệm về thơ của
Xuân Diệu và Chế Lan Viên
Nguyễn Văn Khánh
Trong tiến trình lịch sử văn học Việt Nam, không có trào lưu văn học nào đủ sức làm nên Một thời đại trong thi ca (lời tổng kết của Hoài Thanh) như phong trào Thơ mới (1932-1945). Sở dĩ tác phẩm có được điều đó là do số lượng và chất lượng đặc biệt phong phú, mới mẻ và độc đáo của các tác giả, tác phẩm thơ. Mỗi hiện tượng thơ dù trong quá khứ hay đang hiện hữu trên thi đàn, nếu thực sự có giá trị thì luôn tạo được sự hấp dẫn đối với công chúng và sự quan tâm luận bàn của thế giới nghiên cứu. Xuân Diệu và Chế Lan Viên là những nhà thơ như thế.
Cả hai ông đều là những nhà thơ lớn của nền thơ ca hiện đại Việt Nam thế kỷ XX mà sự tìm hiểu nghiên cứu vẫn nằm trong hệ thống mở, nó như một dòng chảy dạt dào không bao giờ ngừng nghỉ. Sự nghiệp văn học của hai ông mang một nghĩa đặc biệt quan trọng, đặt cơ sở cho việc xây dựng nền lý luận thơ ca hiện đại Việt Nam ở cả hai phương diện lý luận và thực tiẽn sáng tác.
Những điều hay, vẻ đẹp, nét độc đáo trong thơ của hai ông đã được phân tích nghiên cứu ở nhiều cấp độ và bằng nhiều phương pháp khác nhau. Tất cả đều đã đem đến những đóng góp khám phá mới đầy lý thú, trong đó có vấn đề quan niệm về thơ. Quan niệm về thơ thực chất là cách nhìn nhận đánh giá, cách hiểu về bản chất, chức năng, nhiệm vụ, mục đích của thi ca. Vậy quan niệm về thơ bộc lộ ở đâu và bộc lộ như thế nào qua hai nhà thơ lớn Xuân Diệu và Chế Lan Viên?
Thực tế cho thấy: quan niệm về thơ được bộc lộ khá rõ nét qua thơ, qua các bài phê bình tiểu luận, thậm chí ngay ở trong những lời trao đổi mạn đàm… của chính nhà thơ đó. Tuy ở mỗi thể loại, quan niệm về thơ bộc lộ với dáng vẻ và diện mạo khác nhau, nhưng xuyên chuỗi lại ta thấy nổi lên những quan điểm nhất quán mang tính quy luật trong quan niệm nghệ thuật của từng tác giả cụ thể.
Với Xuân Diệu, quan niệm bao trùm thơ đó là sự sống. Quan niệm này chi phối cả cuộc đời lao động sáng tạo của ông. Nó không chỉ nhấn mạnh đến tầm quan trọng và mối quan hệ hữu cơ giữa thơ với cuộc sống mà còn có tác dụng phê phán những quan niệm thần bí, thoát ly và dung tục hóa thơ. Với ông, chân lý cuối cùng, chân lý cao nhất, suy đến cùng vẫn là cuộc sống. Chân lý thứ hai mới là chân lý nghệ thuật thể hiện trong tác phẩm thơ ở ngôn ngữ, hình ảnh, nhịp điệu, từ ngữ, âm thanh...
Trước Cách mạng, tuy nhiều lúc Xuân Diệu cảm thấy: Rợn ở trong hồn một luồng gió heo may lạnh toát, hay:
Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt
(Vội vàng)
nhưng nỗi buồn và sự cô đơn đó xét ở chiều sâu của vấn đề lại là do quá yêu mê cuộc sống. Yêu đến mức đắm say ngấu nghiến, cuồng nhiệt nên Xuân Diệu luôn có cảm giác e sợ, phấp phỏng. Vì:
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian;
Nói làm chi răng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại.
(Vội vàng)
Mặc dù là một nhà thơ lãng mạn, luôn say đắm trong tình yêu, thoáng qua, tưởng là thơ thoát ly hiện thực nhưng trái lại đó chính là niềm khát khao giao cảm với đời của Xuân Diệu. Trong thơ ông không thiếu những vần thơ thể hiện rõ quan niệm về mối quan hệ máu thịt giữa nhà thơ với cuộc đời hay cuộc đời với nhà thơ.
Tôi chỉ là một cây kim bé nhỏ  
Mà vạn vật là muôn đá nam châm.
(Cảm xúc)
hay
Kẻ đựng trái tim trìu máu đất 
Hai tay chín móng bám vào đời.
Khái quát hơn, Xuân Diệu quan niệm bản chất của thơ “là sự cộng thêm vào thực tại một tâm hồn, một trí tuệ, một tình cảm, một sáng tạo” hay nói cách khác, từ hiện thực cuộc sống, thông qua tâm hồn trí tuệ, biết lọc lấy tinh chất và “đóng con dấu riêng” của cá tính sáng tạo và tác phẩm là những khía cạnh thuộc bản chất của thơ.
Khi quan niệm về nhà thơ, Xuân Diệu cho rằng làm thi sĩ là một cuộc đấu tranh, một sướng vui trong gian khổ. Người làm thơ không thể không trải qua một sự “rèn luyện cật lực”, phải chân thực đừng mượn hơi người khác thổi cái bong bóng của mình. Nhà thơ còn phải có tài, có vốn sống sâu rộng có bản lĩnh, phải biết hy sinh cho thi phẩm của mình. Ông khẳng định: “Tôi sáng tác vậy thì tôi tồn tại”, hồn vía của nhà thơ là ở cây bút và tác phẩm.
Trong quy trình sáng tạo thơ, theo Xuân Diệu cái chính không phải là vấn đề kỹ thuật mà cái chính phải là ở chất cảm xúc. Nhưng nói như thế không có nghĩa là ông không coi trọng kỹ thuật làm thơ. Trái lại, Xuân Diệu là một trong những nhà thơ có quan niệm hết sức nghiêm túc, công phu, tỷ mỷ và sâu sắc về nghề thơ, “công việc bếp núc” của nhà thơ. Tấy cả những điều đó đặng đi đến một quan niệm có tính chất then chốt, điểm đến cuối cùng, hay điểm hội tụ các quan niệm về thơ của ông. Đó là chất lượng của thơ. Xuân Diệu quan niệm một bài thơ hay cũng cho biết được cả một tác giả, hay “tính sổ xong, cái còn lại của các nhà thơ là những bài thơ hay”. Ông quan niệm thơ hay là “một vấn đề quan trọng, một vấn đề nền tảng”. Việc ông khẳng định thơ hay và phê phán thơ dở là làm tăng mỹ cảm cho người đọc, góp phần nâng cao chất lượng thơ.
Tóm lại, với Xuân Diệu, quan niệm nhất quán, bao trùm: Thơ là sự sống tươi trẻ, say mê, nồng ấm; thơ là sản phẩm của cảm xúc, của trí tuệ, là tinh chất cuộc đời. Thơ là cuộc sống mà “Đã là cuộc sống, thì chẳng bao giờ chán nản”.
Khác với Xuân Diệu say sưa trong tình yêu, luôn khát khao giao cảm với đời, Chế Lan Viên đi riêng một ngả xuống cõi âm, qua bãi tha ma đầy yêu tinh, ma quỷ, sọ người, để rồi trở về cõi ta và bay lên vũ trụ.
Trước hết cần phải thấy rằng thơ Chế Lan Viên không như thơ Xuân Diệu đi từ trái tim đến với trái tim. Vì thơ ông là thứ thơ triết mỹ, màu sắc nhận thức luận. Một thứ thơ mà chính ông quan niệm: “không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh, không chỉ ơ hời mà còn đập bàn quát tháo lo toan”.
Nếu như Xuân Diệu chủ yếu lấy phê bình tiểu luận để bàn về nghề thơ và thể hiện quan niệm về thơ thì “Chế Lan Viên là nhà thơ sử dụng thơ để bàn luận về nghề nghiệp làm thơ một cách say sưa nhất, đầy đủ nhất”. Từ quan niệm về “thơ loạn”, “thơ điên” đến thơ có ích, thơ hay, thơ dở, từ trách nhiệm công dân đến thiên chức nghệ sĩ của người làm thơ, từ tưởng tượng đến cảm xúc, từ hình ảnh ngôn ngữ đến chất trí tuệ trong sáng tạo nghệ thuật…, Chế Lan Viên đều không ít lần đề cập tới.
Những quan niệm về thơ đó được diễn đạt bằng một thứ ngôn ngữ sinh động và tài hoa vừa giàu chất thơ vừa giàu chất triết lý. Nó đồng thời vừa phản ánh quan niệm về thơ của chính tác giả vừa phản ánh quan niệm về thơ của cả một thời kỳ lịch sử. Ông đã từng khái quát quan niệm về thơ xưa và nay:
Thơ xưa hay than mà ít hỏi  
Đảng dạy ta thơ phải trả lời
Trong mỗi thời điểm lịch sử cụ thể, quan niệm về thơ khác nhau dẫn đến hình thức thơ cũng không giống nhau. Bản thân ông rất chân thực khi chỉ ra sự cần thiết của việc đổi giọng thơ. Đó là một bước tiến bộ trong quan niệm về thơ của Chế Lan Viên.
Xưa tôi hát mà bây giờ tôi tập nói  
Chỉ nói thôi mơi nói hết được đời.
Quan niệm về thơ của Chế Lan Viên khác với quan niệm về thơ của Xuân Diệu. Với Xuân Diệu, ngay từ thời Thơ thơ Gửi hương cho gió đến sau này Tôi giầu đôi mắt, Hồn tôi đôi cánh, Thanh ca… ta thấy quan niệm về thơ của ông thường thì luôn có sự nhất quán. Khi đã ở tuổi sáu mươi, bản thân Xuân Diệu đã nói một cách tổng hợp về đời thơ và quan niệm làm thơ của mình: “Tôi muốn nói rằng tôi là cũ và tôi là hiện đại, và cả hai phương pháp sáng tác, hai “hồn thơ”, hai giai đoạn lịch sử của nước tôi hòa lẫn trong tôi… Tôi không chút nào từ bỏ các sáng tác về nước mình… Tôi tìm thấy hạnh phúc giàu có hơn, sáng tạo hơn trong khi ở với cha tôi là Nhân dân và mẹ tôi là Tổ quốc”. Trong khi đó quan niệm về thơ của Chế Lan Viên phức tạp, khúc khuỷu hơn nhiều. Trước Cách mạng ông từng quan niệm: “Thi sĩ không phải là người, nó là người Mơ, người Say, người Điên”. Lúc đến với Cách mạng, đến với nhân dân, ông như được tái sinh:
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa,
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa.
(Tiếng hát con tàu)
Khi Nghĩ về thơ, trước kia, Chế Lan Viên thấy Cho ai cũ thơ tôi làm ướt áo thì Nay họ về sưởi dưới nắng thơ tôi. Và nhà thơ giờ đây mang một sứ mạng và một vị trí cao cả:
Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy Bên những chiến sĩ đuổi xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi
(Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng)
Đến cuối đời, với bao trải nghiệm, cả vinh quang và cay đắng, quan niệm về thơ của ông, ở những phương diện nào đó, đã có những đổi thay. Khác với những lúc tự hào với tư thế của nhà thơ đứng trên đầu thù “viết những vần thơ lửa cháy”, Chế Lan Viên có lúc phải chua chát mà thốt lên “Tôi chỉ là nhà thơ cưỡi trâu” hay “Vị trí nhà thơ như rác đổ thùng”.
Trong sự nghiệp thơ ca của mình, Chế Lan Viên đã phải trải qua bao chặng đường tìm tòi sáng tạo gian khổ. Mạch thơ ông từ thủa Điêu tàn đã biểu lộ sự day dứt, trăn trở suy tư. Sau hòa bình, thơ ông vẫn nặng về triết lý, chính luận và càng về cuối đời nhu cầu nhận thức luận trong ông càng khẩn thiết, day dứt hơn. Sự trăn trở, dày vò dường như bao trùm trong quan niệm về thơ của ông. Ông có cả một bài thơ mang tên Quan niệm thơ:
Làm thơ xưa như ông từ trịnh trọng vào đền
Như chú rể lần đầu sang nhà bố vợ
Như thần tử quỳ trước ngôi mặt Chúa
Như là người mọc cánh thành tiên…
Làm thơ ngày nay như người diễn xiếc…
Làm thơ chứ không để thơ làm…
Cho nên cả trước và sau cách mạng, thơ ông đều nhằm mục đích khám phá thực tại và khám phá chính bản thân. Từ quan niệm làm thơ tức là điên tới quan niệm thơ là vũ khí tinh thần của giai cấp, của dân tộc chống kẻ thù và đến cuối đời lại đầy mâu thuẫn, chơi vơi. Quả thực quan niệm về thơ của Chế Lan Viên luôn vận động và biến đổi không ngừng.
Khi sáng tạo thơ ca, ông luôn quan niệm phải bứt phá, vượt khỏi những gì tầm thường đơn điệu và tẻ nhạt. Cho nên thơ Chế Lan Viên thường chú trọng khai thác những yếu tố nghịch lý, những mặt đối lập đầy mâu thuẫn nhưng cũng rất thống nhất trong nội dung và hình thức, giữa hiện tượng và bản chất, giữa cái xấu và cái đẹp, giữa tồn tại và hư vô… Những câu thơ nặng trĩu ưu tư của một con người đã đi gần hết chặng đường đời mà dường như vẫn ngơ ngác:
Ôi! con đường không ra đường của kẻ tìm thơ
Cái thơ không ra thơ của kẻ tìm đường
Đã gần hết thời gian của tôi ở trên trái đất.
(Tìm đường – Di cảo I)
Nếu như Xuân Diệu quan niệm thơ luôn phải là tiếng nói của tình cảm và sự nghiệp thơ ông cũng đã chứng minh điều đó, thì Chế Lan Viên dường như lại quan niệm thơ là tiếng nói của trí tuệ. Từ trí tuệ mà tác động đến trái tim. Nhưng phẩm chất trí tuệ, hay tư tưởng triết học trong thơ Chế Lan Viên không phải ông cố tình hay gắng gượng tạo ra như thế mà thực chất là một biểu hiện mang tính tự thân như bản thân nó vốn là như thế.
Cũng giống như Xuân Diệu chẳng quan tâm lắm đến cái chết của bản thân mình và không mấy khi viết về cái chết, trong khi đó tồn tại và hư vô, cái sống và cái chết trong quan niệm của Chế Lan Viên luôn là nỗi ám ảnh rất sâu và rất nặng, ngay từ khi còn trẻ với những bài thơ đầu tiên về nghĩa địa, bãi tha ma, máu xương, sọ người đến những bài thơ cuối đời với Lò thiêu, Giờ báo tử, Xe tang qua nhà, Giàn hỏa… Tất nhiên, sự ra đi của Chế Lan Viên không đột ngột như Xuân Diệu, cái chết của ông như được biết trước, hay nói đúng hơn ông đang chờ chết. Bởi vậy, sẽ là có cơ sở khi có người đánh giá: “Chế Lan Viên có lẽ là nhà thơ viết nhiều nhất về cái chết”. Với Xuân Diệu, ông viết về cái chết một cách nhẹ nhõm thanh thản coi như phần nối dài của cuộc sống nhưng ở một tầng bậc khác. Bởi khi đến với cái chết, ông vẫn đắm say với cuộc sống như vẫn đang hằng sống. Đó là quan niệm của ông trong bài thơ:
Hãy để cho tôi được giã từ  
Vẫy chào cõi thực để vào hư
Trong hơi thơ chót dâng trời đất
Mà vẫn say tình đến ngất ngư.
Hay “Khi chết rồi tôi sẽ yêu ma”. Trong khi đó, Chế Lan Viên viết về cái chết quả không hề nhẹ nhõm thanh thản mà chứa chất báo nỗi khắc khoải day dứt, bao dằn vặt đắng cay chua xót về cuộc đời, về thế thái nhân tình, về những điều làm được và những điều còn dang dở. Có lẽ bài thơ Người nữ tù đan áo là bài thơ chứa đựng nhiều nỗi ám ảnh của Chế Lan Viên:
Đợi bản án tử hình. Chị đem áo ra đan
Áo đan xong Bản án chửa thi hành.
Chị lại tháo áo ra đan lại,
Nào biết đêm nay lệnh bắn bất thình lình!
Tác phẩm viết giữa ngày xử án và ngày hoãn án
Anh phải viết sao cho khi ra đi thì chiếc áo đã thành.
Cuộc sống đang sống mà ông cảm thấy như ở “giữa ngày xử án và ngày hoãn án” cùng bao công việc ngổn ngang và bao câu hỏi còn bỏ ngỏ thì căng thẳng, nặng nề và khổ sở biết bao? Đó cũng là quan niệm về cuộc đời trong thơ Chế Lan Viên. Và đến lượt mình quan niệm về cuộc đời của mỗi nhà thơ lại chi phối và in đậm dấu ấn trong quan niệm về thơ. Điều này có ý nghĩa lý luận quan trọng cho việc tìm hiểu và nghiên cứu các hiện tượng thi ca.
Tóm lại, trong tiến trình phát triển của lịch sử văn học dân tộc, so với mười thế kỷ thơ ca trung đại trước đó, tuy có những điểm khác nhau trong quan niệm vể thơ nhưng có thể nói đóng góp lớn nhất của hai nhà thơ Xuân Diệu và Chế Lan Viên là sự cách tân trong quan niệm sáng tác và thi pháp thơ ca. Và chính sự cách tân sáng tạo đó đã ghi một dấu ấn không phai mờ trong văn học hiện đại Việt Nam thế kỷ XX trên hành trình hòa nhập vào quỹ đạo chung của văn hóa nhân loại.
N.V.K
_______________
Tài liệu tham khảo
– Hà Minh Đức, Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998.
– Phan Cự Đệ, Văn học lãng mạn Việt Nam (1930-1945), Nxb Văn học, Hà Nội, 2002.
– Mã Giang Lân, Tiến trình thơ hiện đại Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2001.
– Lý Hoài Thu, Thơ Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám – 1945 (Thơ thơ và Gửi hương cho gió), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998.
– Nguyễn Bá Thành, Thơ Chế Lan Viên với phong cách suy tưởng, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1999.
– Lưu Khánh Thơ (Tuyển chọn và giới thiệu), Xuân Diệu về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1999.
– Nguyễn Văn Khánh, Quan niệm về thơ của Xuân Diệu, Luận văn Thạc sĩ khoa học ngữ văn, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003.

Read Full Post »

Tư liệu Nguyễn Bính

Nguyễn Bính và hành trình đi tìm cái đẹp
Trần Thị Trâm
Trong Phong trào thơ Mới, “Xuân Diệu là người “mới nhất”, Hàn Mạc Tử “lạ nhất” và Nguyễn Bính “quê nhất” (1). Chính cái hương quê đậm đà ấy đã làm nên sức hấp dẫn của thơ ông:
Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa
(Mưa xuân)
Dù trong giai đoạn nào, thơ Nguyễn Bính cũng đạt kỷ lục về xuất bản và vẫn chiếm được nhiều cảm tình của độc giả. Ngay cả hôm nay, sau những giờ làm việc căng thẳng, nhiều người lại lặng lẽ tìm về với những vần thơ trong lành, thánh thiện của ông như một sự ngơi nghỉ cho tâm hồn trở nên thanh tĩnh, để được sống lại trong khung cảnh xóm thôn yên ấm hòa mục, trong bầu khí quyển của văn hóa dân gian nghìn đời và được ru lòng mình trong điệu hồn dân tộc:
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
(Chân quê)
Giống như cảm giác hạnh phúc thơ trẻ của ngày hội trường, ta lại được trở về với những năm tháng của thời niên thiếu thần tiên:
Những buổi học về không có nón
Đội đầu chung một lá sen tơ
(Trường huyện)
Bạn đọc có cảm tưởng rằng: dường như những vần thơ của thi nhân đã được dệt từ hương hoa đồng nội, từ hương chanh, hương bưởi, từ sự ấm áp của thứ trầu quế thơm nồng, từ sắc tầm xuân tím biếc…, như được chiết xuất từ bao trầm tích văn hóa của một vùng quê yêu dấu. Tất cả trở nên sâu lắng trong thứ ánh sáng thông tuệ và minh triết dân gian, nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, tạo nên một sức quyến rũ độc đáo vừa gần gụi vừa cao khiết. Vẻ đẹp đó huyền ảo, như mơ như thực. Trong sương khói bảng lảng của cõi mơ ấy, người ta thấy một mình Nguyễn Bính âm thầm, lặng lẽ, ngậm ngùi, đơn côi làm cuộc hành hương đi tìm cái đẹp đã bị đánh mất.
Tất cả những bài thơ hay nhất của tác giả đều được cấu trúc theo cảm hứng này. Cùng thời Nguyễn Bính, Nguyễn Tuân cũng đặt cược cả đời mình vào mục đích đi tìm cái dư âm, dư ảnh của một thời đã qua trong niềm hoài niệm khôn nguôi. Nhưng trong khi thi sĩ đồng quê Nguyễn Bính thiên về kiếm tìm vẻ đẹp dung dị của dân gian thì Nguyễn tiên sinh lại ráo riết đi săn lùng cái đẹp kiêu sa của văn hóa bác học với những nét đẹp kỳ thú sang trọng mang đậm màu phú quý: nào nhâm nhi chén trà sương buổi sớm, ngắm dò lan nở lúc trăng lên, thậm chí cả cái đẹp rờn rợn của cảnh bữa tiệc máu hay chém treo ngành… Dĩ nhiên trong mỗi nền văn hóa có những quan niệm nghệ thuật riêng. Một bên là vẻ đẹp tươi mát đầy sức sống phồn thực của nàng thôn nữ yếm thắm hoa đào, còn bên kia là vẻ khuê các của người con gái chốn lầu son gác tía. Là yếu tố nội sinh, so với văn hóa bác học, văn hóa dân gian mang đậm bản sắc dân tộc hơn nhiều, như một mẫu số chung của cả cộng đồng. Vì vậy ảnh hưởng của nó tới xã hội rất lớn. Điều này cũng góp phần quan trọng vào việc cắt nghĩa tính đại chúng của thơ Nguyễn Bính.
Sau hơn sáu mươi năm, đọc lại những tập thơ trước cách mạng của ông, chúng ta không khỏi giật mình, ngưỡng mộ: chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn mà thi nhân đã dâng tặng cho đời cả thảy 7 tập thơ – bẩy tập thơ tinh huyết trong vòng 3 năm: Lỡ bước sang ngang (1940), Tâm hồn tôi (1940), Hương cố nhân (1941), Một nghìn cửa sổ (1941), Người con gái ở lầu hoa (1942), Mây Tần (1942), Mười hai bến nước (1942). Trong số mấy trăm bài thơ ấy có bao nhiêu bài đã trở thành những câu thơ trong trí nhớ rồi bất tử. Những con số biết nói đó đã đủ minh chứng cho bút lực phi thường của một tài năng độc đáo trong cái nền chung của cuộc phục hưng văn hóa dân tộc đầu thế kỷ XX. Đó là một ẩn số đang cần lời giải đáp. Cũng như nhiều cây bút đương thời, ông ít có điều kiện học hành. Nhưng người trí thức bình dân Nguyễn Bính đã sớm hội tụ được mã di truyền của cả hai dòng văn hóa, song gien trội của thi nhân lại thuộc về văn hóa mẹ. “Tiếp thu trọn vẹn tinh hoa của nền văn minh thôn dã, nền văn hóa xóm làng” (2), là nguyên khí của đất trời hội tụ, Nguyễn Bính đã trở thành một thần đồng thơ vùng quê nghèo nước mặn đồng chua. Ngoài ảnh hưởng của cuộc giao lưu văn hóa Đông Tây thì điều cốt yếu làm nên một Nguyễn Bính tài hoa chính là những giá trị truyền thống. Cội nguồn dân tộc đã nâng cánh cho ông, giúp ông dễ dàng băng mình bay lên hòa cùng nhân loại, làm tâm hồn thi nhân thăng hoa rồi xuất thần mà có được những câu thơ tinh tế, mang phong cách thời đại: tân kỳ nhưng lại không hề gợn cảm giác bị thất cước:
Đã thấy xuân về với gió đông
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong
(Xuân về)
Nhưng khác với nhiều nhà thơ cùng trang lứa, Nguyễn Bính chỉ tập trung tinh lực đi tìm chất thơ của cuộc đời, tách chúng khỏi cuộc sống cơm áo nhiều nhiễu sự đa đoan. Dường như ông chỉ tiếp cận đối tượng từ một điểm nhìn nghệ thuật duy nhất trong chiều sâu văn hóa. Dưới thứ ánh sáng tinh khiết ấy, tất cả những hình ảnh của cuộc sống nơi thôn dã mộc mạc, quê kiểng được tinh lọc và chưng cất; qua tâm hồn nhạy cảm của người thơ Nguyễn Bính, chúng đã trở thành những bức mẫu họa về cùng một đề tài vĩnh cửu – đề tài văn hóa, tạo thành một dòng chảy đầy sức sống phồn thực.
Chú tâm đi tìm lại hình hài đất nước qua những giá trị thuần Việt trong quá khứ, ống kính của thi nhân luôn luôn chỉ dọi về phía làng quê (nếu có nói đến thị thành thì cũng chỉ với mục đích đối sánh để thấy mặt trái của văn hóa thị thành mà thôi), nơi được coi là một pháo đài bền vững, là mảnh đất lưu giữ nhiều mã di truyền văn hóa dân tộc nhất. Làng quê của Nguyễn Bính là làng quê văn hóa. Ông chỉ đặc biệt quan tâm đến phần con người văn hóa trong mỗi con người và những khoảnh khắc văn hóa trong cuộc đời từng nhân vật. Đọc thơ Nguyễn Bính ta không bắt gặp những người nông dân chân lấm tay bùn mà chỉ thấy những cô gái trong khung cửi e ấp, trinh nguyên, anh lái đò đa cảm với những giấc mơ trở thành quan trạng, cô thiếu nữ ngây thơ đang mải mê bắt bướm ngoài vườn, đôi bạn học trò chung đầu chiếc lá sen tơ ướp nhị hờ, nàng sơn nữ hái mơ thơ thẩn trong rừng chiều êm ái, những cặp trai gái tương tư hò hẹn nơi đầu đình lúc đỏ đèn, một cô dâu thẹn thùng nức nở trong ngày hạnh phúc, người hàng xóm xinh đẹp với một mối tình mong manh vừa giăng tơ, một đôi bạn bé con rủ nhau ra vườn nhặt hoa bưởi chưng nước hoa rồi ngây thơ bôi lên mái tóc… Thoảng gặp là một bậc từ mẫu phong lưu trong ngày tết giữa sân gạch tường hoa, trong ngày cưới cô con gái rượu, hay ngày chớm đông tay mẹ khéo léo luồn chiếc mền bông chăm chút cho sự đủ đầy của cái tổ ấm gia đình rất đỗi nề nếp. Còn hầu như tất cả được bao phủ trong một khí quyển của tình yêu rất nhẹ, rất thanh, không pha màu sắc dục, vừa đủ để đắm say nhung nhớ. Đó là những con người tinh hoa của cộng đồng làng xã, mang trong dòng máu những giá trị văn hóa ngàn đời. Nhưng những biến thiên trong buổi giao thời đã làm cho họ bắt đầu thay đổi:
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều
(Chân quê)
Cuộc đời dâu bể, phũ phàng trong phút chốc đã biến bao “cô Kếu trở thành gái tân thời”, rất nhiều giá trị truyền thống đẹp đẽ đang bị mai một, phôi pha. Trong cuộc xâm thực dữ dội của văn hóa phương Tây những quốc bảo, quốc túy, quốc hồn đang có nguy cơ bị đánh mất. Nặng lòng với dân tộc, không nguôi day dứt, ông đã cố sức gắng gỏi, như người thợ khổ công đãi cát tìm vàng, “bòn mót lại những giá trị của một nền văn hóa dân gian đang vơi cạn”(3). Tháng tháng ngày ngày, Nguyễn Bính cứ một mình đăm đắm mong níu kéo lại cái đẹp trong quá khứ, loay hoay tìm cách bất tử hóa nó để gìn giữ cho muôn đời sau:
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh
(Chân quê)
Khát khao tìm lại được những cái đẹp đã bị đánh mất, giữa buổi xô bồ, ông đưa con người về soi ngắm dưới một hệ hình quy chiếu cổ truyền. Nhân vật của ông hầu như chỉ được đặt dưới thứ ánh sáng của tình yêu vĩnh cửu. Trong khi phái cấp tiến đang ráng sức cổ vũ cho lối sống đầy vội vàng, giục giã:
Hãy sát đôi đầu hãy kề đôi ngực
Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài
Những cánh tay hãy quấn riết đôi vai
Và dâng cả tình yêu lên sóng mắt
(Vội vàng – Xuân Diệu)
thì Nguyễn Bính lại thống thiết với những mối tình lãng mạn mang nặng chất platonique kín đáo, nghiêm túc mà theo ông phẩm hạnh quan trọng nhất vẫn là sự thuỷ chung. Một tình yêu duy nhất, lý tưởng- thứ tình yêu sẽ dẫn đến hôn nhân:
Trăng tròn chỉ một đêm rằm
Tình yêu chỉ có một lần mà thôi.
(Ca dao)
Nhưng mơ ước vẫn chỉ là ước mơ, trước cơn lốc phũ phàng của cuộc đời, những điều ông nâng niu tôn thờ đều có nguy cơ bị mờ khuất, rồi băng hoại:
Lòng em như quán bán hàng
Dừng chân cho khách qua đường mà thôi
(Em với anh)
Thất vọng trong tình yêu, chán chường vì thời cuộc, ông trở lại với cái tôi cô đơn mộng mị như một căn bệnh trầm kha của thời đại. Tất cả những mối tình ông dụng công xây đắp đều tan vỡ, mọi mối lương duyên chỉ đi đến kết cục lỡ làng.
Khát khao tìm lại cái đẹp đang có nguy cơ bị đánh mất, ông đã chẳng ngại dấn thân vào chốn giang hồ để tìm lại quê hương: khi lên Hà Nội, khi vào Huế, lúc đến tận Hà Tiên xa lắc… Nghệ thuật giãn cách đã giúp Nguyễn Bính tìm lại được quê hương trong mộng tưởng. Từ sâu thẳm của cõi tâm thức, qua nỗi nhớ da diết, khắc khoải của người xa xứ, quê hương hiện lên trong ánh hào quang với những nét yêu kiều mới lạ. Chỉ còn lại là những giá trị văn hóa đẹp đẽ. Chỉ còn lại là những kỷ niệm êm đềm, thiêng liêng: những hội hè đình đám, tết lễ, cưới hỏi, những điệu hát chèo ngọt ngào duyên dáng, những đêm sáng trăng sáng cả vườn chè… Tiếng hát chèo được ông nói đến nhiều nhất bởi hồn dân tộc thấm đẫm trong từng câu hát… Nam Định quê ông chính là một trong những cái nôi đã sản sinh ra loại hình ca kịch truyền thống dân tộc nhất và cũng dân gian nhất ấy. Những mã di truyền văn hóa vùng đã tuôn chảy trong mỗi tế bào làm ông không những rất say mà còn đàn ngọt hát hay:
– Hội chèo làng Đặng hát thâu đêm
Em mải tìm anh chả thiết xem…
(Mưa xuân)
– Năm qua làng Thượng hát chèo
Giai làng lân cận dập dìu sang xem
(Cô nữ phường chèo)
Dưới góc nhìn văn hóa, khung cảnh trong thơ Nguyễn Bính chỉ là những khung cảnh văn hóa, chỉ xuất hiện toàn những không gian văn hóa như: vườn cây, gốc đa, bến nước, sân đình, nương dâu, bãi mía, mái lá gianh nghèo…
Ông đặc biệt quan tâm đến không gian vườn, một không gian văn hóa, nơi hò hẹn để chín nhớ mười thương. Khung cảnh lao động ở đây là khung cảnh vừa nên thơ, vừa kín đáo khác với lao động vất vả ngoài đồng, tạo nên một chất xúc tác để những mối tình giăng tơ duyên lại bén duyên. Vườn xuất hiện nhiều trong thơ ông, thôi thì đủ loại: nào vườn cam, vườn chè, vườn hồng, vườn chanh, vườn chuối, vườn cau, vườn dâu… và ánh sáng thông tuệ của trái tim đã mách bảo thi nhân có được những thứ vườn rất mơ hồ: vườn cổ tích, vườn Ngự uyển, vườn Thanh, vườn cũ, vuờn hoang, vườn ai, vườn Tiên… trong cõi mơ xưa:
– Có phải ngày xưa vườn Ngự uyển
– Là đây hoa cỏ giống vườn Tiên
– Vườn Thanh qua đấy năm xưa
– Bướm tiên khi đã lạc vào vườn hoang…
Nhiều nhất là vườn hoa, với bao nhiêu là hương sắc đồng nội, mà hoa bao giờ chẳng mang ý vị biểu trưng cho cái đẹp của tự nhiên ban phát. Nào là hoa chanh, hoa bưởi, hoa cau, hoa ngâu, hoa cam, hoa cải, hoa gạo, hoa sen, hoa soan, hoa lài, hoa lý, hoa mơ, hoa mận, hoa hướng dương, hoa cúc, hoa bèo hoang dại và tím ngắt…
– Vườn ai thấp thoáng hoa đào nở
– Ra vườn nhặt những hoa cam rụng
– Xuân đến hoa mơ hoa mận nở
– Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
– Em đi từ độ hoa sen nở
– Sớm đào trưa lý đêm hồng phấn
– Hoa mai trắng xóa dưới chân đồi
Và cơ man nào là bướm: nào bướm trắng, bướm vàng, bướm nâu, bướm đen, bướm chúa… Những cánh bướm xinh đẹp duyên dáng như những vị xứ giả mang bức thông điệp, những lá bùa nhiệm màu của tình yêu thả vào những trái tim tương tư, làm cho người ta thêm nhung nhớ, giận hờn, say đắm:
Qua dậu tầm xuân thấy bướm nhiều
Bướm vàng vàng quá bướm yêu yêu
(Hết bướm vàng)
Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng
Thấy con bướm trắng thường sang bên này
(Người hàng xóm)
Em ạ ngày xưa vua nước bướm
Kén nhân tài mở điệp lang khoa
Vua không kén trạng vua thề thế
Con bướm vàng tuyền đậu thám hoa
(Truyện cổ tích)
Trong bức tranh văn hóa mà Nguyễn Bính vất vả kiếm tìm, người ta không thấy thời gian ba chiều thông thường mà bắt gặp rất nhiều thời gian ảo – thời gian văn hóa: là mùa xuân gắn liền với hội hè đình đám, là mùa thu mơ màng huyền ảo, gợi tình cảm mơ mộng xa xăm, là ngày tết lễ cưới hỏi với pháo đỏ rượu nồng, là những giấc mộng vàng triền miên không dứt… Thời gian luôn được tính bằng cách tính duy cảm, theo chu kỳ, tuần hoàn theo kiểu dân gian phương Đông:
Láng giềng đã đỏ đèn đâu
Hẹn em hễ giập miếng giầu em sang
Thời gian như có mặt khắp nơi: khi ẩn tàng trong sắc hoa, trong vật dụng, trong ngôn ngữ, trong không gian, trong cuộc hẹn hò; khi quy tụ, khi dồn nén ngưng đọng, khi tỏa sáng, lúc lê thê, khi vụt đi như một bóng câu… Bởi vậy, sự khác nhau rất cơ bản giữa thơ ông với những người cùng trường phái như: Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân… là ở chỗ: “một đằng là nghệ thuật tĩnh mang tính chất không gian, một đằng là nghệ thuật động mang tính thời gian. Sức trẻ của thơ Nguyễn Bính là ở sự thay đổi cả những cái dường như không thay đổi”(4). Nhờ thế mà thơ Nguyễn Bính bỗng trở nên mềm mại và có một khả năng diễn tả
Vì vậy, trong cuộc hành hương đi tìm cái đẹp đã bị đánh mất, ông đã tìm thấy biết bao giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc. ánh sáng văn hóa, như một cây đũa thần nhiệm màu giúp Nguyễn Bính đánh thức người nông dân ở mỗi chúng ta thức dậy, chính ông đã tìm thấy một “điều quý giá vô ngần: hồn xưa đất nước”(5). Đó là cái quốc hồn, quốc túy, quốc bảo mà cha ông nhiều thế hệ đã gửi gắm cho lớp cháu con hậu thế với nỗi đau đáu đợi chờ. Trên hành trình đi đến tận cùng của cái đẹp, ông đã gặp dân tộc để có được sự giản dị đến lạ lùng. Và nhờ đi đến tận cùng dân tộc ông đã gặp nhân loại.
Hà Nội, tháng 12-2002
T.T.T
_______________
1. Nguyễn Đăng Điệp, Khối tình lỡ của người chân quê, Tạp chí Văn học số 5, năm 1994, tr.29.
2, 3, 4. Đỗ Lai Thúy, Con mắt thơ, Nxb Lao động, Hà Nội, 1992, tr.99, 111, 112.
5. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội, 1992, tr.334.

Read Full Post »

 

Nhân kỉ niệm 12 năm ngày mất Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện Trung tâm N-T xin được trích dẫn một số bài viết viết về Nhà văn hoá Nguyễn Khắc Viện.
ĐỂ HIỂU ĐÚNG NỘI DUNG VÀ Ý NGHĨA bài Con đường trở thành “kẻ sĩ hiện đại” cuả Nguyễn Khắc Viện
(SGK Ngữ văn 12 Nâng cao, tập một)

 

Bài Con đường trở thành “kẻ sĩ hiện đại” được trích từ chương Noi theo đạo nhà trong cuốn sách Bàn về đạo Nho, công trình nguyên văn viết bằng tiếng Pháp đăng trên tạp chí LA PENSÉE (Tư tưởng) số 10 năm 1962 với tiêu đề : Khổng giáo và chủ nghĩa Mác ở Việt Nam.
Tên bài là do người biên soạn đặt dựa vào chủ đề của đoạn trích và gợi ý từ chính lời tác giả cuối đoạn trích nên đặt cụm từ “kẻ sĩ hiện đại” vào trong dấu ngoặc kép là đúng thể thức và có dụng ý hay.
Nguyễn Khắc Viện là một trí thức đa tài nên đã từng được gọi bằng nhiều danh hiệu: bác sĩ, nhà văn, nhà sử học, nhà tâm lý học, nhà xã hội học, dịch giả, nhà báo, nhà hoạt động trính trị…, gọi là gì cũng có lí; nhà báo Trường Giang thích “gọi ông bằng cái chức danh tổng hợp : Nhà văn hoá” (Báo Giáo dục và thời đại, ngày 01 – 03 – 1993); riêng với ông, ông thích nhất tên gọi mà nhiều Việt kiều đã ban tặng: sĩ phu hiện đại hay kẻ sĩ hiện đại. Như vậy, trước hết cụm từ “kẻ sĩ hiện đại” là chỉ đích danh một con người cụ thể: Nguyễn Khắc Viện. Song, trong lịch sử hiện đại Việt Nam, không phải chỉ một mình ông được gọi là kẻ sĩ hiện đại. Chẳng hạn, GS Hoàng Xuân Hãn, “người cùng thời với ông, cùng quê hương Hà Tĩnh, cùng sống một cuộc sống tươi đẹp, cùng đi suốt thế kỉ xx, cùng để lại cho đời nhiều trang sách có giá trị…“, cũng từng được nhiều người gọi là “kẻ sĩ hiện đại”, chỉ có điều khác nhau là “nếu Hoàng Xuân Hãn nghiêng về Tĩnh, nhưng Tĩnh trong Động thì Nguyễn Khắc Viện lại nghiêng về Động, nhưng Động trong Tĩnh” (Phong Lê, Nguyễn Khắc Viện – Phần đời tôi được biết trong Nguyễn Khắc Viện – Chân dung và kỉ niệm, NXB Khoa học Xã hội, H..,2007, tr. 277-291). Như vậy, “kẻ sĩ hiện đại” còn một hàm nghĩa rộng lớn hơn, đúng như SGK Ngữ văn 12 Nâng cao, tập một đã chú thích: “Người trí thức hiện đại thấm nhuần đạo lý nho giáo, có cốt cách của một nho sĩ chân chính“. Ở phần đầu đoạn trích, Nguyễn Khắc Viện còn giải thích “kẻ sĩ tức tri thức” cho nên, có thể mở rộng cách hiểu cụm từ “kẻ sĩ hiện đại” là trí thức hiện đại nói chung.
Nguyễn Khắc Viện tự kể và phân tích quá trình tu dưỡng của mình, song, qua lời kết thúc đoạn trích, có thể thấy ông còn muốn gợi ý về hướng phấn đấu cho những người tri thức của một dân tộc có truyền thống đaọ lí ở đầu những năm sáu mươi của thế kỉ trước, “lúc nước nhà đã sang trang lịch sử” và đã mở ra “những con đường mới”. Đó là hướng hiện đại phải gắn với truyền thống, phải xây dựng trên cơ sở truyền thống. Bước vào thế kỉ XXI, nước nhà cũng đã “sang trang sử” với “những con đường mới” đang mở rộng. Làm thế nào vừa đẩy mạnh hội nhập và giao lưu quốc tế, vừa giữ được bản sắc dân tộc, kế thừa và phát huy được tinh hoa của truyền thống dân tộc, đó là cơ hội đồng thời cũng là thách thức đối với chúng ta. Có đặt vào bối cảnh lịch sử ấy mới thấy hết nội dung và ý nghĩa của bài học, tính chất nhật dụng của văn bản.
Có thể chia đoạn trích thành hai phần (Phần thứ hai từ câu: Nhân Viện Hàn lâm Pháp tặng giải thưởng…) vì hai phần đó đã thể hiện được hai nội dung cơ bản của cả chương Noi theo đạo nhà: Phần đầu chủ yếu nói về “đạo nhà” (trong văn cảnh là Đạo Nho) và phần sau chủ yếu bàn về việc “noi theo” đạo nhà ấy. Nói “chủ yếu” vì nội dung của hai phần không tách bạch một cách rõ rệt mà có những chỗ đan cài nhau, đặc biệt là ở phần sau.
Tác giả giới thiệu “đạo nhà” như một đối tượng để “noi theo” nên đương nhiên là cần nhấn mạnh những mặt tích cực và không thể phân tích toàn diện. Không nên vì thế mà nghĩ rằng Nguyễn Khắc Viện là một người sùng bái Nho giáo. Hình như đoán trước có người sẽ hiểu nhầm thế nên ngay trong cuốn sách, phần nào ông đã thanh minh: “Tôi không phải là tín đồ của Đạo Nho, cũng không phải là một học giả hiểu thấu Nho học. Tôi thuộc một dân tộc đã mấy trăm năm đã thấm nhuần Đạo Nho, là con một gia đình Nho sĩ, truyền thống ấy nằm trong bản tính, dù có muốn bỏ đi cũng không được. Chỉ cố gắng cần nhận thức ra, cần cố gắng giữ lại những gì, bổ sung những gì“. Cũng không nên nghĩ rằng Nguyễn Khắc Viện quá táo bạo khi nhận xét về những học thuyết, tôn giáo khác, đặc biệt là khi ông viết: “Mác trong đạo lí không được nổi bật và cụ thể như trong Nho giáo“. Vì tên gọi của công trình vốn là Khổng Giáo và Chủ Nghĩa Mác ở Việt Nam nên Nguyễn Khắc Viện không thể không liên hệ Nho giáo với Chủ Nghĩa Mác, tìm ra những gì khác nhau và giống nhau, những chỗ tương đồng giữa hai học thuyết, điều kiện khiến cho những Nho sĩ tiến bộ thời cận – hiện đại có thể tiếp thu được Chủ nghĩa Mác. Mác là người sáng tạo chủ nghĩac duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, xây dựng học thuyết kinh tế và chủ nghĩa xã hội khoa học, vũ khí lý luận và hành động sắc bén của giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh chống ách thống trị tư sản. Còn Nho giáo, chủ trương “tu tề trị bình”, lấy “tu thân” làm gốc, nên bàn đến chuyện “đạo lí”, “đạo đức”, “xử thế” nổi bật, cụ thể và rõ ràng hơn là chuyện dễ hiểu. Không phải ngẫu nhiên, ngay trước luận điểm đó, Nguyễn Khắc Viện nhấn mạnh: “Phân tích xã hội, để hiểu rõ lịch sử, xác định đường lối thì Chủ nghĩa Mác hơn hẳn“. Ở lời Bạt của cuốn sách, ông nhắc lại một lần nữa ý đó: “Tôi đồng ý phải đặt nhiệm vụ chính trị thành một trong những nối quan tâm hàng đầu, nhưng không phải chỉ trên cơ sở đạo đức, mà cả trên cơ sở khách quan, kinh tế, quan hệ các giai cấp, các dân tộc, theo tiến trình lịch sử như Mác đã phân tích“.
Trong đoạn trích, Nguyễn Khắc Viện có nhắc đến vài khía cạnh của một vài học thuyết, tôn giáo khác mà ông không không tán đồng song cũng trong “Bàn về đạo Nho”, ở một số chỗ khác, ông lại thừa nhận là các học thuyết và tôn giáo ấy có những điểm hơn hẳn Nho giáo mà chính ông đã tiếp thu: “Đạo Nho không giúp gì tôi trong việc chữa bệnh, tôi đã phải học thêm các thuật Yoga của Ấn Độ và khí công nhu quyền của Đạo giáo. Rồi kết hợp với sinh lí hiện đại, thành thuật dưỡng sinh“. Như đoạn trích đã chỉ rõ, dưỡng sinh là một trong ba hướng tu dưỡng rèn  luyện chính của ông.
Trên đây là những điểm đặc biệt lưu ý khi tiếp cận văn bản Nguyễn Khắc Viện.
Trong phần đầu của đoạn trích, Nguyễn Khắc Viện nêu lên khá nhiều điều tâm đắc về Nhi giáo.
Trước hết là cái gốc duy lí của nó. Ai cũng biết Khổng Tử không nói chuyện quỷ thần, đến những vấn đề có tính chất siêu hình của con người sau lúc chết. Chính “cái gốc duy lí” ấy đã làm cho “đạo Nho không đối lập với khoa học, với học thuyết Mác”.
Điều thứ hai là tính chất nhân bảnlấy con người, lấy cuộc sống xã hội làm gốc“. Trong chương đầu của cuốn Bàn về đạo Nho, ông viết: “Khổng Tử là một trong những nhà tư tưởng đầu tiên của nhân loại đã tập trung mọi sự chú ý của con người vào những vấn đề thuần tuý của con người. Ông là nhà nhân văn chủ nghĩa đầu tiên theo đúng nghĩa của nó. Đọc lại sách Luận Ngữ, ta thấy hầu hết các câu truyện của ông đều xoay quanh chữ Nhân“. Song, Nhân là gì? Gần ba mươi thế kỉ đã troi qua, nhưng cho đến nay, vẫn còn tranh luận về khái niêm này. Theo Nguyễn Khắc Viện “định cho nó một nội dung cụ thể rất khó, vì đó là đức tính tối cao, khiến con người trở thành “Con người” nhất“. Song, “nếu cần phải định nghĩa nội dung chủ yếu thì có thể nêu lên bốn luận điểm:
·        Rộng lượng với mọi người (kỉ sở bất dục, vật thi ư nhân: điều gì mình không muốn, chớ thi hành với người khác).
·        Hiểu biết để có một thái độ đúng trong mọi hoàn cảnh.
·        Dũng cảm nhận trách nhiệm.
·        Giữ mình đúng lễ.
Tóm lại là có tính người, có tình người“.
Như vậy, trong rất nhiều khái niệm của Nho giáo, ông cho Nhân là khái niệm bao trùm, trong đó có bốn thành tố rất quan trọng: thứ (điểm thứ nhất), văn (điểm thứ hai), dũng (điểm thứ ba), lễ (điểm thứ tư).
Nội dung của đoạn này đã được Nguyễn Khắc Viện nhắc lại ở cuối phần đầu của đoạn trích.
Điều tâm đắc thứ ba là vẫn đề xử thế: “Trong mọi tình thế, đối với người này, người khác, với bề trên kẻ dưới, đối xử ra sao. Nhất là đối với ai có quyền lực, vương bá vua quan. Tôn trọng phong tục luật lệ của cộng đồng mà không để mất nhân phẩm của mình. Trung thành mà không ngu trung, không phải vua bảo gì là nhắm mắt tuân theo…Vào đời, kinh bang tế thế, nhưng cũng biết lúc nào cần rút lui, về dạy học, làm thuốc (như thân phụ của ông đã từ quan lúc 52 tuổi. H.H. thêm). “Lên gân” một tí, Mạnh Tử để lại mấy câu bất hủ: “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (Lời Bạt, Bàn về đạo Nho). Trong đoạn trích, Nguyễn Khắc Viện tỏ ra thích thú khi nhắc lại câu chuyện về cách ứng xử của một nhà nho đối với vua Tề.
Nhân tiện, xin dịch đoạn đầu truyện Nhan Xúc thuyết Tề Vương quý sĩ (Nhan Xúc khuyên vua Tề quý trọng kẻ sĩ) trong Chiến Quốc sách để cùng tham khảo:
Tề Tuyên vương tiếp kiến Nhan Xúc, bảo, Xúc, lại đây! Xúc cũng bảo: Vua, lại đây! Tuyên vương không bằng lòng. Các quan tả hữu nói: Vương là vua, Xúc là bề tôi. Vua bảo Xúc lại đây, Xúc cũng bảo vua lại đây, thế có đúng không? Xúc đáp: Nếu Xúc lại là vì ngưỡng mộ quyền thế, nếu vua lại là vì (thực lòng) hướng về kẻ sĩ. Bảo Xúc ngưỡng mộ quyền thế sao bằng khiến vua quý trọng kẻ sĩ?”
Điều tâm đắc thứ tư là tinh thần có mức độ, ứng xử vừa phải của đạo Nho. “Ứng xử vừa phải” có nghĩa là “không cực đoan”. Trong lời Bạt của Bàn về đạo Nho, ông cho đây là điểm mà ông “tâm đắc nhất” và giải thích rõ hơn những điều đã nêu trong đoạn trích: “Đạo này – tức đạo Nho – cũng dạy lòng nhân, nhưng phật thì mở rộng từ bi cho mọi sinh vật, cả con ong cái kiến cũng như con người, Giê-su thì kêu gọi yêu mọi người như bản thân, vì đều là con của Chúa như nhau. Thầy Khổng Tử không cực đoan như vậy, mà bảo yêu mọi người, nhưng tôi yêu bố mẹ tôi, bà con tôi, dân tộc tôi hơn bố mẹ, bà con, dân tộc người khác“.
Các đạo khác dạy lấy ân đáp cả ân và oán, ông Khổng bảo: lấy ân đáp ân, lấy công bằng sáng suốt mà đáp oán. Giê-su bảo: Ai tát anh má phải, cứ đưa má bên trái cho người tát tiếp. Một nhà Nho đối xử khác: bị tát một lần, biét tránh đỡ những cái tát khác, và nếu người ta quá hung hăng, biết tát lại…
Trong phần sau của đoạn trích, nhiều điểm tích cực nói trên của đạo Nho được nêu lại song luôn được trình bày gắn với những trải nghiệm của bản thân, của gia đình, trước hết là thân phụ của tác giả, của các thế hệ tiền bối từ Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm cho đến Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu…Tác giả cho rằng có thông tất cả những trải nghiệm ấy mới hiểu được đạo Nho, mới thấy hết tất cả mặt mạnh, mặt yếu của nó.
Vấn đề trung tâm của phần này là tính chất và vai trò của đạo lí. Thế nào là đạo lí theo quan điểm của Nguyễn Khắc Viện? Qua các bài viết về ông, ta thấy có nhiều cách lí giải khác nhau, mặc dù không mâu thuẫn, bài trừ nhau. GS Phong Lê định nghĩa: “Đạo lí ở đây là cốt cách, nhân cách làm người. Trên cái gốc đạo lí ấy mà ứng xử để biết rõ các giới hạn phải dừng và các mục tiêu có thể đạt được” (Tài liệu đã dẫn).
Theo Đỗ Lai Thuý, đạo lí không phải là bản thân cốt cách hay nhân cách mà là “cái căn bản để tạo nên nhân cách“, nó là tổ hợp những nguyên tắc cơ bản, bất biến chi phối mọi hoạt động ứng xử, ngôn hành của con người, “con người có thể ứng biến, tòng quyền, tuỳ nghi…nhưng không được xa rời đạo lí. Có giữ vững bản chất của nước thì mới linh hoạt như nước được” (Hành trình đến với chữ Tâm trong Nguyễn Khắc Viện – Chân dung và kỉ niệm, Sđd).
Có lẽ định nghĩa và khái niệm của Đỗ Lai Thuý là gần hơn cả với quan niệm của Nguyễn Khắc Viện: “Thời thế biến chuyển, tôi có thay đổi chính kiến, nhưng không hề thay đổi đạo lí. Đã gọi là đạo lí, không thể xa rời dù là chốc lát“. Theo dõi những bài viết của Nguyễn Khắc Viện trong nửa thế kỉ, ta thấy trên một số vấn đề và hiện tượng cụ thể như kinh tế thị trường, hợp tác hoá nông nghiệp, Nhân văn – Giai phẩm…ông đã từng thay đổi “chính kiến”- và tất nhiên không chỉ một mình ông- song xuyên qua tất cả những biểu hiện tiêu cực ấy, ta vẫn thấy ở ông có những tố chất không hề thay đổi, đó chính là  những tố chất gắn liền với đạo lí.
Xin kể một câu chuyện để làm rõ ý này. Một hôm, tôi vừa đến thăm ông thì ông Mai Chí Thọ, bấy giờ là Uỷ viên Bộ chính trị, Bộ trưởng bộ Nội vụ ( nay là Bộ Công an) gọi điện mời ông đến chơi để trao đổi một vài vấn đề, nhân tiện thưởng thức thứ rượu đặc biệt có người vừa tặng. Tôi thấy ông trả lời ngay: “Tôi không biết uống rượu, vả lại, nay đã hưa, chỉ khi nào đụng đến việc công mới làm phiền đến xe cơ quan. Nếu có chuyện cần trao đổi, xin mời anh đến tôi chơi“.
Ông Thọ vui vẻ nhận lời. Ông Viện bảo tôi ở lại cùng tiếp khách, dĩ nhiên tôi chối từ. Sau đó ít lâu, anh Lê Quang Thành, Viện trưởng Viện Khoa học Công an, người cùng đi với ông Thọ, có kể lại cho tôi nghe về buổi gặp gỡ thân tình và thú vị hôm đó. Quả thật khi vừa nghe ông Viện trả lời, tôi chợt liên tưởng đến câu chuyện về Nhan Xúc. Từ thời Chiến Quốc đến nay đã trên dưới 25 thế kỉ, quan hệ giữa ông Viện và ông Thọ là quan hệ đồng chí, nhưng rõ ràng ở câu trả lời của ông Viện, vẫn có cái gì đó phảng phất giống lời đối đáp của Nhan Xúc. Phải chăng đó là đạo lí, ở đây là đạo lí ứng xử?
Nguyễn Khắc Viện khẳng định rằng “đạo lí nhà Nho đã góp phần không nhỏ, tuy không phải tất cả“, giúp ông “nên người“, rằng ông Khổng vẫn là “một trong những bậc thầy lớn nhất” “đã giúp cho loài người tiến lên thành người” và cho đến thế kỉ XX, “nhiều điều ông dạy vẫn còn rất bổ ích“, rằng “nhờ truyền thống ấy mà, dù có hấp thụ sâu sắc chủ nghĩa tự do cá nhân“, ông “vẫn thấy mình nặng nợ với đất nước, với làng xóm, với phố phường, thấy mình có gốc, có rễ“, một điều mà không ít bạn thân của ông, người Pháp, nhìn vào “có ý thèm muốn mà không đạt được“.
Chính những điều đó đã tạo nên bản sắc của nền Văn hoá Việt Nam nói riêng và phần nào bản sắc của văn hoá phương Đông nói chung. Cần lưu ý là trong lúc so sánh với con người phương Tây, Nguyễn Khắc Viện đã có một thái độ khách quan, công bằng, nêu nhược điểm đồng thời với những ưu điểm vượt trội của nó: “Ba trăm phát triển tư bản đã làm con người phương Tây đứt hết gốc rễ, trở thành những cá nhân năng động, tự lập, tự chủ, nhưng cũng khá cô đơn“.
Có người đồng nhất đạo lí và cách xử thế. Về mặt này, trong Bàn về đạo Nho, Nguyễn Khắc Viện cũng nêu lên một cách chí lí sự khác biệt với phương Tây: “Ngày nay, một số học giả Mỹ bày ra cái thuật huấn luyện những cái mà họ gọi là kĩ năng xã hội (socialskills) tức là thủ pháp, thủ thuật, cả thủ đoạn ứng xử trong cuộc sống xã hội, phần nào giống như thuật xử thế của đạo Nho. Chỉ có là theo lối Mỹ, thực dụng, không cần nói đến đạo lí, chỉ biết ứng xử cho thuận lợi. Đó là thuyết ứng xử cả kiểu cũ và mới (behaviorism neobehaviorism): họ thành công không ít nhưng nhiều khi lại rất ngây thơ hay tàn nhẫn, thiếu cái chiều sâu và lòng nhân của nhà Nho“.
Tiếp thu tinh thần nhân văn của Nho giáo, song là một nhà văn hoá còn hiểu biết  nhiều học thuyết và tôn giáo khác của phương Đông, là một nhà hoạt động chính trị đã nghiên cứu lâu năm về chủ nghĩa Mác, từng là một bác sĩ nội trú ở Paris, sống ở một trung tâm của nền văn minh phương Tây gần 25 năm, dĩ nhiên hướng rèn luyện cho “nên người” của Nguyễn Khắc Viện không chỉ dừng lại ở chuyện đạo lí và xử thế. Hướng rèn luyện ấy đã được ông trình bày ở phần sau của đoạn trích và mô hình hoá như sau ở trang cuối cuốn Bàn về đạo Nho (Hình ảnh)
Cuối cùng xin lưu ý rằng đoạn trích là một văn bản dịch. Có thể phân tích, lập luận chặt chẽ, văn phong sáng gọn…song không nên đi sâu vào lĩnh vực từ ngữ, dẫu rằng bản dịch của Đào Hùng và Trần Văn Quý khá tốt và đã được tác giả xem lại trước lúc cho công bố ở Việt Nam.
Theo Hưng Hà Báo Văn học và Tuổi trẻ Số tháng 9-2008
Đăng tin Văn Tường (Trung tâm N-T)

Read Full Post »

Luận bàn 12 chữ: Việt Nam – Dân chủ – Cộng hòa – Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Di sản Hồ Chí Minh: Mười hai chữ vàng

GS. NGND Nguyễn Ngọc Lanh
Tuần Việt Nam

Xem thêm:


“Nước độc lập mà dân chưa tự do thì độc lập cũng không có ý nghĩa” – Hồ Chí Minh.

Hai tuần sau khi giành chính quyền, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã có bản Tuyên ngôn Độc lập với thế giới, mà tác giả chính là Hồ Chí Minh.

Năm lần mất quốc hiệu

Trong 5 lần nước ta mất quốc hiệu, lần gần đây nhất là khi thực dân Pháp đặt nền đô hộ lên xứ Đông Dương. Nước ta bị xé thành 3 mảnh (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ), bị đặt dưới các chế độ khác nhau, ghép với 2 xứ Cao Miên và Ai Lao để thành “Đông Dương thuộc Pháp” (Indochine française).

Chân lý đơn giản là đã mất nước, thì mất cả tên nước, dù là thời nay hay thời xưa. Thời thuộc Pháp, thế giới không biết nước nào có tên gọi là Việt Nam, nói gì biết tới nó nằm ở đâu. Ngay một tính từ liên quan tới Việt Nam cũng bị thực dân gọi là annamite khiến trong mọi văn bản chính thức không có từ nào gợi nhớ tới Việt Nam nữa.

Dẫu vậy, người Việt yêu nước vẫn tự coi mình là dân của nước Việt Nam. Đa số các tổ chức và đảng phái bài Pháp vẫn đưa Việt Nam vào danh xưng của mình (Đảng Việt Nam Độc lập, Việt Nam Quang phục Hội, Việt Nam Cách mệnh Đảng, Việt Nam Quốc gia Độc lập Đảng, Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội, Việt Nam Quốc dân đảng, Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội, Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội…). Một số đưa An Nam, Tân Việt, Đại Việt vào danh xưng.

Một điều thú vị là mặc dù một số tổ chức Cộng sản sơ khai ở nước ta (vì tự xác định phạm vi hoạt động của mình là toàn xứ Đông Dương) nên trong danh xưng chưa có “Việt Nam”, nhưng khi được Nguyễn Ái Quốc hợp nhất lại, ông vẫn đề nghị tên gọi là Đảng Cộng Sản Việt Nam. Tên gọi này tồn tại 8 tháng (2-1930 đến 10-1930 mới được Quốc tế CS III đổi thành Đảng Cộng Sản Đông Dương.

Với viễn kiến của Hồ Chí Minh, tên nước ta – ngoài cộng hoà, còn có thêm dân chủ.

Tuyên ngôn với thế giới: lấy lại tên Việt Nam. Và còn hơn thế

Chỉ 2 tuần sau khi giành được chính quyền từ chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã có bản Tuyên ngôn Độc lập với thế giới, mà tác giả chính là Hồ Chí Minh.

Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là cách viết câu Hán-Việt của thời trước, trong đó tính từ đứng trước danh từ. Nay, nếu viết theo ngữ pháp Việt thì phải là nước Cộng Hoà Dân Chủ Việt Nam. Tới giữa thế kỷ 20, xu thế chung là những chế độ phong kiến cuối cùng chuyển sang chế độ dân chủ, các vương quốc chuyển sang nước cộng hoà. Đương nhiên, Việt Nam hoà nhập vào xu thế này.

Nhưng với viễn kiến của cụ Hồ, tên nước ta – ngoài cộng hoà, còn có thêm dân chủ. Té ra, ngay từ hồi đó, vị chủ tịch nước đã thấy rằng một nước dù đã là cộng hoà, vẫn có thể bị đặt dưới chế độ phát xít, quân phiệt, độc tài, hay toàn trị. Giới cầm quyền vẫn có thể tước đoạt hoặc hạn chế quyền dân chủtự do của người dân. Đức, Ý, Nhật, Tây Ban Nha và một số trường hợp khác… là những ví dụ.

Không phải chỉ sau ngày 2-9-1945 dân ta mới được nghe từ Độc Lập. Chính phủ Trần Trọng Kim trong 4 tháng tồn tại cũng đã hứa hẹn xây dựng một nước Việt Nam độc lập*). Tên nước đã được gọi chính thức là Việt Nam, đã có quốc kỳ, quốc ca… Vấn đề là chưa công bố với thế giới. Hồi đó, chính hai từ thiêng liêng “Việt Nam độc lập” thời đó đã làm bừng tỉnh và nô nức lòng người, nhất là thanh niên và trí thức. Nhiều vị trí thức nổi tiếng, yêu nước và trong sạch đã tham gia chính phủ này. Nhưng chính phủ này không thể nói đến dân chủ, vì Việt Nam vẫn là nước có vua (tên chính thức là “đế quốc Việt Nam” = nước Việt Nam có hoàng đế), cho dù vua Bảo Đại chấp nhận lập hiến và tuyên bố “dân vi quý”.


Quảng trường Ba Đình lịch sử (Ảnh tư liệu)

Có độc lập, có cộng hòa, dân chủ, phải có cả tự do

Nước độc lập mà dân chưa tự do thì độc lập cũng không có ý nghĩa” – Hồ Chí Minh. Chân lý trên đơn giản và dễ hiểu. Nhưng năm 1945, chính quyền cách mạng vẫn huy động toàn lực chống “giặc đói, giặc dốt” thì không phải ai cũng hiểu được như vậy. Cụ Hồ đã nói ra cái điều đơn giản và dễ hiểu này để toàn dân Việt Nam có một tiêu chí – cũng đơn giản, dễ hiểu – đánh giá công việc Nhà Nước do chính cụ đứng đầu.

Câu nói trên còn cho thấy một điều minh bạch không kém: “Độc lập” là quyền của cả một nước, cả một dân tộc; còn “tự do” là quyền của mỗi người dân, của từng cá nhân trong dân tộc đó. Khác nhau lắm!

Đấu tranh cho độc lập thể hiện tính yêu nước của một đoàn thể; đấu tranh cho tự do thể hiện tính yêu dân của đoàn thể đó. Khác nhau lắm!

Dưới thời thuộc Pháp có rất nhiều tổ chức yêu nước. Nhưng có yêu dân hay không, thì phải đợi sau khi giành lại được nước. Khi ra Tuyên ngôn độc lập, có nghĩa là nước ta có độc lập. Khi một nước đã độc lập rồi, thì nổi lên hàng đầu là quyền tự do của mỗi người dân. Không phải ngẫu nhiên hay tuỳ tiện mà trong lời tuyên bố kết thúc bản Tuyên ngôn, Hồ Chí Minh đặt “tự do” trước “độc lập”. Giữa hai từ, cụ Chủ tịch đặt chữ “và” hoặc dấu phẩy.

chúng tôi, chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy. (trích Tuyên Ngôn Độc Lập).
Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng

Mở đầu Tuyên ngôn Độc lập, vừa mới “Hỡi đồng bào cả nước” là tác giả nêu ngay một câu trích trong Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ. Nhưng phải nghe cho hết, cho “thủng”, câu đó, đồng bào mới biết xuất xứ của nó.

Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ.

Với tầm uyên bác của mình, Hồ Chí Minh không thiếu danh ngôn Đông, Tây, kim, cổ để trích dẫn. Nhưng khi soạn thảo một văn bản lập quốc – mang tính trường tồn – hẳn là vị Chủ tịch đã cân nhắc đầy đủ khi chọn một câu trích mà ông đánh giá là bất hủ.

Nó bất hủ vì bao quát được những ước vọng lớn nhất, bao trùm nhất và từ nay là nóng bỏng nhất của con người – kể từ khi con người vừa xuất hiện trên trái đất, cho đến muôn đời sau. Nó phân biệt một con người với một con vật. Quyền sống, quyền tự do và quyền tư hữu của con người đã được triết gia John Lock nêu từ thế kỷ 16, trong đó quyền tư hữu được Jefferson nâng lên thành quyền mưu cầu hạnh phúc khi ông soạn Tuyên Ngôn Độc lập Hoa Kỳ.

Đúng vậy, hạnh phúc phải do mưu cầu mà có, chứ không thể có sẵn. Một chế độ tốt đẹp phải tạo cơ hội để mỗi người có thể mưu cầu hạnh phúc. Muốn mưu cầu hạnh phúc, con người phải có tư hữu: Rèn luyện để có tư hữu thể chất; học tập để có tư hữu kỹ năng lao động. Phải tư hữu phương tiện lao động, sản xuất (nông dân tư hữu đất đai, nhà tư bản tư hữu vốn, trí thức tư hữu năng lực tư duy và các phát minh…). Và cuối cùng là tư hữu tài sản kiếm được. Một con người không tư hữu gì, chỉ còn cách trông vào sự cưu mang của đồng loại.

Bản hiến pháp Hoa Kỳ – bắt nguồn từ tầm nhìn và tư tưởng của Tuyên Ngôn Độc Lập – là bản hiến pháp đầu tiên của thế giới. Vấn đề là nó chưa bao giờ bị thay thế – mà chỉ sửa đổi, bổ sung, tu chính. Do vậy, nó có tuổi thọ cao nhất. Có người nói Hiến Pháp 1946 của ta cũng có giá trị lâu dài, khi cần chỉ cần bổ sung, tu chính lại. Chẳng bù cho những nước liên tục thay hiến pháp (nói lên tầm nhìn chưa xa). Không hiểu sao, ngày nay người Nga không sử dụng hiến pháp thời Xô Viết, mà đã thay thế nó sau khi trưng cầu dân ý.

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Chủ thuyết của nhà cách mạng Tôn Trung Sơn được gói ghém trong 3 mục tiêu đấu tranh: Dân tộc – (phải) độc lập; Dân quyền – tự do; Dân sinh – hạnh phúc. Các mục tiêu cao cả và bao quát này thích hợp với những nước còn nô lệ ngoại bang hoặc đang bị ngoại bang đe doạ. Do vậy, nó cũng thích hợp với nước ta giai đoạn từ sau 1945. Muốn Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc thành 6 chữ vàng, không phải cứ nêu thật cao mà được.

Trong tiến trình lịch sử, phương Đông với nền văn minh chói lọi từ 4000 hay 5000 năm trước đã bị phương Tây vượt qua. Khi giai cấp tư sản đủ lớn mạnh để tiến hành cách mạng ở Pháp (1789) thì ở phương Đông cũng năm đó có cuộc chiến, nhưng là giữa hai nước “đặc sệt” phong kiến. Năm 1802, đất nước ta thống nhất, vua Gia Long lên ngôi vẫn cứ chọn những bậc túc nho làm thầy dạy đạo Khổng cho hoàng tử Đảm, mặc dù vị vua này đã tiếp xúc rất nhiều với văn minh phương Tây.

Khái niệm Tự Do, Dân Chủ không thể ra đời dưới chế độ phong kiến, mà do phương tây truyền sang. Không phải ai cũng tiếp thu nổi, mà phải là những nhà cách mạng như Tôn Trung Sơn và Hồ Chí Minh. Suốt cuộc đời mình, hai vị này chưa bao giờ thấy cần phân biệt Tự Do, Dân Chủ “kiểu phương Tây” với Tự Do, Dân Chủ “kiểu phương Đông”.


Đường Tràng Tiền- Hà Nội, những năm 1930

*) Họ đã làm được một số việc mang tính yêu nước mà lịch sử sẽ làm sáng tỏ.

Read Full Post »

Older Posts »