Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for the ‘Chuyên Văn’ Category

Tặng tập thể lớp Văn – Anh khóa 11, cho những ngày ôn tập miệt mài để cùng hẹn nhau đường đến Ngày vinh quang!

Read Full Post »

>

  • ĐỖ LÊ BẢO DUYÊN

Nỗi buồn của nơi quán chật đèo cao, của sông dài trời rộng, nỗi buồn

của đêm mưa cô đơn hiu hắt, trong niềm nhớ thương trải ra cùng với

những hồn thơ hoang mang, nặng trĩu một nỗi sầu cho suốt một thời kì
rất buồn và cũng rất xôn xao. Với Huy Cận, những nỗi buồn ấy như triền
miên, day dứt hơn bao giờ hết khi tiếng của điệu hồn thiên cổ cất lên,
làm cho mạch sâu ngàn năm chợt da diết, chơi vơi.

Đã có một thời kì, thơ Việt Nam ” buồn và xôn xao đến thế”. Đó là thời
kì những năm đầu thế kỉ hai mươi, khi bộ mặt thật của “tự do, bình
đẳng, bác ái” lộ rõ trước hiện thực, có những con người hoang mang,
mất phương hướng và tưởng chừng như chỉ biết lẩn quẩn trong vòng bế
tắc. Nhưng không, họ đã đứng lên, ngạo nghễ khẳng định tâm tư, suy
nghĩ của mình, dẫu đôi khi yếu đuối rầu rĩ. Những gương mặt với phong
cách độc đáo lần lượt xuất hiện. Những hồn thơ tình, thơ điên…có khi
xôn xao, khi cuồn cuộn, khi dữ dội bão táp. Nhưng tất cả chỉ nằm trong
một chữ tôi bơ vơ, sâu vô cùng tận. Và trong chiều sâu ấy, Huy Cận
đã cùng chúng ta nếm trải và ảo não qua thời gian. Nhà thơ không say
đắm tình yêu, không vội vàng tận hưởng cuộc sống như Xuân Diệu, cũng
không điên cuồng đau thương chất ngất như Hàn Mặc Tử mà cũng chẳng
“nhà quê” như Nguyễn Bính…nỗi buồn “mang mang thiên cổ sầu” như ngọn
lửa âm ỉ cháy cho những rung động với quê hương, với con người và với
cuộc đời. Và độc đáo hơn, ngay trong cách lựa chọn và cách thể hiện
của Huy Cận cũng mang một nét riêng biệt, một tâm hồn lúc nào cũng
trải ra, sẵn sàng “bâng khuâng” với trời rộng, và sông dài, với nỗi
sầu thân thế, nhân thế bao quanh. Và “Tràng Giang” cũng là một trong
những chuỗi cảm hứng cho nỗi buồn triền miên, bất tận. Cả bài thơ là
sự kết hợp giữa chất cổ điển Đường thi trong cảnh vật và chất hiện đại
trong sư cảm nhận của thi sĩ làm bật lên một cái tôi giữa dòng đời –
cái tôi Huy Cận, hoàn toàn riêng biệt.

Được gợi tứ từ vẻ đẹp nên thơ của con sông Hồng, những câu thơ của
Tràng Giang mang theo ngọn sóng ấy, lăn tăn chảy mãi, bất tận. Đó là
sóng của con sông dài hun hút chảy đến cuối trời hay là con sóng trong
lòng đang gợi lên, vời vợi, mênh mang? Ấn tượng của những câu thơ đầu
là một không gian tràng giang sóng nước:

“Sóng gợn Tràng Giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng”

Một không gian mở ra đậm chất Đường Thi. Đó là sự tập trung cao độ của
cái rộng lớn mênh mông, cái tĩnh lặng lan tỏa trong công gian vô
tận.Cũng là ngọn sóng theo dòng nước trôi về, nhưng ngọn sóng Tràng
Giang không hề cuồn cuộn, dữ dội hay lăn tăn, mà lại là “điệp điệp”.
Phải chăng đó là cái “điệp điệp” từ trong lòng người trĩu nặng ra
cảnh? Không gian sóng nước chợt rợn ngợp, vô cùng hơn khi hình ảnh con
thuyền đơn độc, lẻ loi xuất hiện. Chiếc thuyền nhỏ bé lênh đênh trôi
dạt theo dòng chảy chẳng biết đi đâu về đâu. Nhưng cô đơn, quạnh quẽ
hơn khi thuyền và nước lại di chuyển trái chiều nhau ” thuyền về nước
lại”. Giữa không gian ấy, hình ảnh con thuyền nổi nênh cùng “mái nước
song song”, làm đậm thêm cho cái mênh mông vô cùng tận của không gian,
cái nhỏ bé hữu hạn của con người trong dòng đời ngược xuôi cũng như
gợi lên nỗi sầu trăm ngả. Sầu vô cùng, sầu tứ phía, ngàn mây. Thấp
thoáng trong những hình ảnh ấy là bòng dáng của Đường Thi gợi lên cái
hồn buồn Đông Á từ lâu vẫn ngấm ngầm trong cõi đất Việt trĩu nặng.
“Sóng”, “thuyền” làm nên nỗi sầu trăm ngả. Nhưng “củi một cành khô”
lại làm nên một cảm giác chênh chao theo cuộc đời heo hút. Hình ảnh
“củi” đã nhỏ bé, đã mong manh, nhưng “củi một cành khô” lại càng nhỏ
bé, càng mong manh đến tưởng chừng như mất hút trong những con sóng
nối tiếp nhau tạo nên cảm giác lạc lõng, bâng khuâng. Sự lẻ loi buồn
tủi đến bây giờ mới lên đỉnh điểm. Đẹp nhưng buồn và cô đơn, bức tranh
thiên nhiên trong khổ thơ là minh chứng rõ nét cho một cái tôi trữ
tình mang theo nhiều trăn trở, cái tôi muốn vượt ra vòng lẩn quẩn u
tối nhưng lại bị nỗi sầu thời cuộc đè nặng khiến cho bơ vơ, lạc lõng.

Nếu như bức tranh thiên nhiên ở khổ thơ đầu mênh mông, điệp điệp thì
khổ thơ thứ hai, nỗi buồn ấy chợt sâu lắng, lặng lẽ nhiều hơn:

“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống trời lên sâu chót vót
Sông dài trời rộng bến cô liêu”

Không gian vốn rộng nay càng rộng thêm ra. Vẻ đẹp của bờ bãi mở ra hút
tầm mắt bên cạnh những cồn cát nhấp nhô, vô tận. Tiếng lòng “Đâu tiếng
làng xa vãn chợ chiều” chút hoài niệm về tiếng chợ quê ấm áp, âm vang.
Những cồn cát “lơ thơ” rời rạc, những tiếng “đìu hiu” gợi về không
gian xa vắng mênh mông mang theo cái lạnh rùng mình, cái hoang mang
cho nỗi niềm cô đơn. Nhưng tiếng chợ chiều giờ đây chỉ là những tiếng
ồn ã không đầy đủ vọng về từ xa xăm, không đủ sức làm cho cái tĩnh
lặng của không gian tan biến. Và ánh nhìn của nhà thơ bắt gặp cái nhìn
của buổi chiều:

Nắng xuống trời lên sâu chót vót
Sông dài trời rộng bến cô liêu”

Vẻ đẹp thiên nhiên với đầy đủ chiều kích, màu sắc hiện lên rõ ràng.
“Nắng xuống” – “trời lên” – hai hình ảnh vận động trái ngược nhau làm
cho không gian thêm được chiều sâu. Cái nắng thãm cuối ngày mang theo
một nỗi buồn hoài cổ, nỗi buồn sâu lắng trước cảnh thiên nhiên đẹp nao
lòng. Cảm xúc cứ lướt nhẹ nhàng, để rồi đọng lại trong hình ảnh “bến cô
liêu” của sông dài trời rông. Ta tự hỏi tại sao tác giả không dùng bất
kì từ nào khác để diễn tả bến bờ mà lại là “bến cô liêu”? Bởi chỉ có
“cô liêu” mới đủ sức lột tả hết đượcn hững gì hoang vắng , lạnh lẽo,
trống trải, cô đơn trong hồn người.

“Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”

Nỗi buồn vì tiếng chợ chiều đã vãn, không gian dường như chỉ thêm cô
độc hơn khi chẳng có một dấu hiệu nào báo hiệu cho sự sống. Hoàn toàn
tĩnh lặng, những cánh bèo nối liền nhau trong tâm tưởng “đi đâu về
đâu” được sắp đặt khéo léo như ý niệm về thân phận “bèo dạt mây trôi”
của kiếp người. Đằng au đó là nỗi băn khoăn trăn trở của cả một lớp
người bế tắc. “Hàng nối hàng” là sự đặc tả về mật độ nhưng đồng thời đó
cũng là cảm giác miên man dằng dặc . Hai câu thơ tiếp theo là sự vô
vọng tìm về phía ánh sáng. Không một chuyến đò cũng không một chiếc
cầu, chẳng còn mối dây liên hệ, cũng chẳng còn niềm thân mật nào bám
víu vào tâm hồn cũng như cảnh vật. Đến lúc này, những gam màu mới đậm
thêm, tô rõ cho biooir chiều tà những gam màu buồn lặng lẽ. Khoảnh
khắc ánh xanh của bờ bãi và nét vàng phôi pha xuất hiện như chính là
lúc con người chìm đắm trong nỗi buồn thăm thẳm vô bờ.

Khép lại bài thơ là một khổ thơ tập trung những nét thiên nhiên và nét
tâm tình con người. Ở đó là cả một nỗi buồn thân thế mênh mông vô
cùng:

“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”

Ánh hoàng hôn hắt lên trong những đám mây dày đặc tạo nên một màu bạc
tráng lệ, hùng vĩ. Những lớp mây chất chồng lên nhau như một sự ngưng
đọng, sự ngập đầy dần của nỗi niềm con người. Cánh chim bơ vơ càng thể
hiện nỗi thấm thía, cô đơn và sự lạc lõng, bé nhỏ của mình. Cánh chim
chở bao nhiêu khát vọng muốn vượt lên trên nhưng dường như trước bóng
chiều nặng trĩu, u tịch, cánh chim ấy không thể kéo nổi sức nặng bầu
trời và dần mất đà, “sa” nhanh theo bóng chiều. Cảm giác chênh chao
một lần nữa xuất hiện gợi lên biết bao nhiêu cảm xúc mới khác nhau để
rồi nổi bật lên trong nỗi sầu là tình yêu quê hương da diết khôn
nguôi:

“Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”

Đến đây, dòng tràng giang của đất trời đã hòa nhịp vào dòng “tràng
giang” của lòng người. Nhịp chảy vẫn cứ vô tình nối tiếp đều nhau thêm
triền miên, bất tận. Hai chữ “dợn dợn” thật đắt, vừa là dợn dợn trong
tâm cảnh và cũng vừa là dợn dợn trong tâm hồn. Tràng Giang là một
trong những tứ thơ hay và sâu lắng nhất thể hiện cái tôi trữ tình của
Huy Cận, cái tôi buồn sầu trăm ngả, sẵn sàng nôn nao trước cảnh vật,
chỉ chực chờ trào ra nơi đầu ngọn bút:

“Đêm mưa làm nhớ không gian
        Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la…
Tai nương nước giọt mái nhà
            Nghe trời nằng nặng nghe ta buồn buồn”
                                                               (Buồn đêm mưa)

Một nỗi cô đơn quạnh quẽ đọng trong không gian thấm đẫm mưa lạnh. Cảnh
vật sầu một nỗi đơn sơ, hoang vắng nhưng cũng chính là nỗi sầu từ
trong chính tâm can tỏa ra ngoài. Ở câu thơ thứ hai, tác giả sử dụng
hai từ ngữ cùng trường nghĩa “lạnh” – ” hàn”, sự lặp lại không hề vô
tâm, vô tình mà là một sự lặp lại một cách có chủ đích như để nhắc
nhớ, để làm đậm thêm cái lạnh lẽo, cô quạnh trong không gian cũng như
trong lòng. Một nỗi bao la bao trùm lấy con người. Mưa đã buồn, lòng
người còn buồn hơn. Sầu não, muộn phiền đến tê tái, những giọt sầu cứ
thế mà rơi rớt, mà “nằng nặng”, “buồn  buồn”. Ta có cảm giác như không
gian đang trĩu xuống, đọng một nỗi niềm thời gian.

Một nỗi buồn thấm thía, một nỗi buồn không hề bất chợt mà xuyên suốt
trong cả thời kỳ sáng tác của Huy Cận mang theo cả nỗi ám ảnh của sông
dài trời rộng, quán chật đèo cao:

“Ngập ngừng mép núi quanh co
                 Lưng đèo quán dựng, mưa lò mái ngang..
Vi vu gió hút nẻo vàng
            Một trời thu rộng mấy hàng mây nao
                                               (Đẹp xưa)

Không gian lưng chừng đèo mở ra cái vô cùng tận của vũ trụ, thời gian.
Những cảnh vật ở đây sao heo hút, bâng khuâng, lòng người sao ngập
ngừng buồn tủi. Mưa gió cứ vô tình lướt ngang, trời mây vẫn cứ vô tình
trôi đâu hay trong tâm hồn con người đang chợt dâng lên nỗi sầu chất
ngất. Những tâm tư đóng kín lại, chỉ còn nỗi giá lạnh băn khoăn chực
chờ trong tâm hồn Huy Cận, chỉ muốn quên và buồn riêng mình mà thôi.

Nhưng cũng không hẳn vì thế mà  cái hồn nao nao của Huy Cận chỉ nặng
sầu cô đơn. Vẫn còn đó những ước vọng, khát khao về một tình yêu trong
sáng, về một mối giao cảm thiết tha, dẫu mỏng manh thầm lặng:

“Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong.
Hôm xưa em đến mắt như lòng.
Nở bừng ánh sáng. Em đi đên,
Gót ngọc dồn hương, bước tỏa hồng”
                                                                                               (Áo trắng)

Một hình ảnh trong sáng, thánh thiện bừng lên giữa không gian thời
cuộc u tối, vô tình. Một giấc mộng giản đơn, mong manh đi tìm tấm lòng
đồng cảm với tình yêu, tình người. Nét bừng sáng của tà áo tinh khôi
như làm nhạc điệu của nỗi sầu thiên cổ chợt lạc đi, để rung động cho
một tình cảm sâu kín. Bước chân e thẹn kia chợt làm cho không gian u
tối bao quanh tâm hồn nhà thơ chợt bừng sáng, ấm áp. Chàng Huy Cận say
sưa viết, say sưa kiếm tìm cho một tình cảm chan chứa, nồng nàn.Nhưng
cuộc đời tréo ngoe, những tâm tư chợt quay lưng lại giữa tiếng gọi
thiết tha, tiếng than thở khóc thương cho mối tình nhân thế:

“Đời tàn rơi cùng sao rụng canh thâu
Và trăng lu xế nửa mái tình sầu,
Gió than thở biết mấy lời van vỉ?”
                                                                                               (Tình tự)

Niềm giao cảm đã mất, tình yêu không bền, chết đi trong tiếng thở dài
của cô đơn, trong sự lạnh lùng vô cảm của cuộc đời, để rồi khúc nhạc
sầu có lúc ngỡ như dịu đi chợt bùng lên, réo rắt sầu thương:

“Ai chết đó? Nhạc sầu chi lắm thế!
Chiều mồ côi, đời rét mướt ngoài đường”
                                                                                               (Nhạc sầu)

Câu hỏi cất lên như vô tình, như muốn quên đi tiếng lòng mình đang
buồn thương đến thắt nghẹn. Lời tự vấn cho nỗi niềm riêng tư hay là tự
vấn chính cuộc đời bạc bẽo?Tình riêng chẳng bền lâu, tình người chẳng
còn là nơi để bám víu, những khúc nhạc sầu từ cõi lòng cứ thế ngân
lên, rợn ngợp. Trời chiều bâng khuâng, “mồ côi” như chính thân phận
của những con người hoang mang không biết lấy niềm tin nơi đâu để đỡ
đần. Nói thay cho những cõi lòng ấy, thương người nhưng cũng là để
thương chính mình, Huy Cận nhận ra dù có muốn vượt ra những giới hạn
tối tăm nhưng không thể. Biết làm sao được khi tất cả các chốn đều
khép kín, vô tình, chỉ còn lại cái “rét mướt” kéo nhịp cùng nhạc sầu
ảo não, cô đơn.

Chẳng cần “nâng khăn lau mắt lệ” mới có thể diễn tả được nỗi cô đơn,
nỗi buồn trong chính tâm hồn mình, trong lòng Huy Cận đã dào dạt nỗi
niềm bâng khuâng. Lặng lẽ, mải miết, ông vẫn đi tìm để được hòa vào
nhịp sống của thế giới nội tâm bên trong lòng người.

Dẫu biết rằng đó là bi lụy, cô đơn, nhưng nỗi sầu của cái tôi trong
thơ Mới nói chung và nhất là thơ Huy Cận nói riêng vẫn dào dạt, đắm
say. Họ vẫn cứ viết bằng tất cả tâm tư, tình cảm, để được nói lên
tiếng nói tha thiết muốn được đón lấy cuộc đời, được sống với khát
vọng và niềm tin của chính mình. Những vần thơ ấy cứ lặng thầm chảy
mãi cho nỗi niềm của cả một thế hệ, một thời đại để rồi sau này chợt
ngân lên như một dấu ấn của thời gian.

Read Full Post »

Tư liệu phim Chí Phèo

http://www.youtube.com/v/hvV8R-ZVc6U?fs=1&hl=en_US

Read Full Post »

http://www.youtube.com/v/N9v9KORaauA?fs=1&hl=en_US

Read Full Post »

http://www.youtube.com/v/vJ4lyrnMiUo?fs=1&hl=en_US

Read Full Post »

http://www.youtube.com/v/16JxBPnnuJM?fs=1&hl=en_US

Read Full Post »

http://www.youtube.com/v/EE2TSjOHS_0?fs=1&hl=en_US

Read Full Post »

  • CẢM NHẬN ĐÒ LÈN – Trần Thái Diễm Chi
Cuộc sống có những điều được gọi là nỗi nhớ, cứ xa xôi vô hình ; có những hình ảnh được gọi là hoài niệm mãi miên man, dằng dặc ; và có những tình cảm được gọi là yêu thương luôn ấm nồng sâu sắc mà thường đi xa rồi người ta mới biết cách gọi tên chúng. Ta gọi chúng như là hoài niệm,là nỗi nhớ , yêu thương …
Cuộc đời người ngắn ngủi như chiếc lá, thoáng chốc thôi cũng đủ  để mầm non chuyển sắc vàng. Người ta lớn lên, bon chen nhau mà sống để rồi biết bao lần lại tìm về  tuổi thơ trong những nỗi nhớ xa xôi như thế. Với Nguyễn Duy đó lại là cả một thế giới của “ Đò Lèn “ – nơi lắng kết những giá trị vĩnh hằng – bài thơ mà cái tên thôi đã gợi lên giữa lòng người nhiều suy nghĩ. Những người đã biết sẽ thấy quen thuộc nhưng những người không biết lại dễ phân vân: cái gì là “ Đò Lèn “ ? Hai tiếng ấy vô tình trở thành một khái niệm khó hình dung trong khi thực chất nó lại vô cùng giản dị . Nó không phải là con đò, là dòng sông, bến nước hay cái gì đó chợt nảy ra khi lần đầu nghe đến. Đò Lèn là tên một miền đất như bao miền đất khác, nơi đã tạo nên tuổi thơ, hình thành hoài niệm trong bao lớp người xứ Thanh Hóa :
                                Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
                                níu váy bà đi chợ Bình Lâm
                                bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật
                                và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần 
Tuổi thơ được tác giả gợi lên với hình ảnh của bà, với những trò chơi thuở nhỏ.Ở đó có cậu nhóc nào ham chơi mải mê câu cá, có cô bé nào nũng nịu : níu váy bà” ra chợ mua quà. Cái cống Na và chợ Bình Lâm hẳn đã là cả một thiên đường của nhà thơ. Ông viết nó giản dị và chân thật như vừa đem từ cuộc sống vào chứ không chỉ từ một nỗi nhớ thôi. Nào là đi bắt chim sẻ, rồi đi ăn trộm nhãn của chùa, …, được lang thang trên đồng ruộng, trong những ngôi chùa,  khu vườn rộn ràng tiếng chim kêu. Không gian mở ra rộng lớn và mênh mông thỏa mãn tính hiếu động, đam mê khám phá của tuổi nhỏ, đưa chúng hòa nhập vào thiên nhiên, đất trời. Được chơi đùa, được nghịch ngợm thoải mái mới thấy hết niềm thích thú vô tận. Đó thật sự là tuổi thơ đúng nghĩa, khác hẳn với không gian nhỏ bé bao quanh bởi 4 bức tường chật hẹp bây giờ. Ta có thể hình dung ra trước mắt là hình ảnh một cậu bé tinh nghịch, lấm lem nhưng mắt sáng ngời. Không có quần áo đẹp, không có búp bê, siêu nhân , những tuổi thơ như thế hôm nay chỉ còn phảng phất trong nỗi nhớ người trưởng thành, trong ánh mắt lạ lẫm háo hức của trẻ con khi xem phim, đọc truyện ngày trước- cái thời của ba, của ông mình. Đoạn thơ như một cuốn phim quay chậm miên man , dằng dặc trôi đi : 
                             Thưở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị
                             chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng
                             mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm
                             điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng 
Trở về tuổi thơ ta nhận ra niềm hạnh phúc ngây thơ, trong sáng với  đôi chân nhỏ bé thoăn thoắt khắp nơi, ru mình trong làn hương và điệu hát. Bàn “ chân đất “ đã trở thành hình ảnh không thể nào quên đối với mỗi người, cái cảm giác được trực tiếp chạm chân vào đất mát lạnh đến vô cùng, nó ghi dấu hành trình những đêm lễ xa xôi. Và cũng như thế, mùi huệ trắng , làn khói trầm, điệu hát văn đã đi vào từ vô thức ! Tất cả chúng góp phần hình thành tuổi thơ đầy hồn nhiên , tinh ngịch trong tâm hồn mỗi người đã đi qua tuổi thơ, nhiều khi phải xin “ cho tôi một vé đi tuổi thơ “. 
Từ ngày ấy  đến bây giờ là cả một quá trình con người lớn lên, hình thành nhận thức. Ngày còn nhỏ  vô tư, không lo nghĩ : 
                          Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
                          bà  mò cua xúc tép ở đồng Quan
                          bà đi gánh chè xanh Ba Trại
                         Quán Cháo, Đồng Giao thập những đêm hàn
Bà hiện lên trong cuộc sống của cháu lặng lẽ, âm thầm… Cái đầu non nớt và trái tim nhỏ dại đâu biết thế nào là nỗi cơ cực, nhìn mọi việc rồi cũng sớm quên đi. Không trách được bởi lẽ trẻ con đâu thể sâu sắc như người lớn mà hoặc giả có sâu sắc thì tâm hồn đã chai sạn đi rôi đâu còn là trẻ con với nét thơ dại- cái thơ dại được ấp ủ bằng mồ hôi và nước mắt bà. Yêu thương cao thượng giúp cho tâm hồn tránh những bão dông .
Ngày còn nhỏ, yêu bà  là yêu những câu chuyện cổ tích lung linh huyền  ảo : 
                           Tôi trong suốt giữa hai bờ hư thực
                           giữa bà tôi và tiên, Phật, thánh , thần
Bà thổi vào tâm hồn non nớt cái hồn dân tộc bao thế kỉ trong dân gian. Truyện bà kể lung linh sắc màu cổ tích, mang cháu đến với thế giới của những phép màu kì diệu : Cô Tấm chui ra từ quả thị, Lọ Lem sánh duyên cùng hoàng tử . Bà có mái tóc bạc phơ, có nụ cười hiền như bà tiên trong truyện kể. Bà dọa cháu rằng chằn tinh rất dữ, bảo cháu phải nghe lời,… Nhiều, và nhiều lắm… Chính những câu chuyện đã giúp cháu biết yêu cái thiện, ghét điều ác, có ước mơ và hy vọng. Thỉnh thoảng, tìm về tuổi thơ là tìm đến những điều như vậy, nghe lòng mình kể lại lời bà ấm áp. Tâm hồn sẽ được thanh lọc và trong sáng hơn. Cái ranh giới hư thực trong suốt như chính tuổi thơ con người vậy. Dễ tin, dễ nhớ và cũng dễ quên .
Lớn lên một chút cũng là lúc phải đối mặt với hiện thực , cái  đói trở thành nỗi ám ảnh triền miên :
                            cái năm đói, củ dong riềng luộc sượng
                            cứ nghe thơm mùi huệ trắng, hương trầm
Đọc câu thơ ta bỗng nhớ về khoảng thời gian : 
                              Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi
                              Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy
                              Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
                              Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!
 
Nạn  đói những năm 45 như một nỗi kinh hoàng rải khắp  đất nước. Củ dong, củ riềng cũng thành bạn, sượng sùng nhưng đáng nhớ , đáng thương. Mùi huệ  trắng hương trầm cũng phảng phất như cái thoáng trở về bình yên… Những đứa trẻ ngây thơ mơ về một mùi hương đã lắng sâu vào đất, tâm hồn, thân thuộc và rất đỗi bình dị. Đói kém không làm mờ đục tấm lòng trong sáng của trẻ thơ mà ngược lại nó còn gợi nên những mơ ước , cảm tình thầm kín nhưng đáng yêu.
Còn lại gì giữa nỗi nhớ cái bình yên ngày  trước ? Nó có là hoài niệm thương đau , chua xót ?
                               Bom Mỹ giội, nhà bà tôi bay mất
                                    đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền
                                    thánh với phật rủ nhau đi đâu hết
                                    bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn
Quê hương ngày khốc liệt in sâu vào tiềm thức khi mà những hình ảnh sự vật thân thuộc bị hủy hoại. Bom đạn không chỉ phá nát đất quê hương mà còn xóa nhòa đi tuổi thơ tươi đẹp. Bên cạnh không gian thiên đường thuở nào là đổ nát, hoang tàn. Nhà bà, đền, chùa, tất cả tan biến đi dường như quá nhanh đối với những đứa trẻ chưa kịp lớn hoàn toàn. “ thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết “ lay dậy niềm xót xa, như khẽ chạm vào vết đau nhạy cảm. Cái boăn khoăn hết sức trẻ con  lại là niềm đau trong lòng người hiểu chuyện như bà. Không còn quá ngây thơ, có lẽ lũ trẻ hôm nào đã hiểu được cái nguyên cớ đằng sau nó. Nhưng như chưa tin vào chính mình nên mới thành nỗi băn khoăn chưa dám hỏi. Không còn nữa thánh, Phật mơ hồ, huyền diệu, thực tế dữ dội đối lập lại hoàn toàn. Còn bà vẫn vậy, lam lũ tháng ngày: “ Bà tôi đi bán trứng ở ga lèn”
 
Khi lớn lên , con người nhận thức được đầy đủ hơn, làm thành một hành trình trở về man mác:  
                                   Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại
                                   dòng sông xưa vẫn bên lở, bên bồi
                                   khi tôi biết thương bà thì đã muộn
                                   bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi. 
Tình cảm tập trung hướng về bà, con người lam lũ ngập tràn yêu thương. Bà nuôi lớn cháu để hôm nay cháu trở về đây chững chạc, đàng hoàng. Cháu đã và đang là một người lính bảo vệ mảnh đất này, bảo vệ những tuổi thơ như cháu ngày xưa. Chút gì là hối tiếc, yêu thương muộn màng. Đời người mấy ai mà vẹn tròn tất cả ! Con sông kia cũng bên lở bên bồi như người vậy. Bảo rằng đã muộn nhưng chưa bao giờ là quá muộn cả. Yêu thương đâu cần biểu hiện rõ, cháu lớn lên thành người đã là cách thương bà tuyệt diệu nhất. Giờ đây đứng trước mộ bà những vất vả hy sinh ngày xưa càng trở nên thấm thía. Bà đã đi mang theo tất cả những điều đẹp nhất của tuổi thơ cháu bình yên trong khó nhọc. Mất đi không phải là kết thúc. Bà không còn- cháu lớn lên cống hiến cho đất nước, đó là cách tiếp nối sự sống đầy ý nghĩa. Nấm cỏ của bà chôn chặt mọi niềm đau, giữ lại miền ký ức trong sáng cho con người tìm về lúc mỏi mệt.  
Đất nước mình có biết bao người bà như thế! Bà là hiện thân cho phụ nữ Việt Nam hiền hậu, tảo tần hôm sớm. Những ngày đất nước chiến tranh, bà thay cha mẹ nuôi nấng con cháu, giữ cho cháu trọn vẹn một tuổi thơ. Đâu đâu ta cũng nghe nhắc về bà như một hình ảnh thiêng liêng nhất. Người bà đi vào trái tim mỗi người như một lẽ tự nhiên, là miền ký ức vĩnh hằng :  
                                   “Tiếng gà trưa
                                   Mang bao nhiêu hạnh phúc
                                   Đêm cháu về nằm mơ
                                    Giấc ngủ hồng sắc trứng.”
 
Bà , tuổi thơ và những hình ảnh thân thuộc bình dị trong cuộc sống tạo nên giá trị cao đẹp nhất. Đi tìm đâu cái xa xôi khi mà hạnh phúc luôn song hành trong cuộc đời mỗi người. Nó là tình yêu thương vô điều kiện, là những tháng ngày vui chơi thỏa thích. Chúng như mảng màu rực rỡ chiếu sáng tâm hồn, hướng con người về chỗ cái đẹp, cái thiện căn: “Nhân chi sơ tính bổn thiện” .
Cùng với bà , quê hương Đò Lèn hiện lên sống động giữa tuổi thơ chan hòa. Nó hiện diện trong cái nghịch ngợm thiếu thời, trong từng giấc mơ trẻ thơ, là nơi con người vẫy vùng, ngụp lặn. Mảnh đất khi thanh bình, lúc đau đớn oằn mình vì đạn bom nhưng lúc nào cũng phảng phất hương huệ thơm ngần, cái thứ hương vị đã trở thành đặc trưng tồn tại giữa tiềm thức.Đò Lèn của cống Na, chùa Trần, con sông 2 bờ bồi lở , cái tên mộc  mạc mà chân tình thiết tha. Đò Lèn – nơi đó có bà, có cháu, có tất cả hoài niệm yêu thương tồn tại vĩnh hằng cùng nỗi nhớ !
  • BÀI VIẾT CỦA NGUYỄN THỊ THANH NHÀN
Điều quý giá nhất đối với mỗi người có thể khác nhau, song quan trọng nhất là ta biết trân trọng và gìn giữ giá trị ấy như thế nào. Thật vậy, đối với Nguyễn Duy, tình cảm gia đình, đặc biệt là tình cảm bà cháu luôn là một ký ức đẹp trong tim. Qua Đò Lèn, tác giả đã bộc lộ những suy nghĩ sâu lắng về bà gắn liền với sự tỉnh ngộ, nhận ra được tình thương vô bờ mà bà dành cho cháu….

Nhà thơ đã thể hiện hình ảnh của người bà qua sự hồi nhớ:

Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
bà mò cua xúc tép ở đồng Quan
bà đi gánh chè xanh ở Ba Trại
Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn….

Đó là tất cả những cơ cực, vất vả mà người bà đã tảo tần nuôi đứa cháu. Trong cái đói, cái khổ của thời xưa, nổi bật lên trên ấy chính là hình ảnh lam lũ của bà. “Bà mò cua xúc tép”, đó là những việc làm hàng ngày để kiếm cái ăn chăm lo cho con cháu. Ẩn hiện trong câu thơ hình ảnh bà còng lưng, nhẫn nại mò cua bắt ốc, không quản khó nhọc để niềm vui ánh lên trong những đôi mắt thơ ngây của cháu khi có miếng ăn… Thế nhưng xúc động hơn cả là hình ảnh bà đi gánh chè đêm đêm. Cái khó cái khổ đè nặng trên đôi vai gầy của bà, thể hiện trong từng bước chân “thập thững”. Chi tiết đó đủ khắc họa lên được bao nhiêu nhọc nhằn, khó khăn của đời bà. Bước thấp bước cao lần đi trong “những đêm hàn” buốt giá, bà trở nên bé nhỏ, liêu xiêu, nhưng chất đầy sự thương yêu đối với con cháu, để làm nên một sức mạnh có thể chống chọi được với gió đêm, để có thể tiếp tục làm việc nuôi cháu. Bà hiện lên với sự mảnh mai, nhỏ bé nhưng trên đôi vai bà gánh chè rong như gánh cả một gia đình, một tương lai của con cháu. “Mò cua xúc tép”, “gánh chè xanh” là cả một cuộc sống vất vả mưu sinh. Tuy tác giả không nói đến, nhưng hình ảnh người bà hiện lên in đậm dấu thời gian. Một người bà chịu thương chịu khó bền bỉ trong cuộc sống lam lũ, khuya sớm tảo tần. Để rồi từ đó tác giả thể hiện niềm xót xa, ái ngại cho bà. Qua hình ảnh ấy ta nhận ra đâu đó thoáng chút hình ảnh người mẹ thân thương ở thi phẩm Bên kia sông Đuống:

Mẹ già lại quẩy gánh hàng rong
Bước cao thấp bên bờ tre hun hút
….
…Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ…

Cũng từ trong ướt lạnh sương gió, người mẹ hiền từ với hình ảnh “bước thấp bước cao”, nhọc nhằn trên đôi vai mẹ gánh hàng rong mong kiếm được miếng ăn, tất cả cuộc sống và tương lai của các con phụ thuộc vào gánh hàng rong của mẹ. Không biết bao nhiêu người con sông Đuống đã lớn lên sau gánh hàng rong ấy. Để rồi từ đó hình ảnh người bà, người mẹ hiện lên với đức hi sinh và tấm lòng bao dung to lớn….

…Thế nhưng, nhà thơ nói đến những điều ấy với tâm trạng “Tôi đâu biết…” khắc họa được những nghẹn ngào trong câu nói. Đó là cả một tuổi thơ nghịch ngợm, vô tư và hồn nhiên gắn với những trò chơi, trò đùa nghịch của trẻ con như câu cá, theo bà đi chợ, bắt chim, ăn trộm nhãn, chơi đền, xem lễ… Thế nhưng để cháu được như thế, bà đã phải nhọc nhằn như thế nào. Qua đó thể hiện sự vô tư đến vô tâm, vô tính của người cháu. Phải chăng lúc ấy cháu còn thơ bé để ngẫm đến những cực khổ của bà!

Tôi trong suốt giữa hai bờ hư – thực
giữa bà tôi và tiên, Phật, thánh, thần
cái năm đói, củ dong riềng luộc sượng
cứ nghe thơm mùi huệ trắng, hương trầm….

“Trong suốt” khắc họa nên sự vô tư, ngây thơ, hồn nhiên của tác giả lúc bé. “Hai bờ hư – thực”, hai thế giới khác nhau. Một thế giới hiện hữu với tất cả tình yêu thương của bà, và thế giới hư ảo, vô thực của những “tiên, Phật, thánh, thần”, những câu chuyện cổ tích…  Nhà thơ không sống tất cả vì hiện tại, vì tình thương của bà, mà mải bận mơ về những chuyện hư ảo. Điều đó cho thấy tác giả sống với thế giới hư và thế giới thực lẫn lộn với nhau. Để rồi hai câu thơ sau nhấn mạnh mức độ của sự lẫn lộn ấy: những mùi hương cứ trộn lẫn lại với nhau. Hiện thực khó khăn “năm đói” làm người bà càng phải khổ cực hơn nữa. Cậu bé nhỏ khi ấy chỉ biết vui chơi chứ chưa biết nghĩ đến bà mình, lại không nhận ra giá trị “củ dong riềng luộc sượng” vất vả bà kiếm được, không biết thương bà, vô tâm, vô tính trước nỗi cơ cực của bà… Để rồi sau này, khi tác giả đã lớn, đã trưởng thành, đã nhận ra được tình yêu thương của bà dành cho mình, đã biết thương yêu bà thì bà chỉ còn là nấm cỏ:

Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại
dòng sông xưa vẫn bên lở, bên bồi
khi tôi biết thương bà thì đã muộn
bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi…..

 Lúc này cháu đã trưởng thành trong nhận thức về cuộc đời, không còn sống trong niềm tin về sự gần gũi, tương đồng giữa hai thế giới thực và ảo, mà đã “đi lính”, đã biết cầm súng chống lại cái ác cái xấu. Quê hương vẫn còn đấy, những địa danh vẫn còn lưu giữ những kỉ niệm tuổi thơ, “dòng sông xưa vẫn bên lở bên bồi”, nhưng hình bóng của bà thì không còn nữa. Sự thức tỉnh gắn liền với sự ân hận bởi lúc cháu biết thương bà thì cơ hội đền đáp đã không còn. Chính sự tỉnh ngộ ấy khiến cho tình thương bà càng tức tưởi xót xa vì tất cả đã quá muộn màng…

 Thật vậy, trong cuộc đời mỗi con người, ai cũng có điều đáng để hối tiếc. Nhưng quan trọng nhất phải biết sống sao cho trọn vẹn với tất cả, nhất là những người thân yêu của mình. Đừng để khi có tình thương ấy mà không nhận ra, không biết gìn giữ, không biết trân trọng với những gì mình đang có cũng như để những thương yêu ta phải buồn lòng; mà mải mê mong muốn, theo đuổi những giá trị xa vời để rồi khi nó mất đi ta mới biết thương, biết quý thì tất cả cũng đã quá trễ, quá muộn…

  •  BÀI VIẾT CỦA ĐỖ LÊ BẢO DUYÊN
“Quê hương là gì hả mẹ?
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hả mẹ?
    Ai đi xa cũng nhớ nhiều…”
 
Mỗi người sinh ra đều có một quê hương. Dù có ngược xuôi giữa biển lớn cuộc đời, dù thời gian có đổi thay, dù hạnh phúc hay đớn đau, vui buồn sướng khổ thì quê hương cũng là nơi để ta quay bước chân trở về nương tựa, tìm chốn bình yên.Bởi nơi đó chất chứa những kỉ niệm tuổi thơ một thời và tình cảm ấm áp, hồn hậu của gia đình. Là một trong số những bài thơ hòa vào cảm xúc ấy, “Đò lèn” của Nguyễn Duy đã đưa mỗi người trở về miền kí ức xa xăm với tuổi thơ gắn liền với bao kỉ niệm bên người bà yêu thương.
 
“Đò Lèn” – hai chữ giản dị, mộc mạc nhưng lại gợi lên tất cả những gì đẹp nhất và thân thương nhất. Ngay từ đầu, nhan đề bài thơ đã đưa đưa người đọc về với không gian mang đậm dấu ấn làng quê Bắc Bộ.Tuổi thơ là những ngày mẹ mất sớm, sống cùng với tình yêu thương bên người bà và miền quê mộc mạc, một cách tự nhiên, “Đò Lèn” bước vào những trang thơ với tất cả tình cảm yêu thương và chân thành nhất mà tác giả đã dành trọn cho quê hương. Bằng ánh nhìn của người con trở về, nhắc lại những kỉ niệm ngày xưa với hình ảnh người bà xuyên suốt, Nguyễn Duy đã khơi gợi lên những xúc cảm chân thành và chút man mác trong suy tư của mỗi người.
 
Tuổi thơ là những ngày đẹp nhất và trong sáng, hồn nhiên nhất. Bởi nó trôi qua không phiền muộn, luyến tiếc mà hết sức tự nhiên, giản đơn. Chính vì thế trong lòng mỗi chúng ta luôn lưu giữ và nâng niu những kỉ niệm đẹp đẽ ấy bằng tất cả lòng trân trọng và chân thành. Và cũng như mọi người, tuổi thơ Nguyễn Duy cũng trôi qua bình lặng, êm đềm:
 
“Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
níu váy bà đi chợ Bình Lâm
bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật
và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần”
 
Kỉ niệm tuổi thơ tinh nghịch , dễ thương ùa về trong tâm trí nhà thơ tạo nên cảm giác thích thú, vui tươi. Những thói quen “câu cá”, “níu váy bà đi chợ”, “bắt chim sẻ”, “ăn trộm nhãn” trở nên hết sức quen thuộc trong tuổi thơ của tất cả các cậu bé và cô bé. Ta có thể hình dung một cậu bé hiếu động, tinh nghịch luôn tìm cho mình những phút giây vui thích của cuộc sống. Đó là những ngày thơ thẩn ôm cần chờ cá cắn câu, là những ngày tò mò pha chút rụt rè, sợ hãi theo bà đi chợ, là những khoảnh khắc nín thở hái trộm nhãn cùng bạn bè. Thấp thoáng trong tuổi thơ bình yên ấy là không gian của những ngôi chùa mang đậm dấu ấn văn há đặc trưng của quê hương và hình ảnh người bà hồn hậu giàu tình yêu thương. Trong kí ức của Nguyễn Duy in đậm dấu ấn của những phong tục tập quán đặc trưng của người dân bản xứ. Yên bình, nhẹ nhàng nhưng cũng mang chút gì đó sâu thẳm, lắng trầm đọng trong sắc huệ trắng tinh khiết và mùi nhang trầm thoang thoảng chút hơi thở, hoài niệm của quê hương, tuổi thơ trong sáng của nhà thơ cứ thế trôi qua tự nhiên cùng năm tháng:
 
“Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị
chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng
mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm
điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng”
 
Không những thế, tuổi thơ còn gắn với hình ảnh người bà lam lũ, cơ cực. Bằng giọng tiếc nuối và xúc động, tác giả nhắc về tuổi thơ cũng là gợi nhắc về người bà vất vả lo toan:
 
“Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
bà mò cua xúc tép ở đồng Quan
bà đi gánh chè xanh Ba Trại
Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn”
 
Có ai nào biết mình đã vô tình lãng quên những gì quen thuộc, gắn bó nhất với cuộc đời ta. Cậu bé ấy mải mê với những thú vui thích và những tiếng cười trong trẻo nào có biết đến nỗi cơ cực đắng cay của bà. Vừa là bà, vừa là mẹ, bà ngoại của Nguyễn Duy dồn hết tình yêu thương cho con cháu, lam lũ và cam chịu những đắng cay cốt để có thể cải thiện những khó khăn cuộc sống lúc bây giờ. Bà đã làm tất cả những công việc có thể, từ việc nặng đến việc nặng đến việc nhẹ, dù gần hay xa, thời tiết có khắc nghiệt đến mấy cũng cười hồn hậu khi mang về cho con cháu những hạnh phúc nhỏ nhoi, đơn giản. Cái dáng nhẫn nại lội sông suối, tất bật trong đêm lạnh giá làm ta nhớ đến cánh cò cơ cực trong ca dao:
 
“Cái cò lặn lội bờ sông…”
 
Bà cũng như cánh cò, mong manh, yếu đuối, lầm lụi vượt qua tất cả để che chắn, chắt chiu giữa biển đời đầy khổ cực. Đáng lẽ trong những đêm như thế, phải được ngủ trong chăn ấm thì bà lại lặn lội đến nhiều nơi,…tất cả đã in đậm vào trong tâm trí của tác giả. Trải theo bước chân của bà là những con đường quê hương gần gũi, thân quen mở ra với đồng Quan, Ba Trại, Quán Cháo, Đồng Giao – cách xa với nơi ở của tác giả. Vùng đất nhiều màu sắc gắn liền với hình ảnh người bà và những kỉ niệm tuổi thơ bây giờ chợt trở về, ngâm nga trong lòng tác giả chút gì tiếc nuối, ăn năn. Nưng tuổi thơ ấy còn in đậm dấu ấn của nạn đói những năm 1945:
 
“Tôi trong suốt giữa hai bờ hư – thực
giữa bà tôi và tiên, Phật, thánh thần
cái năm đói, củ dong riềng luộc sượng
cứ nghe thơm mùi huệ trắng hương trầm”
 
Nạn đói bủa vây lấy cuộc sống của người nông dân. Họ đã cơ cực, thiếu thốn trăm bề nay lại còn đói khổ hơn gấp ngàn lần. Củ dong riềng luộc sượng hoang mang, mặt chát giọt nước mắt đắng cay thầm lặng của bà trong đó. Cậu bé kia ngơ ngác giữa những gì gắn bó suốt bao ngày hồn nhiên, nay sao như chợt thay đổi một cách vô hình. Nạn đói đã làm cho con người không còn mơ mộng hay hướng mình vào những điều hư vô. Người ta lo tất bật ngược xuôi để lo từng miếng ăn, cái mặc. Nhưng với những đứa trẻ, những đổi thay ấy thật khó hình dung và thích nghi nhanh được. Chính gì thế mà những suy nghĩ, băn khoăn ấy không hề được giải thích rõ ràng. Một bên là thế giới hư vô, linh thiêng của tiên, Phật, thánh thần, một bên là người bà đang đối chọi với hiện thực đầy đau thương, cậu bé chìm đắm vào ranh giới thực hư vô hình. Đặt bà vào khoảng cách với tiên , Phật , thánh thần bằng tất cả suy nghĩ hồn nhiên thơ trẻ, phải chăng cậu bé đã xem bà hiền lành, nhân từ như những vị có thể cứu nhân độ thế? Phải chăng đó là nỗi ước vọng giản đơn muốn cuộc sống được cải thiện nhờ vào phép màu của thần linh? Hay phải chăng trong tâm thức ấy, bà là cầu nối giữa bến bờ thực – hư cổ tích – hiện thực? Bà đưa cháu đến những ước mơ lấp lánh, giúp cháu hiểu ra giữa hiện thực cơ cực làm người lớn phải tất bật thì tâm hồn trẻ thơ mơ mộng làm cuộc sống tinh thần bớt khổ, bớt lo. Chính bà đã nuôi dướng cho cháu những niềm tin, suy nghĩ và khát vọng chân chính, nuôi dưỡng cho tâm hồn tinh tê đầy nhạy cảm, để mai này nó chợt rung động và khắc khoải trong những vần thơ giữa cuộc đời. Thực hư, hư thực, những cảm giác ngây thơ trong sáng ấy chợt lung linh, mông lung hơn khi một lần nữa phảng phất mùi huệ trắng hương trầm. Có lẽ mùi hương này đã in dấu đậm nét trong thơ Nguyễn Duy. Trong bài thơ “Ngồi buồn nhơ mẹ ta xưa”, nó đã thổi vào lòng người chút bâng khuâng, băn khoăn khi gợi về nỗi nhớ da diết:
 
“Bần thần hương huệ thơm đêm
Khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn…”
 
Vâng, hương huệ ấy, khói nhang ấy gợi về nỗi nhớ, đưa ta đến những khát vọng đến với không gian linh thiêng, ảo mộng bây giờ lại thoang thoảng trong những câu thơ khắc khoải khi nhắc về bà, về mảnh đất quê hương. Dường như mùi huệ tinh khiết, khói nhang thơm nồng vẫn còn phảng phất đâu đây trong những bài thơ, trong tâm trí người đọc. Nó làm hồn người trở nên bần thần, quên đi hết những đau khổ trần ai phải đối mặt. Và để đến khi hồn người đã trong trẻo, ngân nga thì nó lại làm dâng lên cảm giấc cay nồng nơi sống mũi, nước mắt chợt rưng rưng. Nước mắt ấy là bởi khói nhang hay bởi nỗi xúc động khi chứng kiến hiện thực khốc liệt, chứng kiến những đắng cay mà bà phải trải qua? Tình cảm yêu thương, trân trọng bà bây giờ đã trở nên thiêng liêng, đáng quý và thanh sạch hơn bào giờ hết. Nó như mùi huệ trắng tinh khôi, mùi nhang trầm ấm nồng mà không có chút bụi nào có thể vương vấn vào. Tình cảm cháu dành cho bà, mãi vẹn nguyên như thế, trong sáng như thế ngay cả trong suy nghĩ và cảm thức, trong kí ức và cả trái tim. Chút gì linh thiêng, man mác còn đọng lại đâu đây, đưa cháu về đến những kí ức đẹp với bà, với thời gian đã xa…
 
Nhưng rồi đột ngột, tuổi thơ chợt bay biến theo tiếng bom đạn và sức càn quét của giặc Mỹ.Những kỉ niệm bên bà, bên không gian quen thuộc không còn nữa, tất cả đã bay lên theo nỗi tiếc nhớ , hoài mong. Chẳng còn yên bình, nhẹ nhàng, bây giờ chỉ còn nỗi lo lắng, ái ngại về hiện thực:
 
“Bom Mĩ dội, nhà bà tôi bay mất
đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền
thnahs với Phật rủ nhau đi đâu hết
bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn”
 
Căn nhà những ngày gắn bó và ăn học, đền Sòng những ngày ngơ ngác chân đất đi xem lễ hội, chùa chiền những ngày hái nhãn trộm, bắt chim giờ đã bay đi tất cả, đẻ đi đến một thế giới xa xăm mà không bai giờ có thể tìm lại được. Chiến tranh khốc liệt gây bao đau thương tang tóc, làm những ngày tuổi thơ êm đềm bị chôn vùi, vụt tắt, nhưng trên hết nó đang bủa vây lấy người bà tội nghiệp. Giọng thơ có phần trách móc khi nói về hiện thực. Người ta thường cầu mng ở những bậc siêu nhiên điều bình an, hạnh phúc, nhưng bây giờ chẳng có hạnh phúc mà chỉ lại có mình bà lại cặm cụi chắt chiu từng chút một, phiêu diêu nhiều nơi. Bà giờ đây phiêu dạt trên sân ga, bán từng quả trứng, nâng niu từng sự sống, trân trọng từng hơi thở, nhịp tim. Phải chăng trong suy nghĩ của tác giả, bà bây giờ cũng giống như tiên,Phật,thánh thần, gửi những hạnh phúc, sự sống theo hành trình của chuyến tàu về những nơi khác? Bà đứng ở sân ga để chắt chiu, chu cấp cho cuộc sống nhưng cũng là để dõi mắt theo những chuyến tàu, trông đợi bước chân cậu bé ngày xưa đi lính trở về. Bà đã chờ cùng tháng năm, cùng hành trình của cuộc kháng chiến, cùng khổ đau….nhưng chỉ tiếc, khi cháu trở về thì bà đã không còn nữa:
 
“Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại
dóng sông xưa vẫn bên lở bên bồi
khi tôi biết thương bà thì đã muộn
bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi.”
 
Thời gian qua, tuổi thơ cũng qua, bây giờ miền quê ấy đón bước chân trở về của cậu bé năm nào. Cũng vẫn là những không gian quen thuộc, dòng sông nối liền quá khứ, hiện tại vẫn chảy tràn trong tâm trí người trở về, nhưng man mác nỗi đau khi vắng bóng người bà yêu thương. Bà đã nằm xuống đất, hòa mình vào với cỏ cây, đi đến thế giới linh thiêng trong truyện cổ tích thuở thiếu thời của cậu bé. Cái dáng cam chịu, lam lũ, tất bật không còn nữa, thay vào đó là khoảng trống vô hình đang lan rộng ra trong trái tim. Cậu bé bây giờ đã lớn, đã từng trải với cuộc đời, những suy nghĩ, cảm thức hồn nhiên không còn nữa, chỉ có tình yêu thương bà vẫn dạt dào, vẹn nguyên. Cảm xúc nhịp nhàng trôi chậm theo nhịp thơ lặng lẽ giờ đây được thẻ hiện chân thành, rõ ràng hơn bao giờ hết. Không bóng bẩy, hào nhoáng, không hình thức phô trương, tình cảm của cháu dành cho bà giản đơn nhưng sâu thẳm, bền bỉ.
 

Tuổi thơ trải dài theo nỗi nhớ, gắn với kí ức và hình ảnh người bà quen thuộc thân thương. Trải qua những biến cố cuộc sống, những đổi thay về không gian và thời gian, nhưng tình yêu của cháu dành cho bà là mãi mãi. Lạnh lùng và có phần thản nhiên trong cách thể hiện, nhưng chất chứa cùng những hình ảnh, giọng điệu là cảm xúc về nơi mà mình đã từng gắn bó, những kỉ niệm mà mình đã trải qua và những nỗi nhớ yêu thương cho bà, để khi tất cả khép lại,  ta chợt giật mình nhận ra, hình như có một giọt nước mắt đang rơi giữa cuộc đời…

Read Full Post »

Hướng dẫn gửi bài

Để post bài cho blog Học Văn, đăng nhập bằng tài khoản của mình, sau đó vào trang chuyenvanlqd.blogspot.com , ở phía trên góc phải của trình duyệt có mục Bài đăng mới, nhấn vào link, sẽ hiện lên khung đăng bài.
Trình tự:
Đặt tiêu đề bài đăng
Đánh máy văn bản (mã Unicode) vào khung bài đăng
Đặt nhãn cho bài đăng (Lưu ý nhãn chính là chuyên mục, có thể chọn theo gợi ý nhãn để đưa vào chuyên mục phù hợp)
Nhấn nút xuất bản
Xem bài đăng
Nếu cần đưa hình ảnh thì bấm vào khung chèn hình ảnh, dán đường dẫn hình ảnh vào từ web (file hình ảnh có đuôi là jpg hay gif) hoặc tải từ máy lên!
Ví dụ:

Cần đưa video thì có thể chọn vị trí chèn trong khung đăng bài, chuyển sang chế độ sọan thảo html, dán mã nhúng vào là có video.

Nếu có sai sót trong quá trình post bài thì bấm vào hình cây bút chì dưới bài để chỉnh sửa.
– Lưu ý: nếu bài gõ trong Word, có thể copy và dán vào bài, sau đó bấm xuất bản, trình duyệt sẽ báo lỗi html, chỉ việc xóa những chỗ trình duyệt đã cảnh báo, đó là các thẻ meta, thẻ link,… là có thể đăng bài. Bằng cách này có thể đưa bài có table vào trong blog.
Chúc các thành viên gửi bài thành công và post nhiều bài đóng góp!
 Những người được cấp đặc quyền quản trị có thể chỉnh sửa bài đăng của blog.

Read Full Post »

     Cảnh chia li là một trong những đoạn trích hay nhất của Chinh phụ ngâm khúc, đã cho thấy rõ hoàn cảnh bi thương của đôi vợ chồng trẻ.
            Tiếng địch thổi nghe chừng đồng vọng
           Hàng cờ bay trong gió phất phơ.
      Trong cái giờ phút chia li ấy, trong cái không gian nhuốm đầy màu tâm trạng, bất giác, một tiếng sáo vang lên như mang theo cả nỗi niềm của người chinh phụ. Tiếng sáo ấy dường như lắng đọng cùng tâm trạng nàng, như muốn gửi gắm những mong mỏi, chờ đợi, lo lắng cho người chinh phu ở nơi sa trường. Đằng sau hình ảnh bóng cờ phất phơ, ta còn nhận ra được ánh mắt đăm đắm nhìn theo cùng với tất cả tấm lòng son sắt, thủy chung của người chinh phụ, hi vọng có thể tìm thấy được bóng hình quen thuộc của mình.
                 Dấu chàng theo lớp mây đưa,
                Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà.
       Hai câu thơ tiếp theo đã mở ra một không gian thiên nhiên vô cùng rộng lớn, bao la, rợn ngợp. Phải chăng ở đây, không gian ấy được tạo nên như muốn chia cắt đi mối tình son sắt, mặn nồng của đôi vợ chồng trẻ? Nhưng dù sao đi nữa, bất chấp mọi sự cản trở, họ vẫn luôn luôn hướng về nhau, quan tâm, lo lắng cho nhau dù cho lớp mây kia đưa đẩy, rặng núi kia hóa thành bức tường ngăn cách. Thủ pháp sóng đôi, một thủ pháp quen thuộc của thi ca Việt Nam đã góp phần làm tô đậm thêm cho sự khắng khít, gắn bó không muốn xa rời của đôi vợ chồng. Thế nhưng, trong hoàn cảnh đất nước lâm nguy, người chinh phu đã ra đi, để lại người chinh phụ bơ vơ, đơn độc một mình trong chốn buồng cũ chiếu chăn hiu quạnh. Nàng ngơ ngẩn, bàng hoàng ôm trọn cho riêng mình một nỗi sầu, một nỗi nhớ mong dâng lên đến tột cùng.
         Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại
         Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
         Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
         Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.
     Hàm Dương – Tiêu Tương, hai địa danh được lặp đi lặp lại nhiều lần trong bốn câu thơ trên, cùng với các hành động ngoảnh lại, trông sang đã khiến cho mối sầu lại càng sầu hơn. Không những vậy, khoảng cách xa nghìn trùng giữa Hàm Dương – Tiêu Tương đã vô tình làm tăng thêm sự xa cách của đôi chinh phu, chinh phụ. Và giờ đây, họ chỉ còn biết gởi gắm những tâm tư, tình cảm của mình vào thiên nhiên, giãi bày tấm lòng của mình với thiên nhiên, và thầm mong đến ngày gia đình được đoàn tụ, sum họp hạnh phúc. Nhưng sự thật lại quá phũ phàng, hiện thực khốc liệt của chiến tranh đã lấy đi tia hi vọng duy nhất của người chinh phụ. Để rồi nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần lại như chiếm lĩnh hoàn toàn tâm trí của nàng.
              Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
              Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
              Ngàn dâu xanh ngắt một màu
              Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?
      Ở đây, tác giả không chỉ muốn nói đến mối sầu dai dẳng luôn bám theo người chinh phụ, mà nó còn muốn nhấn mạnh hơn về hiện thực oái ăm đến lạ thường: Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy. Họ muốn gắn bó, gần gũi nhau nhưng lại phải chia li, cách biệt, càng dõi nhìn nhau thì càng không thể thấy được nhau. Nhưng, tuy hai người ở hai nơi xa cách nhau đến muôn trùng, muôn dặm thì tâm hồn của họ vẫn hướng về nhau, thấu hiểu cho nhau những niềm vui, nỗi buồn. Để từ đó, họ ngoảnh về cùng một hướng, cùng nhìn về bãi nương dâu xanh ngắt kia. Màu xanh – màu của hòa bình, của sự hi vọng, tràn trề hạnh phúc, nhưng sao ở đây,  nó lại thấm đẫm sự cô đơn, hiu quạnh khiến cho người chinh phụ không thể không thốt lên một câu hỏi chứa đầy sự phẫn uất, sầu hận Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai???…

Read Full Post »

Older Posts »